Dòng chảy thơ ca về hình tượng người anh hùng liệt sỹ
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/7/2017 | 10:54:38 AM
YBĐT - Thơ ca viết về chiến tranh luôn dành một vị trí trang trọng để ngợi ca hình tượng người anh hùng liệt sỹ. Họ là những người xông pha nơi chiến trường ác liệt, đối mặt với kẻ thù nơi tuyến đầu để cho đất nước được độc lập.
Các mẹ, các chị thắp hương tri ân những anh hùng liệt sỹ .
(Ảnh: Thanh Hương)
|
Trong hoàn cảnh chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, không ít những người lính đã hy sinh anh dũng, nằm lại nơi chiến trường. Hình ảnh ấy đã tạc vào dáng hình đất nước và trở thành bức tượng đài bất hủ trong thơ ca kháng chiến.
Viết về chiến tranh, nơi bom đạn ác liệt, các nhà thơ của văn học Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 và giai đoạn sau 1975 không hề né tránh những đau thương, mất mát và đặc biệt là hy sinh của những người lính.
Dường như, mỗi sáng tác thơ ca là một góc nhìn đầy chân thực về sự ra đi của những con người đang ngày đêm băng suối, vượt rừng hành quân ra trận. Mỗi một bài thơ, một trường ca như một thước phim gieo vào lòng người đọc hình tượng người anh hùng liệt sỹ, những người mang trong mình tình yêu quê hương, mang trong trái tim mình bầu nhiệt huyết của tự do.
Đất nước đau thương, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi không hề tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng đi vào nơi nguy hiểm để bảo vệ từng tấc đất, từng ngọn cỏ quê hương. Bởi trong trái tim họ có một thiêng liêng hơn cả cái chết, đó là niềm tự hào giống nòi và sự quyết tâm bảo vệ bờ cõi: “Ở giữa anh và em là cái gì cao hơn sự chết/ Hơn cả sự sống hai ta là sự sống giống nòi” (Thời chúng ta yêu nhau - Trần Mạnh Hảo).
Bởi họ là những chàng trai, cô gái căng tràn sức trẻ, họ không thể khoanh tay đứng nhìn đất nước chìm trong lửa đạn: “Cô gái áo nâu vai tròn gió thổi/ Ngực căng đầy hồi hộp ánh trăng/ Tóc chàng trai dính chút bùn non/ Sau buổi cày bừa đồng chiêm vội vã” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).
Những người lính tự nguyện bước vào trận chiến, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình khi đất nước lâm nguy: “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm” (Ngày về - Chính Hữu).
Khi đất nước có chiến tranh, những chàng trai, cô gái nơi quê nghèo trở thành người chiến sỹ, con đường trước mặt họ là con đường chinh chiến dài lâu và gian khổ. Họ sẵn sàng ra đi trong tư thế bàn tay cầm súng. Gia tài lớn nhất để họ tiến về phía trước đó chính là trái tim. Trái tim của tinh thần yêu nước, trái tim của lòng dũng cảm và sự tự nguyện hiến dâng cho Tổ quốc. Càng đi, trái tim càng mài sắc và thức nhọn lòng căm thù giặc, thức nhọn lòng quả cảm để đấu chọi với bom đạn của kẻ thù.
Lý tưởng cao đẹp trong trái tim người chiến sỹ đã thôi thúc bước chân của họ trên chiến trường. Dường như từ trong sâu thẳm tâm can, người chiến sỹ vững tin vào một ngày mai chiến thắng nên bước chân của họ đầy quyết tâm và vững chãi: “Đi/ Đi/ Và đi.../ Đi giải phóng đất đai/ Chưa dừng lại khi đất đai Tổ quốc mình chưa hoàn toàn giải phóng…/ Cái chặng đường anh sắp vượt lên/ Để tới đích cắm lá cờ chiến thắng…” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo).
Trong hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đi đến ngày chiến thắng, không ít những người lính đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Viết về giây phút ra đi của người lính là những đoạn thơ mang sức căng của cảm xúc, đậm chất hiện thực.
Trong phút giây quyết định, khi mà số phận của họ cận kề với cái chết, khi mà đất nước sẽ một còn, một mất cũng là lúc mà tâm thế của người lính đẹp hơn bao giờ hết: “Những người lính vững vàng như cột mốc/ Những người lính/ Đứng/ Làm cột mốc/ Những cột mốc thiêng liêng/ Biết thương nhớ/ Biết làm nên sấm sét/ Khi quân thù xâm lấn núi sông ta!...” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo).
Thơ ca viết về người lính chân thực đến từng câu chữ, từng hình ảnh. Bởi vậy, các tác giả không hề né tránh viết về những gian khổ và đặc biệt là sự hy sinh của người lính trên chặng đường hành quân của họ. Sự ra đi của người lính gần như gang tấc: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ” (Viếng bạn - Hoàng Lộc).
Không phủ trên mình hào quang của những tấm chiến bào sang trọng, không có những khúc cử hành tấu lên, người lính nằm xuống đất mẹ trong tư thế: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến - Quang Dũng). Dọc chiến trường, nơi rừng thiêng núi thẳm, những ngôi mộ của họ như những cột mốc vững chắc trên con đường ra trận, trở thành những nấm mồ vô danh nơi biên cương.
Không hề lên gân hay kể lể khi nói về phút giây đau thương nhất, phút giây người lính hy sinh, trở về với đất mẹ, những vần thơ nhẹ nhàng mà thấm sâu vào trái tim người đọc về những người anh hùng. Họ ra đi vì chiến tranh, họ chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu và ngã xuống trên hành trình đi đến ngày chiến thắng.
Cái chết của họ “nhẹ tựa lông hồng” mà xót xa đau đớn: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai” (Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo). Họ tình nguyện ra đi và nằm xuống khi tuổi đời còn xanh: “Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó/ Áo binh nhì xanh suốt tuổi đôi mươi” (Sông Mê Công - Anh Ngọc).
Trong khoảnh khắc đạn bom, đất đá và tiếng gọi như bị hòa trộn vào nhau tạo nên một tình thế hết sức cam go. Trong hoàn cảnh ấy, người chiến sỹ - những cô thanh niên xung phong là những người sẽ phải xông pha để thông những tuyến đường.
Song, sức công phá của dã tâm hủy diệt không chỉ băm vằm những tuyến đường mà còn vùi lấp những "mái tóc tuổi hai mươi” nơi Đồng Lộc: "La lại quẫy mình... không làm sao gượng dậy/ Nắng nửa chiều tung hoa cải hoa cà/ Trên bụi khói/ Bỗng lành lạnh bờ vai/ Như máu chảy lại như là nước chảy/ Và dòng sông xanh cứ dâng đầy lên mãi/ Dọc cơn mê - dịu ngọt một dòng sông... ” (Con đường của những vì sao- Nguyễn Trọng Tạo).
Những người chiến sỹ - những cô thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng. Họ không thể gượng lên trước sự công phá của những vũ khí tối tân. Mái tóc xanh của tuổi hai mươi hòa vào lòng đất, bay trong lòng đất.
Để rồi, tiếng gọi đồng đội thiết tha, trìu mến vẫn vang lên trên mặt đất nham nhở hố bom: "- Mười đồng đội yêu thương/mười đồng đội yêu thương nằm lại với con đường!/- La không khóc mà đầm đìa nước mắt/ Ơi Hợi, ơi Nho, ơi Hà, Xanh, Cúc...” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).
Những người lính đã nhận thức được cái chết chờ đợi ngay trước mặt, nếu yếu lòng sẽ chẳng thể vượt qua: “Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn/ Sống thì đi mà chết thì nằm/ Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn/ Đất nước là một cuộc hành quân” (Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo).
Nếu lùi lại phía sau thì cả dân tộc mình sẽ bị vùi trong biển lửa, trong đau thương: “Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ/ Bay đừng hòng khuất phục đời ta/ Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy/ Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa” (Bài ca chim Chơrao - Thu Bồn).
Trước cửa tử đầy nguy hiểm, họ đã nằm xuống, đã chết trước bình minh của hòa bình: “Em ơi em, có thể anh ngã xuống/Trước bình minh chiến thắng” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo).
Họ thanh thản ra đi, họ coi cái chết như một điều định sẵn vì con đường phía trước. Các anh nguyện: “Nằm khuất nơi đâu ven rừng đá lạnh/ Trọn đời làm chiến sỹ vô danh” (Thu Bồn - Bài ca chim Chơrao).
Sự hy sinh của những người lính là khúc tráng ca bất tử về những con người tình nguyện xả thân vì Tổ quốc. Đó là sự hóa thân kỳ diệu họ vào lòng đất Mẹ và sự bất tử những con người với non sông: "Tên anh đã thành tên Đất Nước/ Ôi anh giải phóng quân/ Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân).
Hành trình đi đến chiến thắng của dân tộc không phải là con đường trải đầy hoa hồng và gấm lụa. Đó là chặng đường đầy chông gai mà mỗi tấc đất, mỗi gốc cây đều thấm máu anh hùng: “Ngày dân tộc trở về đường số một/ Lòng không nguôi thương những cánh rừng này/ Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc/ Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới rừng cây/ Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/ Xin hãy để “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo).
Để rồi, những dòng sông dập dềnh song nước ngàn năm sau vẫn ca lên những khúc ca về tuổi hai mươi anh hùng đã làm nên dáng hình xứ sở: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” (Lời người bên sông - Lê Bá Dương).
Bức tượng đài về người anh hùng liệt sỹ đã trở thành bất tử trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Mỗi tấc đất quê hương, mỗi ngả rừng, mỗi dòng sông đều là sự hóa thân của các anh, các chị. Mỗi vần thơ viết về đề tài chiến tranh là niềm tự hào, biết ơn và sự ngợi ca trân trọng nhất đối với sự hy sinh của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thế Lượng
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 498 liệt sĩ. 498 liệt sĩ được cấp Bằng Tổ quốc ghi công đợt này thuộc các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng và 36 tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh...
YBĐT - Mẹ kể: “Cái hôm nhận giấy báo tử thằng Lâm, cả nhà giấu mẹ. Bình thường tụi trẻ nói cười rôm rả lắm. Thế nhưng, hôm ấy mẹ đi làm về, đứa nào cũng nín lặng. Hỏi chồng con, ai cũng nói nhà không có chuyện gì. Sau rồi biết thằng Lâm hy sinh, mẹ vật vã đau đớn...".
YBĐT - Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thành phong trào lan tỏa, sâu rộng trong nhân dân.
YBĐT - Họ tham gia một cuộc chiến giữ nước vĩ đại, khốc liệt, bi thương và hào hùng cách đây hơn 30 năm. Hơn 4.000 người lính đã anh dũng hy sinh mà tên tuổi các anh mãi mãi “Sống bám đá, chết hóa đá” như nguyện ước chiến hào của những người lính chiến đấu bảo vệ biên cương thân yêu suốt một thập kỷ.