Hạnh phúc của mẹ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/7/2017 | 8:10:51 AM

YBĐT - Mẹ kể: “Cái hôm nhận giấy báo tử thằng Lâm, cả nhà giấu mẹ. Bình thường tụi trẻ nói cười rôm rả lắm. Thế nhưng, hôm ấy mẹ đi làm về, đứa nào cũng nín lặng. Hỏi chồng con, ai cũng nói nhà không có chuyện gì. Sau rồi biết thằng Lâm hy sinh, mẹ vật vã đau đớn...".

Mẹ Lô ngày ngày vẫn hương khói cho chồng và hai con trai là liệt sỹ.
Mẹ Lô ngày ngày vẫn hương khói cho chồng và hai con trai là liệt sỹ.

Tháng Bảy, se sẽ hơi thu. Gió chuyển mùa khiến cái nắng cuối hè không còn rát bỏng. Lòng bâng khuâng nhẹ bước, tôi về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lô – mẹ có hai con là liệt sỹ ở thôn Liên Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái.

Con đường quê phong quang sạch đẹp. Cuộc sống của người dân xã ven đô trong tiến trình xây dựng nông thôn mới đang từng ngày đổi thay, sầm uất hơn với những biệt thự, nhà vườn kiến trúc đẹp, hiện hữu dáng dấp phố thị. Ngôi nhà của mẹ Lô và vợ chồng người con trai út nằm giữa thôn, rộng rãi, thoáng mát với vườn rau, ao cá, ấm áp ân tình của cháu con và bà con chòm xóm...

Nghe Hương - cô cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội xã Văn Phú kể về mẹ Lô, tôi đã phần nào mường tượng được. Ở cái tuổi 88, thường ngày, mẹ Lô vẫn làm vườn, chăm con gà, con lợn, nấu nồi cám, quét dọn sân nhà đỡ đần con cháu. Nghe cô con dâu út nói nhà có khách, mẹ rửa vội tay chân lật đật chạy vào, vừa đi vừa phân trần: “Mẹ làm tý cỏ vườn sau nhà. Mưa xuống, đất mềm, nhổ cỏ mới dễ...”.

Mẹ nhìn Hương cười âu yếm như thể con cái trong nhà. Sau rồi nghe Hương kể tôi mới biết, mẹ rất quý Hương, cứ muốn nhận cô làm con gái nuôi. Nhìn sang tôi, mẹ bảo: “Cái con bé này lạ, mới về công tác ở xã à con...”.

Tôi lặng lẽ ngắm nhìn mẹ, nhìn lên di ảnh hai người con trai yêu quý của mẹ mà lòng se sắt. Liệt sỹ Trần Văn Lâm là con trai cả của mẹ Lô. Anh Lâm nhập ngũ tháng 2/1966, đơn vị KN, hy sinh ngày 28/8/1968 tại mặt trận phía Nam. Người em trai giáp anh, liệt sỹ Trần Bình Long nhập ngũ tháng 8/1972, đơn vị Tiểu đoàn 9 KT, hy sinh ngày 6/4/1974.

Gần 10 năm, 2 lần đón nhận giấy báo tử từ đơn vị các con trai gửi về, lòng người mẹ tảo tần héo mòn, đứt từng khúc ruột.

Mẹ kể: “Cái hôm nhận giấy báo tử thằng Lâm, cả nhà giấu mẹ. Bình thường tụi trẻ nói cười rôm rả lắm. Thế nhưng, hôm ấy mẹ đi làm về, đứa nào cũng nín lặng. Hỏi chồng con, ai cũng nói nhà không có chuyện gì. Sau rồi biết thằng Lâm hy sinh, mẹ vật vã đau đớn... Mẹ nhớ ngày thằng Lâm nhập ngũ, xe về xã đón quân. Đang buổi chợ, mẹ nghe người ta bảo thế vội vàng chạy về làm cho nó ít bánh sắn để mang đi phòng khi đói bụng. Tất tả theo con đến chỗ Km 5, thành phố Yên Bái bây giờ ấy thì mới gặp, may là họ cho nghỉ ở một cái quán để ăn uống. Đưa cho nó túi bánh sắn mà nó cứ đuổi mẹ quầy quầy. Mẹ nhớ nó nói: “Mẹ về đi. Mẹ cứ theo con làm gì. Con đi rồi con về”…

Nỗi đau của mẹ nguôi ngoai khi nhìn đàn con mỗi ngày mỗi khôn lớn. Rồi anh Long – người con trai thứ 2 của mẹ Lô lại lên đường nhập ngũ. Anh yên nghỉ chốn rừng thiêng nước độc, để lại nơi khóe mắt người mẹ già hằn in nỗi buồn theo năm tháng.

Mẹ bảo: “Mẹ thương cái thằng ấy. Ngày nhỏ, mấy anh em ở nhà. Đói quá, bé biết gì đâu, tranh ăn cây ngô với con trâu bị nó vật cây ngô trúng vào mắt, phải về tận Phú Thọ để mổ... Nó tình nguyện đi bộ đội. Thằng Long lém lỉnh, hài hước lắm. Thằng Lâm thì lành hiền như cục đất, chả biết tán gái là gì. Đi bộ đội cũng chỉ chừng độ 18, 19 tuổi gì đó - mẹ già rồi không còn nhớ được nhưng ngày nó đi lính chưa có bạn gái gì đâu. Hôm đi bộ đội, nó mặc nguyên bộ quần áo của ông ấy đấy”.

Vừa kể mẹ vừa chỉ tay về phía bàn thờ - nơi đặt di ảnh chồng và 2 con trai liệt sỹ. “Cũng nhận được đôi ba lá thư nó viết gửi về, là ngày đơn vị huấn luyện ngoài Bắc thôi. Còn vào Nam rồi thì cứ biền biệt thế cho đến ngày nhà nhận được giấy báo tử”.

Kể chuyện về hai con trai liệt sỹ, niềm tự hào ánh lên trong đôi mắt mẹ Lô, ngỡ như các anh hãy còn thơ bé thuở nào: “Đấy, cái ảnh đội mũ tai bèo này là thằng Long gửi về cho nhà khi nó huấn luyện ở Bắc Thái. Nó trắng trẻo, đẹp trai hơn thằng Lâm. Đợt đầu mới đi, nó về thăm nhà được đâu 2 lần gì đó. Chịu khó lắm, lần nào về cũng bổ củi giúp bầm… Có cô bạn gái xã bên cũng hay lại. Cả khi sau này thằng Long hy sinh, con bé ấy vẫn qua lại thăm gia đình.

Nhớ cái hôm nó đưa con bé về chơi, nghe nó nói mà cứ mẹ cứ buồn cười mãi. Nó bảo: “Bầm ơi, tối nay bầm cho con mượn giường của bầm nhé, con có khách… Nó hy sinh từ ấy đến giờ vẫn chưa có tin tức mộ phần ở đâu. Thằng Lâm được an táng tại Nghĩa trang mặt trận phía Nam. Mãi mấy năm gần đây, nhà mới có điều kiện đưa nó về chôn cất tại nghĩa trang của gia đình... Tính ra cả nội ngoại hai bên thì nhà không chỉ có 2 liệt sỹ đâu, mà em trai ông ấy nhà tôi cũng là liệt sỹ và còn đứa cháu là liệt sỹ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nữa”.

Trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thành phố Yên Bái có hàng nghìn người con ưu tú tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng với dân tộc. Trong số những người lính ấy, có nhiều người đã không trở về. Họ hy sinh khi tuổi còn thanh xuân cho lý tưởng cao đẹp - độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đằng sau mỗi cuộc đời mỗi người chiến sỹ ấy là những người mẹ, người vợ âm thầm chịu đựng mất mát, hy sinh. Khắc ghi công lao to lớn ấy, công tác đền ơn đáp nghĩa được chính quyền các cấp, tổ chức hội, đoàn thể từ thành phố đến các xã, phường đặc biệt chú trọng quan tâm.

Thành phố Yên Bái có 47 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 3 mẹ hiện còn sống. Mẹ Lô hiện đang được Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái nhận phụng dưỡng. Hỏi chuyện về những chế độ mà Đảng và Nhà nước quan tâm, mẹ phấn khởi lắm.

Mẹ khoe: “Năm 2015, vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và tặng quà tại nhà. Năm nào cũng được các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, thành phố và lãnh đạo địa phương đến thăm hỏi, tặng quà kể cả dịp lễ, tết, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, 27/7 hàng năm. Rồi mẹ còn được mời đi dự các hội nghị, được tỉnh cho đi tham quan quê Bác, đi nghỉ điều dưỡng, khám chữa bệnh được các chế độ ưu đãi.

Mà các con ở Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái mới rồi cũng mới về thăm mẹ tặng 3 triệu đồng đấy, lại còn có quà riêng tặng mẹ nữa. Ai cũng bảo mẹ sướng. Mà ngẫm thấy đúng, cuộc đời mẹ đến giờ đủ đầy cả. Một đời tần tảo chăm con cho chồng công tác xã hội, khổ đấy nhưng ông ấy làm đến chức Bí thư Đảng ủy xã, cũng thấy tự hào cho dòng tộc.

Sinh được 7 người con, hy sinh 2 còn 5 đứa, giờ chúng cũng đã lên ông lên bà. Cháu thì nhiều không nhớ hết tên, còn chắt cũng đã có gần chục đứa”. Mẹ cười hiền: “Có còn gì hạnh phúc hơn nữa đâu con. Con cháu đứa nào cũng hiếu thảo, ngoan ngoãn, biết chỉn chu làm ăn... Mẹ già rồi, được Đảng, Nhà nước quan tâm thế còn gì mà mong nữa”.

Chia tay mẹ Lô, trong thoang thoảng hương trầm. Tiếng mẹ nhẹ như gió thoảng. Có phải mẹ nói với tôi hay đang nói với hai người con trai yêu quý của mình: “Hy sinh mất mát của mẹ có thấm vào đâu với nỗi đau của nhiều người mẹ Việt Nam khác”. Nhưng mẹ tự hào đã sinh ra được hai người con trai lành lặn, đều hy sinh cho Tổ quốc, làm rạng danh cho gia đình, dòng họ. Ấy là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mẹ...

 Minh Thúy

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục