Những ký ức không bao giờ quên

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 8:03:29 AM

YBĐT - Đã 33 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời đạn bom trong trận chiến khốc liệt tại mặt trận biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những cựu chiến binh (CCB) ngày ấy.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (bên phải) cùng đồng đội là cựu chiến binh Lê Huy Tâm ôn lại kỷ niệm bên các kỷ vật một thời.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (bên phải) cùng đồng đội là cựu chiến binh Lê Huy Tâm ôn lại kỷ niệm bên các kỷ vật một thời.

Ta với địch giành nhau từng mét chiến hào, từng mỏm đá, gốc cây và những trận địa pháo nã đạn liên hồi đã biến đồi cây xanh thành đồi đất đỏ. Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1984 - 1989).

Ngày 12/7/1984, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mở màn chiến dịch giành lại các cao điểm do địchchiếm đóng trái phép trước đó. Sư đoàn bộ binh 356 làm nhiệm vụ chủ công, phối hợp với các cánh quân của sư đoàn 313, sư đoàn 316 và nhiều đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hơn ba mươi năm trôi qua, hồi ức của những CCB ngày nào vẫn dâng trào cảm xúc. Ngày 12/7 trở thành ngày “giỗ trận” của Sư đoàn 356, khi chỉ trong 1 ngày 600 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Hôm nay, các cao điểm: 772, 685, 1100, 1509… (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) đã xanh mướt màu cây, thấp thoáng những bản làng và những con đường mới mở, nhưng trong tâm trí những CCB mặt trận Vị Xuyên thì nó vẫn đặc quánh màu khói pháo, thuốc súng của những trận đánh năm xưa. Những địa danh bất tử như “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”, “Ngã ba tử thần”… với họ, vẫn luôn hằn sâu trong ký ức.

Nhắc lại trận chiến kinh hoàng trên “Đồi thịt băm”, cao điểm 772 trong ngày 12/7/1984, CCB Nguyễn Văn Kim ngày đó cũng như bao thanh niên cùng trang lứa ở phường Minh Tân, thị xã Yên Bái (nay là TP Yên Bái), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc hăng hái lên đường bảo vệ biên cương.

Anh được phiên chế vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. Những ký ức kinh hoàng trong các trận đánh được anh và đồng đội ghi nhớ từng khoảnh khắc, ám ảnh theo tháng năm, trong từng giấc ngủ. Mỗi lần gặp lại đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa, kể lại ký ức bi tráng ở mặt trận Vị Xuyên, họ lại ôm chầm lấy nhau mà khóc.

Trở lại trận đánh trên “Đồi thịt băm”, CCB Nguyễn Văn Kim kể: “Đúng 4 giờ sáng ngày 12/7/1984, mặt đất rung chuyển, chớp lửa chói lòa, cỏ cây, đất đá rơi ầm ầm, đạn pháo trút xuống như mưa lên các sườn đồi của cao điểm 772. Tôi và đồng đội tai ù đặc vì tiếng pháo nổ, những cột lửa đỏ rực. Lúc đầu lệnh nổ súng chưa phát ra, chúng tôi chỉ biết ẩn nấp trong những công sự vừa đào cách đấy ít phút, giữ cho thân mình khỏi bị những mảnh đạn văng vào".

"Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 3 chúng tôi được giao là tiến công mục tiêu Đ3 của cao điểm 772 và chọc sâu chia cắt lực lượng tiếp viện của địch từ cao điểm 1509 xuống, đồng thời tổ chức đánh thẳng vào trận địa pháo và nhà kho của địch. Khi phát hiện ta tổ chức tấn công, địch tập trung hỏa lực từ lô cốt trên cao bắn xuống rất mạnh làm cán bộ, chiến sỹ của ta bị thương và hy sinh nhiều. Đúng thời điểm đó, chiến sỹ Đặng Văn Gấm của Tiểu đoàn 3 đã dùng súng B41 bắn liên tiếp 2 quả đạn trúng vào lô cốt, khiến hỏa lực địch im bặt. Chớp thời cơ, bộ đội ta ào ào xông lên và chỉ sau mấy phút đã chiếm được tiền duyên tuyến hào 1 của địch. Tuy nhiên, sau đó địch lại khống chế các hỏa lực của tiểu đoàn, anh em phải nằm ép xuống dưới tuyến hào và không thể tiến sâu thêm được, anh Gấm bị thương nặng được đưa về tuyến sau điều trị. Trận đánh đó, anh Gấm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Mọi người đều thầm nghĩ, nếu không có hai quả đạn B41 của anh Gấm thì anh em chắc gì còn được ngồi đây” - ông Kim chậm rãi nhớ lại.

Trong trận chiến khốc liệt ngày 12/7, còn rất nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng ngoan cường khác. Trong số đó, không thể không nhắc đến Đại đội trưởng Đại đội 11 Nguyễn Văn Minh, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. CCB Nguyễn Văn Kim nhớ lại: Mặc dù bị thương nặng hai lần ở đùi nhưng anh Minh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội chiến đấu anh dũng, kiên cường, sau đó thì ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh bò lết từ tuyến hào 1 xuống đến chân Đ3 và bị lạc mất đồng đội suốt 6 ngày đêm.

Đến gần 4h sáng ngày 18/7, chúng tôi tìm được anh Minh ở gần một cái cối nước và bụi mía, khi đó anh đã phải dùng mười đầu ngón tay còn lành lặn cào bới rễ cây ăn để cầm cự sống. Gặp chúng tôi, anh Minh chỉ kêu lên được một tiếng rồi ngất lịm đi.

Năm 2012, chúng tôi gặp lại nhau tại cao điểm 468, lặng người tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống, anh Minh chỉ tay về phía bản Nặm Ngặt nơi ghi nhớ dấu tích của mình năm xưa. Một trong những chiến sỹ liều mình xông pha nơi chiến trận là CCB Lê Huy Tâm, người đồng đội của anh Kim ở Tiểu đoàn 3 năm xưa, hiện trú tại tổ 22, phường Hồng Hà (TP Yên Bái) mang trên mình thương tật hạng 3/4. Anh là pháo thủ số 3 khẩu đội ĐKZ, một trong hỏa lực chính của lính bộ binh, mục tiêu bắn phá lô cốt, đánh mở cửa, dọn đường cho bộ binh.

Kể về chiến sự khốc liệt và những nỗi đau mất mát, đau thương giọng anh Tâm trầm lắng: “Mình vẫn còn được may mắn hơn bao đồng chí, đồng đội khác. Họ đã anh dũng hy sinh ở tuổi thanh xuân và nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Hơn 30 năm qua rồi, trong tôi cùng những đồng đội may mắn được trở về cuộc sống thời bình, vẫn chưa một phút giây nguôi tưởng nhớ tới đồng đội”.

Trong những ngày Tháng Bảy ân tình này, địa danh Thanh Thủy,  Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đồi 468… đón những đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Sự hy sinh anh dũng của quân và dân, nhất là cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, ghi vào trang sử giữ nước hào hùng của dân tộc với những ký ức không bao giờ quên.

Vũ Đồng

Các tin khác
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà ông Nguyễn Văn Hứ,thị trấn Mù Cang Chải.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), ngày 19/7, đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế đã đến thăm tặng quà các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công tiêu biểu huyện Mù Cang Chải.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Đồng chí Nông Văn Lịnh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng quà cho bà Nịnh Thị Đào, vợ liệt sĩ.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), chiều 19/7, đồng chí Nông Văn Lịnh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Cựu chiến binh tỉnh, huyện Trấn Yên đã tới thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sinh, thương binh hạng 2/4 Đào Văn Kính, bà Nịnh Thị Đào (vợ liệt sỹ Triệu Đức Vân hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) ở xã Hòa Cuông (huyện Trấn Yên).

Đồng chí Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh thăm và tặng quà cụ Lương Thị Len, vợ liệt sỹ.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày 19/7, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đặng Trần Chiêu - Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn đã đi thăm và tặng quà gia đình thân nhân liệt sỹ, thương binh tại huyện Trạm Tấu. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục