Ấm lòng các mẹ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/7/2017 | 8:05:05 AM

YBĐT - Tôi đã có chuyến đi cùng với anh em cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Yên Bái vào nhận phụng dưỡng hai Mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Hòa và mẹ Đinh Thị Hoàn. Cả hai mẹ đều có chồng và con là liệt sỹ.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái trao quà và công bố việc nhận phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hòa.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái trao quà và công bố việc nhận phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hòa.

Ngày nghỉ cuối tuần với trời xanh, mây trắng, nắng vàng, tiết trời giữa hạ mà không quá nóng nực, chúng tôi ngược vào miền Tây - Yên Bái chẳng phải để ngắm ruộng bậc thang, ăn xôi nếp Tú Lệ, uống trà Suối Giàng, những đặc sản riêng có của vùng đất Văn Chấn. Chuyến đi có ý nghĩa lớn lao hơn, đó là cùng với anh em cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Yên Bái vào nhận phụng dưỡng hai Mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Hòa và mẹ Đinh Thị Hoàn. Cả hai mẹ đều có chồng và con là liệt sỹ, mới được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng dịp cuối năm 2016.

Anh Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái vốn là người có phong cách giao tiếp nhẹ nhàng và dễ gần. Anh tâm sự: “Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của dân tộc mình, phát huy truyền thống ấy, hệ thống NHCSXH thường xuyên có những việc làm hiếu nghĩa để tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước; qua đó giáo dục đạo đức, tác phong, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên. Là ngân hàng của Chính phủ hoạt động tín dụng ưu đãi, Chi nhánh Yên Bái cũng như toàn hệ thống không có nhiều điều kiện để tham gia làm từ thiện, nhân đạo cũng như làm công tác đền ơn đáp nghĩa. Dù vậy, trong khả năng của mình, chúng tôi luôn cố gắng chung sức cùng các cấp, các ngành chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những đối tượng chính sách và bù đắp một phần nào cho sự cống hiến, hy sinh của các gia đình thương binh, liệt sỹ”.

Được biết, ngay sau khi biết tin tỉnh Yên Bái có một số bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng dịp cuối năm 2016, Chi ủy, Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã họp bàn và đi đến thống nhất, đề nghị tỉnh Yên Bái và Ngân hàng CSXH Việt Nam cho phép nhận phụng dưỡng suốt đời hai Bà Mẹ Việt Nam anh hùng thuộc huyện Văn Chấn. Nguyện vọng chính đáng và hết sức tốt đẹp ấy đã được tỉnh Yên Bái và lãnh đạo NHCSXH Việt Nam nhanh chóng đồng ý.

Vậy là từ năm 2017, cán bộ, nhân viên NHCSXH Chi nhánh Yên Bái có thêm một nhiệm vụ, một nhiệm vụ mà nói như Giám đốc Nguyễn Thanh Hải thì: “Được giao nhiệm vụ phụng dưỡng hai mẹ thực sự là trách nhiệm, là niềm vinh dự của cán bộ, nhân viên trong toàn Chi nhánh. Chỉ mong các mẹ được sống vui, sống khỏe, sống lâu để chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước, để mẹ được yên lòng khi thấy sự hy sinh của mình và những người thân thương nhất là vẻ vang”.

Đường vào Văn Chấn đã rất êm thuận, một loáng chạy xe, chúng tôi đã có mặt ở thôn Vực Tuần 1, xã Cát Thịnh. Lúa dưới ruộng đang lên xanh, nước suối Phà, suối Lao trong vắt vẫn cuộn chảy như ngàn đời trước. “Nhà mẹ Hoàn kia rồi” - anh cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Văn Chấn, phụ trách địa bàn xã Cát Thịnh nắm rõ từng thôn, bản, từng hộ gia đình reo lên rồi chỉ tay vào ngôi nhà sàn 1 gian 2 chái đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày.

Không sang trọng, không đủ đầy nhưng những bao thóc chất đống trong gậm sàn; trên sân ngô Bioseed mới bẻ về, phơi được nắng đỏ ối, nhất là ngôi nhà sàn khang trang cho thấy cuộc sống của gia đình mẹ Hoàn tuy không giàu nhưng cũng tạm ổn. Mẹ Hoàn ngồi bên hiên nhà cười nói vui vẻ, chào đón cả đoàn công tác.

Dù ở tuổi 95, mẹ không thể đi lại bình thường được nhưng còn minh mẫn lắm. Nghe anh cán bộ xã giới thiệu nội dung buổi nhận phụng dưỡng cùng thành phần đoàn công tác của NHCSXH tỉnh, mẹ Hoàn cười móm mém rồi bảo: “Các con đến với mẹ là vui rồi. Mẹ chỉ thích các con khỏe mạnh, công tác tốt, quê hương, đất nước giàu mạnh, không sợ kẻ thù nào là vui".

Rồi mẹ kể về người chồng Hoàng Văn Thịnh - đội viên Đội du kích Đá Xô của xã Cát Thịnh anh hùng đã chiến đấu với giặc Pháp để giải phóng quê hương và anh dũng hy sinh. Người con trai Lương Văn Nông nhập ngũ rồi hy sinh đúng vào ngày 17/2/1979, tại trận địa Ma Ly Pho, tỉnh Lai Châu.

Câu chuyện của mẹ Hoàn cứ hồn nhiên như dòng suối trước nhà rì rầm chảy, khiến anh Nguyễn Minh Hưng chẳng nói được gì nhiều, chỉ nắm tay mẹ và dặn: “Chúng con xin phụng dưỡng mẹ suốt đời, món tiền nhỏ, mỗi tháng 1,2 triệu đồng mong được mẹ đón nhận để chi tiêu thêm. Hàng tháng, anh em chúng con sẽ qua lại thăm hỏi mẹ”.

Cử chỉ giữa anh em cán bộ, nhân viên NHCSXH và bà mẹ người Tày gần gũi, thân thương như những người ruột thịt. Trước khi chia tay, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn NHCSXH còn kịp cầm chiếc cối nhỏ bằng đồng vàng óng giã cho mẹ miếng trầu.

Chia tay mẹ Đinh Thị Hoàn, đoàn công tác sang làng kế bên, thuộc khu dân cư nhà máy, thị trấn Nông trường Trần Phú để thăm và nhận phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hòa. Cán bộ thị trấn Nông trường Trần Phú, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn và mẹ Hòa đứng bên hiên nhà đón đoàn công tác.

Sau những cái bắt tay thật chặt, những lời thăm hỏi chân tình, việc thông báo nhận phụng dưỡng suốt đời Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hòa của NHCSXH tỉnh Yên Bái diễn ra ngắn gọn nhưng rất ấm cúng. Mẹ Hòa đã gần 90 tuổi đời, sức không còn khỏe, nhất là sau biến cố người chồng và người con trai hy sinh.

Trước tình cảm trân trọng, quý mến của các con, các cháu, mẹ Hòa xúc động lắm, mẹ ngồi đó khá lâu rồi mới cất lời: “Tuổi này mẹ chỉ thích được vui với dân làng, với con, với cháu; ở một mình đôi lúc cũng cô quạnh”.

Nghe mẹ nói mà thương mẹ nhiều thêm, cả anh Đỗ Long Thảo - Giám đốc NHCSXH Văn Chấn và anh Đỗ Ngọc Thùy - cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Văn Chấn cùng hứa sẽ thay phiên nhau qua lại thăm mẹ thường xuyên. Anh em ngước nhìn lên tấm Bằng Tổ quốc ghi công và Bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng rồi thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, đồng thời thầm hứa với bản thân phải sống và làm việc cho xứng đáng với sự hy sinh của những anh hùng liệt sỹ.

Ngoài hiên nắng đã đứng bóng, đài nhà ai đang phát đi âm thanh của bài hát “Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi! Mây khói tan rồi còn lại mẹ tôi! Xin cám ơn người, người mẹ của tôi”. Ngày Thương binh - Liệt sỹ đã đến rất gần!

Lê Phiên

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục