Còn mãi những ký ức hào hùng

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/7/2017 | 8:32:37 AM

YBĐT - Trong một đợt điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái, tôi thấy một người đàn ông cao, gầy, bước chân khập khiễng. Khi bác sỹ kéo cao chiếc áo bệnh nhân, tấm lưng ông chằng chịt hàng chục vết sẹo to, nhỏ hiện ra như khẳng định đó là một con người ít nhất đã một lần đối mặt với cái chết cận kề. Người đàn ông đó là cựu chiến binh Hoàng Hữu Thắng - thương binh hạng 3/4.

Thương binh Hoàng Hữu Thắng (phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trong quân ngũ.
Thương binh Hoàng Hữu Thắng (phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trong quân ngũ.

Tôi đến gia đình ông tại phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái. Bên ấm trà mới pha, ông kể cho tôi nghe những tháng ngày cầm súng đánh giặc gần 50 năm trước.

Sinh ra và lớn lên tại xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên (nay là phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái), khi chưa tròn 18 tuổi, vừa thi vào đại học, với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chàng thanh niên Hoàng Hữu Thắng đã viết đơn tình nguyện bằng máu xin nhập ngũ và nguyện vọng đó thành hiện thực. Ngày 19/6/1968, chàng trai trẻ Hoàng Hữu Thắng nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn Yên Ninh 3.

Sau 2 tháng huấn luyện tân binh, ông có giấy gọi trúng tuyển Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Tuy được cấp trên động viên quay trở lại đi học đại học nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện nguyện vọng của mình được cầm súng, vào Nam chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước, hẹn trở lại giảng đường ngày non sông thống nhất.

Sau 6 tháng huấn luyện, ngày 17/12/1968, Tiểu đoàn Yên Ninh 3 được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam, ông được bổ sung vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị - Thiên - Huế. Trận đánh đầu tiên vào tháng 3/1969, ông là xạ thủ số 1 của khẩu đội cối 60 mm cùng với 1 khẩu đội khác của Đại đội tập kích đồn Cô-ca-va, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên.

Với 25 quả đạn, khẩu đội của ông đã góp phần tiêu diệt 16 tên lính thủy đánh bộ Mỹ. Trận tiếp theo vào tháng 6/1969, trong khi đi nhận lương thực, thực phẩm, ông cùng 1 đồng đội khi đi qua khu vực Dốc Chuối, huyện A Lưới, phát hiện một tốp biệt kích Mỹ đang xâm nhập phía sau đội hình đơn vị đang chốt. Đợi địch đến gần, 2 người cùng xả đạn vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, tốp biệt kích Mỹ la ó bắn loạn xạ, kéo những tên bị thương bỏ chạy.

Trong trận này, riêng ông đã tiêu diệt tại chỗ 2 tên Mỹ, thu 2 súng tiểu liên AR15, 1 máy bộ đàm PRC 25 và 1 tập bản đồ. Trận đánh ngày 8/8/1970, tại cao điểm Cooc-ba-sai cách sân bay Phú Bài hơn 10 km, nơi tiểu đội 3 người do ông là Tiểu đội trưởng đang bí mật chốt giữ. Vào khoảng 16 giờ 30 ngày 8/8/1970, sau nhiều lần các tốp máy bay trực thăng do thám quần lượn tìm kiếm lực lượng của ta, bất chợt một chiếc “cán gáo” (OH6) lượn vòng, hạ thấp độ cao xuống đúng vị trí hầm của ông đang chốt giữ.

Ông nhìn rõ tên giặc lái cùng 2 tên lính Mỹ lăm lăm súng máy và lựu đạn sẵn sàng xả đạn, quăng lựu đạn vào nơi nào nghi vấn có quân ta.

Mặc dù có lệnh giữ bí mật nhưng chiếc “cán gáo” lại cứ từ từ hạ xuống, sức gió từ cánh quạt của máy bay đã lật tung cành cây lá ngụy trang phía trước cửa hầm chữ A. Tình huống bất ngờ bị lộ, ông nhằm thẳng máy bay địch kéo liền 4 loạt AK. Trúng đạn, chiếc “cán gáo” chao đảo, phụt khói đen sì, lao xuống đất, cách trận địa khoảng 50 m.

Ông bật nhảy khỏi hầm, lao xuống vị trí máy bay rơi bồi thêm 3 quả lựu đạn, chiếc máy bay bùng cháy. Thấy đồng bọn bị bắn hạ, những chiếc “cá rô”, “cán gáo” quay lại bắn xối xả. Một quả M79 nổ cạnh, ông bị thương. Đồng đội vừa bắn trả lũ máy bay địch vừa tìm cách kéo ông xuống hầm trú ẩn để băng bó vết thương.

Vạch áo chỉ cho chúng tôi xem những vết thương, ông kể tiếp: “Nằm ở bệnh xá mà tôi cứ lo bị kỷ luật vì nổ súng trước. Nhưng trận đánh của cả Trung đoàn vẫn diễn ra đúng kế hoạch, gây cho địch thiệt hại nặng. Trong trận này, tôi đã bắn cháy 1 máy bay “cán gáo”, diệt 3 tên Mỹ và được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ và Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba”.

Sau hơn 4 tháng điều trị, sức khỏe hồi phục, ông tiếp tục trở về đơn vị. Đến ngày 26/5/1971, tại điểm cao A Tây Luật trên trục đường 12 (phía Tây Huế), địch sử dụng 1 đại đội lính ngụy Sài Gòn có biệt hiệu là “Cọp xám” để chiếm điểm cao này. Trung đội “thiếu” của ông Thắng với 2 chục tay súng đã bình tĩnh chờ địch vào trận địa và đồng loạt nổ súng hạ gục hàng chục tên tại chỗ, đồng thời tổ chức xung phong đánh cận chiến băng lưỡi lê và báng súng. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn, vội vàng tháo chạy bỏ lại xác chết và những tên bị thương.

Trong trận này, trung đội của ông đã bắt sống 18 tên địch, thu 2 súng M79 cùng hàng chục tiểu liên AR15. Sau khi rút chạy, địch gọi pháo bắn vào trận địa, ông lại bị thương vào mông và đùi trái (mẻ xương hông) do mảnh pháo địch. Lần này, ông phải về viện tuyến sau điều trị hơn 5 tháng. Thêm rất nhiều lần vào sinh ra tử, đến ngày 29/6/1972, một lần nữa ông lại bị thương do mảnh pháo địch.

Lần này, vết thương vào hõm nách trái khá nặng, đơn vị phải đưa ông ra Bắc. Sau gần 1 năm điều trị, ra viện với tỷ lệ thương tật là 41%, ông phải xuất ngũ vào tháng 12/1974. Hơn 6 năm ở chiến trường cùng với hàng chục trận chiến đấu, ông đã được thưởng 2 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhì, hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và 1 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Điều kiện hoàn cảnh gia đình cùng với sức khỏe giảm sút, ước mơ trở về giảng đường đại học đành phải dang dở. Ông xin chuyển ngành về công tác tại Tòa án nhân dân huyện Yên Bình, sau đó về Tòa án nhân dân tỉnh, rồi trở thành thẩm phán và nghỉ hưu năm 2008.

Sau hơn 40 năm chiến đấu và tham gia công tác trong ngành tòa án, ở vị trí nào với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” ông đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và được thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành, của tỉnh vì có những thành tích xuất sắc trong công tác. Chuyện ông kể cho chúng tôi nghe còn có cả những tấm gương chiến đấu kiên cường và cả những mất mát, hy sinh của người đồng đội đã cùng ông chiến đấu nơi chiến trường Trị - Thiên - Huế.

Giọng ông chùng xuống khi nhắc đến đồng đội, có người đã cùng ông tham dự nhiều trận đánh, có người lại chưa kịp biết tên. Có người đã ngã xuống nơi trận địa, có người lăn xả vào lưới lửa kẻ thù để che đỡ cho ông, kéo ông về với sự sống khi trúng đạn… Cho đến tận hôm nay, ông vẫn luôn trăn trở: “Đồng đội ơi! Đang yên nghỉ nơi nào? Những ân nhân của tôi liệu rằng có may mắn như tôi?”.

Được nghe câu chuyện về những tháng ngày oanh liệt, chúng tôi càng thêm hiểu, khâm phục và tự hào về thế hệ cha anh. Thật bình dị mà thật cao cả! Những người con đã không tiếc máu xương để viết thêm trang sử giữ nước hào hùng của cả dân tộc.

 Lại Tấn

Các tin khác

YBĐT - Nhiều năm nay, xã Phú Thịnh là một trong những địa phương của huyện Yên Bình làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Công tác này đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục và xem như nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của xã.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cúc, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), ngày 25/7, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái làm trưởng đoàn đã tới thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Cùng đi có lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, thị xã Nghĩa Lộ.

Hội Cựu TNXP tặng quà cho bà Hoàng Thị Nấng là thân nhân liệt sỹ, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Sáng ngày 25/7, cán bộ, lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh và thành phố Yên Bái đã tới xã Tuy Lộc thăm và tặng quà gia đình bà Hoàng Thị Nấng ở thôn Hợp Thành, là thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Văn Khéo hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và gia đình cựu thanh niên xung phong Mai Xuân Vĩnh ở thôn Minh Long.

Ngày 24/7, lễ giỗ 49 năm ngày hy sinh của 10 nữ anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2017) đã được tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục