Phát triển Đảng trong thanh niên ở Văn Chấn: Khó khăn và giải pháp
- Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2016 | 7:16:03 AM
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Đề án số 09 - ĐA/TU, ngày 12/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Kết nạp đảng viên là ĐVTN giai đoạn 2012 - 2015”, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã kết nạp được 1.193 đảng viên mới, trong đó có 865 đoàn viên thanh niên.
Đoàn viên, thanh niên huyện Văn Chấn hăng hái tham gia tình nguyện tại công trình kè Suối Thia. (Ảnh: Thanh Ba)
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thanh niên phải là rường cột của nước nhà” và Điều lệ Đảng cũng đã khẳng định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Xác định rõ vị trí, vai trò đó của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), sau 3 năm thực hiện Đề án số 09 - ĐA/TU, ngày 12/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Kết nạp đảng viên là ĐVTN giai đoạn 2012 - 2015”, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã kết nạp được 1.193 đảng viên mới, trong đó có 865 ĐVTN, chiếm 72,5% (vượt chỉ tiêu Đề án 2,5%).
Ông Đỗ Văn Bách - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Từ khi thực hiện Đề án số 09, các cấp ủy cơ sở đã nâng cao hơn nhận thức về công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên là ĐVTN. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Công tác phát triển đảng viên đã được quan tâm, chỉ đạo thực hiện hàng năm, từng bước khắc phục được tình trạng chưa có tổ chức Đảng ở thôn, tổ dân phố, doanh nghiệp và trường học”.
Nhờ đó, chẳng những công tác phát triển Đảng trong ĐVTN được coi trọng mà đến nay, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã có 129/374 chi bộ thôn, bản, tổ dân phố kết nạp được đảng viên nữ là ĐVTN. Trong đó, ĐVTN người dân tộc thiểu số là 549/865 đồng chí, bằng 63,5% (vượt chỉ tiêu Đề án 21,4%).
Đến thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương thăm mô hình trồng dưa hấu của đoàn viên Hoàng Văn Khương, sinh năm 1992, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự mạnh dạn của chàng trai trẻ này. Do điều kiện gia đình khó khăn không theo học được lên cao, anh quyết tâm làm kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Năm 2013, anh Khương chính thức bắt tay vào trồng dưa hấu với 1.000 m2 và chỉ sau 3 năm, anh đã mở rộng diện tích dưa hấu lên 3.500m2. Trung bình, dưa hấu có giá bán 6.000 - 7.000 đồng/kg, vào mùa cao điểm lên tới 10.000 - 12.000 đồng/kg. Dưa hấu cho thu hoạch 10 tấn/vụ, mỗi năm 3 vụ, trừ chi phí, anh Khương thu về hơn 100 triệu đồng.
Anh Khương chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ đến việc có được vào Đảng hay không, vì thấy bản thân học hành chưa cao, kinh tế gia đình khó khăn. Nhưng từ khi được cán bộ Đoàn cơ sở quan tâm, định hướng, đặc biệt là giúp đỡ tôi nhiều trong phát triển kinh tế gia đình, tôi dần nuôi dưỡng ước mơ được vào Đảng. Khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi sẽ có điều kiện hơn nữa để phấn đấu, trưởng thành và góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung địa phương. Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong sản xuất để hỗ trợ nhiều ĐVTN khác cùng chung sức xây dựng đời sống ấm no, làm giàu bằng chính đôi tay của mình”.
Ông Bùi Đình Vương - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, Đảng ủy xã đã xét cử 35 quần chúng ưu tú đi học lớp đối tượng kết nạp Đảng. Trong đó, đã kết nạp 18 đảng viên mới và còn 4 hồ sơ đang chờ quyết định kết nạp của Huyện ủy”. Để phát triển số lượng cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng đảng viên là ĐVTN, những năm qua, Đảng ủy xã đã quan tâm, tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế như: trồng dưa chuột, chanh, dưa hấu, cà chua, trồng nấm linh chi… Đồng thời, liên kết dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ thanh niên trong học tập, định hướng, giới thiệu việc làm và hỗ trợ giải quyết việc làm có hiệu quả; quan tâm tới đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở, tiếp tục đầu tư các trung tâm sinh hoạt, nhà văn hóa…
Rời Thanh Lương đến xã Phù Nham để tìm hiểu về công tác phát triển đảng viên là ĐVTN và may mắn được gặp một đoàn viên trẻ ưu tú chuẩn bị được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đó là anh Lò Văn Học, sinh năm 1990. Cũng như nhiều ĐVTN khác, sinh ra ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, song với bản tính cần cù, chăm chỉ, anh Học đã không chỉ phát triển chăn nuôi cá, nuôi bò, trâu sinh sản rất hiệu quả mà còn rất năng nổ, tích cực trong các hoạt động Đoàn.
“Năm 2014, tôi may mắn được tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện làm đường ở hai xã Túc Đán và xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu). Sau lần ấy, tôi “mê” luôn việc đi tình nguyện với mong muốn được đem sức trẻ của mình đến giúp đỡ những nơi bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Hiện tại, tôi đang làm hồ sơ đi học cảm tình Đảng và đây thực sự là niềm tự hào, là động lực để tôi phấn đấu, gương mẫu hơn nữa trong thời gian tới” - anh Lò Văn Học chia sẻ.
Anh Hoàng Văn Khương (đứng giữa) luôn mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng để có cơ hội rèn luyện và trưởng thành.
Có thể khẳng định, Đề án số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Kết nạp đảng viên là ĐVTN giai đoạn 2012 - 2015” đã phát huy hiệu quả, thống nhất về hành động, quan tâm tập hợp, giáo dục lý tưởng cách mạng cho ĐVTN, hướng ĐVTN vào các phong trào lao động, sản xuất tại địa phương. Qua thực tiễn, đã phát hiện được nhiều nhân tố tích cực, điển hình ở cơ sở để giới thiệu, xem xét, kết nạp Đảng. Sau 3 năm thực hiện Đề án 09 đã giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng của huyện Văn Chấn duy trì và nâng cao hơn tỷ lệ kết nạp đảng viên là ĐVTN.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển Đảng trong thanh niên còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Ông Quách Xuân Thưởng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phù Nham cho biết: “Việc tạo nguồn và kết nạp đảng viên là ĐVTN đang gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết ở các địa phương, số thanh niên có trình độ đều đi học hoặc đi làm ăn xa. Số ít còn lại không tham gia sinh hoạt hoặc có sinh hoạt nhưng chưa thể hiện được động cơ phấn đấu, trình độ học vấn thấp nên không thể phát triển”.
Bên cạnh đó, cấp ủy một số cơ sở thiếu chủ động, sát sao trong kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện của đoàn viên ưu tú, nhiều ĐVTN chưa thực sự nhiệt tình, trách nhiệm. Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên ở các doanh nghiệp tư nhân chưa đạt yêu cầu (từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2015 chỉ kết nạp được 1 đảng viên mới).
Một vấn đề khác đang được rất nhiều ĐVTN và xã hội quan tâm, đó chính là việc làm cho thanh niên nông thôn. Đi học ra trường khó tìm kiếm việc làm, quá ít cơ hội cho thanh niên có được chỗ đứng trong xã hội trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu hóa. Trong khi đó, để thu hút nhân tài, thu hút thanh niên ở lại địa phương, đòi hỏi tổ chức cơ sở Đoàn ở mỗi địa phương phải biết phát huy tính sáng tạo của ĐVTN trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với thanh niên, tạo điều kiện cho ĐVTN được vay vốn phát triển kinh tế và có cơ hội khẳng định mình.
Song song với đó, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở cần quán triệt sâu sắc mục tiêu của Đề án số 09; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tạo dựng môi trường lành mạnh cho ĐVTN có điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ trong triển khai kế hoạch về kết nạp đảng viên là ĐVTN tại các cơ sở Đoàn bằng việc đổi mới hình thức, thu hút tập hợp ĐVTN. Có như vậy, công tác phát triển Đảng trong thanh niên ở Văn Chấn nói riêng và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh nói chung mới đạt được những kết quả như mong muốn.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Là những gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ Yên Bái được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, 4 chàng trai trẻ đại diện cho 4 lĩnh vực khác nhau đã khẳng định tuổi trẻ Yên Bái hôm nay đã và đang nỗ lực học tập, luôn xung kích trên mọi lĩnh vực, xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
YBĐT - Đó là những nữ công nhân Đội Vệ sinh Môi trường (VSMT) số 1 thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, Yên Bái, những người không kể nắng mưa, lặng thầm làm nhiệm vụ khơi thông dòng chảy, dọn dẹp vệ sinh để giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho thành phố Yên Bái.
YBĐT - Sau khi xây dựng gia đình, Vừ A Hù ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) đã đầu tư mô hình chăn nuôi “mới” đem lại hiệu cao.
YBĐT - Sau hơn 5 năm trở lại xã Lâm Thượng (Lục Yên), tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê vốn khó khăn. Bên cạnh những nếp nhà sàn truyền thống, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Ở trung tâm xã, người dân và tư thương đi lại giao lưu buôn bán tấp nập. Tất cả đang tạo nên một bộ mặt nông thôn mới mà không phải địa phương nào cũng có được.