Chuyện kể về liệt sỹ An Văn Bùi

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/7/2017 | 8:16:14 AM

YBĐT - Liệt sỹ An Văn Bùi hy sinh vào đêm ngày 15/7/1945, khi thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Việt Minh. Và chỉ hơn một tháng sau, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở thị xã thắng lợi, vĩnh viễn xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến.

Đoàn công tác tỉnh Yên Bái thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào. (Ảnh: Mạnh Cường)
Đoàn công tác tỉnh Yên Bái thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào. (Ảnh: Mạnh Cường)

An Văn Bùi là con ông An Văn Ngũ, nhà ở phố Hội Bình, thị xã Yên Bái (nay thuộc tổ 33, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái), trong gia đình có 5 chị em. An Văn Bùi là người con thứ hai, trên là chị cả An Lệ Ngân (thường gọi là bà Quản) và 3 người em là An Thị Ngọt, An Văn Kính và An Văn Trọng. Bà Quản làm nghề buôn hàng hóa bằng ô tô tuyến đường thị xã Yên Bái - Nghĩa Lộ. Bà buôn chung với ông Chắt. Ông Chắt có 3 người con theo cách mạng, trong đó có anh Lạc là cán bộ tình báo của ta. Những người con của ông Chắt dần giác ngộ bà Quản đi theo cách mạng và cung cấp tình hình địch trên tuyến Yên Bái - Nghĩa Lộ. An Văn Kính, An Văn Trọng đều tham gia cách mạng.

An Văn Bùi là học sinh Trường Tiểu học Pháp - Việt (nay thuộc khu dân cư Hồng Thái, phường Hồng Hà). Đầu năm 1930, An Văn Bùi và nhiều thanh niên ở Trường Tiểu học Pháp - Việt được hai thanh niên yêu nước Đỗ Văn Đức và Phạm Lợi ở thị xã Yên Bái vận động tham gia Phong trào Thanh niên Đoàn. Tổ chức Thanh niên Đoàn lên tới hơn 30 người, gồm thanh niên, trí thức, học sinh...

Hàng tháng, Thanh niên Đoàn tổ chức sinh hoạt ở Gò Chùa hoặc ở chùa Bách Lẫm, đọc các sách báo tiến bộ, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, Cách mạng Tháng Mười Nga, Ngày sinh Lê-nin.... Phong trào Thanh niên Đoàn hàng tháng ra tờ “Học sinh báo” với nội dung thức tỉnh lòng yêu nước cho thanh niên.

Đêm 30/4/1931, Thanh niên Đoàn đã treo cờ đỏ búa liềm trên cây nhội trước cổng Trường Tiểu học Pháp - Việt và rải truyền đơn kêu gọi nhân dân thị xã đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã lùng bắt, đàn áp dã man Phong trào Thanh niên Đoàn và xử tù 17 người. An Văn Bùi và một số người khác do còn ở tuổi vị thanh niên nên không bị thực dân Pháp truy cứu.

Phong trào cách mạng ở thị xã không dừng lại mà vẫn âm ỉ trong thanh niên, trí thức, công nhân và tiểu thương. Phong trào bắt đầu phát triển mạnh khi năm 1943, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Chiến khu Vần - Hiền Lương. Người đứng đầu tổ chức Việt Minh thị xã là đồng chí Nguyễn Hữu Minh (tức Minh Đăng). Đồng chí Minh Đăng được Chi bộ Đảng cộng sản Chiến khu kết nạp vào Đảng. Đồng chí Minh Đăng thấy An Văn Bùi là một thanh niên khỏe mạnh, hăng hái, vận động được nhiều thanh niên thị xã tham gia phong trào thể thao, ông liền giác ngộ An Văn Bùi và thông qua An Văn Bùi vận động được nhiều thanh niên cùng tham gia Việt Minh.

Tháng 2/1945, thực dân Pháp chuyển gần 100 tù chính trị từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) sang Yên Bái và giam tại Căng Nghĩa Lộ. Ở đây, tù Căng Nghĩa Lộ đã vượt ngục nhưng một số bị bắt trở lại, trong đó có đồng chí Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc và Lê Văn Hưu. Ba đồng chí bị đưa về giam tại Đề lao Yên Bái. Nhận được chỉ thị phải giải thoát cho đồng chí Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc, Lê Văn Hưu, đồng chí Minh Đăng đã đề nghị Tri phủ An Văn Tùng, người đã được lãnh đạo Chiến khu Vần - Hiền Lương cảm hóa khi dẫn quân vào càn quét Chiến khu bị ta bắt.

Với vị trí của mình, Tri phủ An Văn Tùng đã đưa được ba đồng chí ra nhà thương điều trị. Đồng chí Minh Đăng giao nhiệm vụ cho nhóm thanh niên do An Văn Bùi phụ trách, giải thoát thành công 3 đồng chí trên.  Phong trào kháng Nhật lên cao, đồng chí Minh Đăng được lãnh đạo Chiến khu Vần - Hiền Lương giao nhiệm vụ vận động thanh niên thị xã vào Chiến khu, gia nhập Cứu quốc quân.

Đoàn viên, thanh niên thị xã Nghĩa Lộ tham gia tu sửa Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ. (Ảnh: Khánh Linh - Đài TT-TH thị xã Nghĩa Lộ).

Đồng chí Minh Đăng đã giao cho An Văn Bùi và một số cốt cán trong phong trào thanh niên thị xã vận động thanh niên đi Chiến khu. An Văn Bùi đã vận động 4 đợt với hơn 30 thanh niên thị xã vào chiến khu gia nhập Cứu quốc quân.

Trong mỗi đợt vận động, An Văn Bùi và liên lạc của Việt Minh là Đào Thái bí mật đưa những người tình nguyện gia nhập Cứu quốc quân, qua bến đò Bảo Hưng hoặc ngòi Chanh theo đường Phúc Khánh, Đồng Phú vào Vần. An Văn Bùi cũng thoát ly vào Chiến khu. Trong những thanh niên đi chiến khu có đồng chí Nguyễn Hữu An sau này trở thành Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Minh Đăng nhận thấy, muốn cách mạng giành thắng lợi ở thị xã thì người dân thị xã phải trực tiếp đứng lên đánh đổ phát xít Nhật và chế độ thực dân phong kiến. Đồng chí đã đề nghị đồng chí Ngô Minh Loan để đồng chí An Văn Bùi và đồng chí Nguyễn Văn Chung - công nhân Nhà máy Đèn trở lại thị xã hoạt động.

Đồng chí Minh Đăng thông qua ông Tô Lưu là Chánh Văn phòng Dinh Tuần phủ Yên Bái - người hoạt động cho Việt Minh, thuyết phục Tuần phủ Đỗ Văn Bình giao súng cho cách mạng. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, phân tích tình hình thời cuộc, Đỗ Văn Bình đồng ý và hẹn đêm 15/7/1945 sẽ giao súng cho cách mạng.

Đồng chí Minh Đăng báo cáo việc sẽ lấy súng ở Dinh Tuần phủ về Chiến khu. Đồng chí Ngô Minh Loan giao cho đồng chí Nguyễn Đức - cán bộ Chiến khu thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Đức đã liên lạc với đồng chí An Văn Bùi, Nguyễn Đăng Long và đồng chí Nguyễn Phước đang hoạt động ở thị xã cùng phối hợp thực hiện. Lúc này, nước sông Hồng đang lên to, tràn ngập thị xã và ngập cả sân Dinh Tuần phủ (đây cũng là trận lụt lịch sử ở miền Bắc, nguyên nhân làm cho 2 triệu người Việt Nam chết đói).

 

Đoàn viên, thanh niên thị xã Nghĩa Lộ tham gia tu sửa Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ. (Ảnh: Khánh Linh - Đài TT-TH thị xã Nghĩa Lộ).

Trong Dinh Tuần phủ có tên Trần Văn Thước biết chuyện đêm 15/7/1945, ta sẽ đến Dinh Tuần phủ lấy súng liền mật báo cho  quân Nhật. Quân Nhật liền cử một tiểu đội lính Nhật trực tiếp xuống gác dinh tuần phủ. Biết sự việc bị lộ, đồng chí Minh Đăng liền cử đồng chí Đào Thái sang sông báo cho đồng chí Đức không sang lấy súng, đồng chí Đức đã kịp dừng lại. Đồng chí Đoàn Đăng Cự là Phân đội trưởng Cứu quốc quân liền cử đồng chí Đào Thái và Nguyễn Văn Nhận quay lại thị xã tiếp báo cho đồng chí Nguyễn Đăng Long, đồng chí An Văn Bùi dừng việc lấy súng nhưng không kịp vì các đồng chí này đã xuất phát.

Đồng chí Nguyễn Đăng Long và đồng chí Trung đi thuyền đến nhà bà An Lệ Ngân gặp An Văn Bùi và đồng chí Phước, chờ đêm xuống sẽ thực hiện nhiệm vụ. Thuyền đồng chí Long và đồng chí Trung đi trước, khi đến gần cổng Dinh Tuần phủ, thì một lính cơ nhìn thấy, báo quân Nhật đang canh gác không lấy được.

Đồng chí Long lội xuống nước, đẩy thuyền trôi ra và lần theo tường Dinh Tuần phủ đi về phía nhà thờ Yên Bái, chờ thuyền đồng chí Bùi tới để thông báo. Khi thấy thuyền đồng chí Bùi và đồng chí Phước xuất hiện, đồng chí Long ra ám hiệu đừng vào nhưng trời tối đồng chí Bùi không nhìn thấy và thuyền tạt vào cửa sắt Dinh Tuần phủ.

Lính Nhật gác bên trên phát hiện tiếng động liền soi đèn và xả súng. Đồng chí An Văn Bùi trúng đạn ngã xuống nước, thi thể đồng chí trôi dạt vào Nhà kèn của vườn hoa tỉnh lỵ (nay là khu vực phía trước rạp Hồng Hà).

Đồng chí Phước cũng trúng đạn nhưng vẫn ở trên thuyền, sau đó được  đưa sang sông cứu chữa. Sáng hôm sau, nước sông xuống nhiều, mọi người phát hiện thi thể đồng chí An Văn Bùi và đưa về mai táng.

Đồng chí An Văn Bùi hy sinh khi mới 24 tuổi.  Đồng chí Nguyễn Văn Chung hy sinh ngày 17/8/1945, khi Cứu quốc quân vượt sông Hồng đánh quân Nhật tại thị xã. Mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Chung được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ An Văn Bùi vì quê hương, vì nền độc lập của dân tộc đã thúc đẩy phong trào cách mạng của thị xã ngày càng mạnh mẽ. Và chỉ hơn một tháng sau, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở thị xã thắng lợi, vĩnh viễn xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến.

Trần Thi (Ghi theo lời kể của ông Đào Thái, cán bộ tiền khởi nghĩa)

Các tin khác

YBĐT - Để có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay, Tây Bắc đã có 7.280 Mẹ Việt Nam anh hùng; 171.801 liệt sỹ, 123.460 thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh...

Hội Thương binh thành phố Yên Bái khen thưởng các hội viên đã có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

YBĐT - Sáng 23/7, Hội Thương binh thành phố Yên Bái đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ ( 27/7/1947-27/7/2017) để tưởng nhớ và tri ân, động viên các hội viên là những người mẹ, vợ, con, thân nhân của các liệt sĩ, thương bệnh binh trong Hội.

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm.

YBĐT - Sáng ngày 22/7, UBND huyện Yên Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017). Tới dự có đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình cùng các đại biểu là Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện.

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên trao Quyết định bàn giao Nhà tình nghĩa cho ông Hoàng Đức Nhiên.

YBĐT - Sáng 21/7, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức Lễ bàn giao Nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh 2/4 Hoàng Đức Nhiên tại thôn 5, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục