Sống “Tốt đời, đẹp đạo” chung sức xây dựng quê hương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2015 | 2:39:15 PM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, phát huy tinh thần "kính Chúa, yêu nước", đồng bào công giáo tỉnh Yên Bái đã tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần cù, sáng tạo thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các đại biểu tiêu biểu trong đồng bào công giáo.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các đại biểu tiêu biểu trong đồng bào công giáo.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quyền là một trong những hộ Giáo dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế của giáo họ Bảo Long, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Cách đây hơn chục năm, nhận thấy xã có diện tích chè lớn và tận dụng được chất đốt từ phế liệu gỗ rừng trồng trong các cơ sở kinh doanh gỗ, nên ông Quyền đã vận động con cháu xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến chè. Do tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người làm trước và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay cơ sở của gia đình ông đã đạt công suất chế biến 10 tấn/ngày. Chẳng những sản xuất kinh doanh có hiệu quả mà ông Quyền còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Từng tham gia quân ngũ, trở về địa phương với những thương tật trên người, nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” và trách nhiệm của một giáo dân, ông Lê Ngọc Châu ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân cùng huyện Trấn Yên đã vượt qua bao khó khăn để bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.

Ông Châu chia sẻ: “Lúc đầu, do vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên gia đình tôi chỉ phát triển kinh tế nông nghiệp với quy mô nhỏ. Đến năm 2010, sau khi được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tích lũy được một số vốn nên tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp”. Đến nay, mô hình của gia đình ông Châu có 8 ha cây lâm nghiệp, chăn nuôi 20 con lợn nái, 300 con lợn thịt và nuôi trồng thủy sản... mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng.

Ông Phạm Như Nhường - giáo dân tổ 5B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn):

Muốn được tốt đời, đẹp đạo thì bản thân người công giáo phải tốt. Mình cố gắng làm hết trách nhiệm để cho lớp trẻ tiếp nối công việc của mình, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, sống "tốt đời đẹp đạo" ngày càng phát triển hơn.

Bà Trần Thị Phượng - giáo dân thôn Đông Lý, xã Đông An (Văn Yên):


Tôi luôn ý thức trách nhiệm gương mẫu vận động bà con giáo dân sống kính Chúa yêu nước, làm giàu chính đáng và xây dựng mối quan hệ trong gia đình, thôn xóm, trong giáo xứ, giáo họ ngày càng đoàn kết, gắn bó. 

Không chỉ có gia đình giáo dân Nguyễn Văn Quyền, Lê Ngọc Châu ở huyện Trấn Yên là điển hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động, mà tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh còn xuất hiện nhiều hộ giáo dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương để hình thành các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả…

Bên cạnh đó, với phẩm chất cần cù, sáng tạo và ý chí, nghị lực vươn lên, nhiều giáo dân còn đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, thương mại phục vụ sản xuất và đời sống. Qua phong trào thi đua phát triển kinh tế, đã xuất hiện rất nhiều hộ giáo dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm trở lên và không ít hộ có thu nhập ở mức 300 - 400 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Được nhân dân và bà con giáo dân tổ 5B tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, đã hơn chục năm nay, giáo dân Phạm Như Nhường ở Giáo xứ Đồng Lú, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn đã không phụ lòng tin tưởng của người dân trong tổ. Ông Nhường đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương; vận động nhân dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trong tổ ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể.

Từ năm 2012 đến nay, ông Nhường đã vận động bà con trong tổ đóng góp trên 200 triệu đồng, hàng trăm công lao động để xây dựng 800m đường giao thông, nâng cấp đường điện trong tổ. Hiện nay, đường vào các xóm trong tổ đều được bê tông, 100% số hộ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhiều năm qua, ông còn tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, dân số kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến...

Những nỗ lực của ông Phạm Như Nhường trong hoạt động xã hội đã góp phần không nhỏ đưa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại tổ dân phố 5B ngày càng phát triển.  Ngoài trách nhiệm với công việc xã hội, ông  còn là điển hình phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, ông có trên 12.000m2 đất trồng lúa nước, trồng chè, trồng rau màu và thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 90 triệu đồng.   

Giáo dân Nguyễn Văn Quyền, Lê Ngọc Châu, Phạm Như Nhường đều là những tấm gương tiêu biểu được tôn vinh là điển hình "Người tốt, việc tốt" trong đồng bào công giáo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 54 nghìn giáo dân tại 16 giáo xứ, trên 80 giáo họ. Trong những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng cuộc sống theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo” gắn với 10 nội dung thi đua (7 tốt đời, 3 đẹp đạo) do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng bào Công giáo đã thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nhường đất, san sẻ đất sản xuất cho hộ nghèo; tình nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trạm y tế, trường học; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ.

Chỉ tính trong 5 năm gần đây, đồng bào công giáo trong tỉnh đã góp tiền, góp công hoàn thành 430km đường bê tông, mở mới trên 800km đường liên thôn, bản chung sức xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bên cạnh đó, đồng bào công giáo đã tích cực tham gia hưởng ứng các chương trình, mục tiêu phát triển y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường. Tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào công giáo đã tích cực tham gia tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Nông Văn Lịnh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh khẳng định: “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", sống "Tốt đời, đẹp đạo" được phát triển sâu rộng, khơi dậy được truyền thống yêu nước của đồng bào công giáo, phù hợp với nếp sống đạo đức của người công giáo, thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân, tình đoàn kết, tương trợ cùng cộng đồng dân cư xây dựng phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.  Qua phong trào thi đua yêu nước và những việc làm cụ thể của đồng bào đã xuất hiện nhiều tấm gương người công giáo điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào công giáo không ngừng được nâng cao”.

Quỳnh Nga 

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục