Trạm Tấu: Chủ trương tạo nên đồng thuận

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2017 | 8:35:58 AM

YBĐT - Việc triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020 đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Lớp học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu (xã Trạm Tấu).
Lớp học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu (xã Trạm Tấu).

Trong đó, phải kể đến việc Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn huyện, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong công cuộc tái thiết ngành giáo dục, nhằm mang lại hiệu quả giáo dục tốt hơn, tiết kiệm hơn và chất lượng hơn.

Chủ trương đúng, cách làm sáng tạo

Đối với huyện vùng cao Trạm Tấu, đặc trưng cơ bản “nhiều đời” vẫn là “đường đến trường còn xa”. Vậy, để một đề án mang tầm chiến lược như Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016 - 2020 triển khai một cách hiệu quả mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đối với sự dạy và học nơi đây có lẽ là bài toán hóc búa đầu tiên mà cấp uỷ, chính quyền, các ngành và đặc biệt là ngành giáo dục huyện phải đối mặt. Để Đề án đi vào cuộc sống và tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao, việc đầu tiên Trạm Tấu làm là thành lập Ban Chỉ đạo Đề án rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020.

Từ Ban Chỉ đạo này, huyện Trạm Tấu đã nhanh chóng thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo, các ngành có liên quan khẩn trương tiến hành công tác rà soát, xây dựng các phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn. Đặc biệt, giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện là cơ quan thường trực phối hợp với các phòng, ban liên quan thành lập các tổ công tác hướng dẫn UBND các xã, thị trấn và các đơn vị nhà trường thực hiện việc rà soát, sắp xếp, xây dựng Đề án cụ thể của từng xã, thị trấn.

Từ những đề án nhỏ này, Ban Chỉ đạo của huyện đã tiến hành tổng hợp, xây dựng Đề án chung của toàn huyện dưới sự chỉ đạo, giám sát tiến độ thực hiện của Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện đã nhanh chóng tổ chức hội nghị với thành phần gồm: trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; chủ tịch UBND các xã, thị trấn; ban giám hiệu các nhà trường... để tuyên truyền quán triệt các chủ trương thực hiện Đề án.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ làm trưởng đoàn xuống tuyên truyền chủ trương, kiểm tra quá trình thực hiện Đề án đối với: lãnh đạo các xã, thị trấn; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường; bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản; giao trực tiếp cho các phòng, ban phụ trách thôn, bản phối hợp với các xã tổ chức các cuộc họp thôn, bản để phổ biến chủ trương của Đề án cũng như nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận trong nhân dân...

Qua các đợt tuyên truyền vận động, kiểm tra nắm tình hình, về cơ bản việc xây dựng thực hiện Đề án đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các đơn vị trường học và đặc biệt là của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Phải khẳng định rằng, cho đến thời điểm này Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp  trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Có thể kể đến những kết quả bước đầu của Đề án như: về quy mô mạng lưới trường lớp sau khi sắp xếp, huyện Trạm Tấu giảm từ 29 trường xuống còn 26 trường.

Năm học 2016 - 2017 thực hiện giảm từ 97 điểm trường lẻ xuống còn 39 điểm; về đội ngũ cán bộ quản lý sau sáp nhập, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường sáp nhập để miễn nhiệm, điều động, bổ nhiệm trên nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm công bằng, công khai và đúng quy định.

Qua đó, đã miễn nhiệm 3 hiệu trưởng xuống làm phó hiệu trưởng; bổ sung 8 phó hiệu trưởng dôi dư cho các trường có số học sinh đông trên 500 học sinh bán trú hoặc vẫn còn nhiều điểm trường lẻ. Đối với giáo viên, UBND huyện và Ban Chỉ đạo Đề án đã thành lập đoàn công tác chỉ đạo các nhà trường đánh giá giáo viên thuộc diện dôi dư của từng cấp học và tổ chức bố trí cho 9 giáo viên TH chuyển sang dạy MN, 16 giáo viên kiêm nhiệm công tác quản sinh, 3 giáo viên kiêm nhiệm làm công tác văn thư, 3 giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thiết bị trường học (toàn bộ số giáo viên dôi dư này nếu chưa có nghiệp vụ đều được cho đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tương đương).

Đối với đội ngũ nhân viên, đã bố trí bổ sung 10 nhân viên dôi dư (6 kế toán và 4 nhân viên y tế) vào các trường bán trú có trên 400 học sinh bán trú... đảm bảo chặt chẽ theo quy định và theo kết quả rà soát của Đề án...

Sau sáp nhập, nhiều nhà trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, phòng ở cho học sinh khang trang, sạch đẹp.

Đặc biệt, đối với huyện Trạm Tấu, một khó khăn lớn đặt ra khi thực hiện Đề án là làm thế nào bảo đảm được về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường sau sáp nhập. Song, đến thời điểm này, khó khăn đó cơ bản đã được tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo. Trong đó, việc xã hội hoá giáo dục đã được huyện triển khai một cách rất hiệu quả.

Cụ thể, đã hoàn thành di dời và lắp đặt xong 16/16 phòng học lắp ghép của điểm lẻ về điểm chính; xây dựng xong 25 phòng học, 28 phòng ở cho học sinh; hoàn thiện 17 công trình nước sạch, 18 công trình vệ sinh theo Đề án; tiếp nhận 605 giường tầng cho học sinh do Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ; tiến hành xây dựng và cơ bản hoàn thiện một số công trình phục vụ công tác giáo dục từ nguồn vốn xã hội hóa; việc cơi nới nhà ăn, dựng một số phòng học tạm, sử dụng Trạm Y tế xã cũ để bảo đảm nơi học, ăn, ở của học sinh cũng đã được nhanh chóng triển khai và đưa vào sử dụng...

Đồng chí Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Phải nói rằng nếu không có sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện thì không thể nhanh chóng thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ đến như vậy. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, toàn ngành giáo dục huyện không có bất kỳ trường hợp tổ chức, cá nhân nào có ý kiến khác mà tất cả đều tham gia thực hiện chủ trương với tinh thần xây dựng, trên cơ sở đồng tình ủng hộ, nhất trí cao và quyết tâm thực hiện thành công Đề án”.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Việc Trạm Tấu thực hiện khá nhanh, đạt hiệu quả cao đối với Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị nói chung, của ngành giáo dục huyện nói riêng nhưng không thể không kể đến những khó khăn, vướng mắc gặp phải. Năm học 2016 - 2017 này, sau sáp nhập, toàn huyện có 4.977 học sinh được hưởng chế độ bán trú (tăng 1.353 học sinh so với năm học trước). Câu chuyện bảo đảm hoạt động nấu ăn, chỗ nghỉ, bảo đảm khẩu phần ăn cho học sinh, đặc biệt là chất lượng giáo dục và đưa mọi hoạt động đi vào nề nếp là vấn đề cần phải quan tâm.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Xa - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, để Đề án thực sự mang lại hiệu quả cao, nhất là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì đối với huyện đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong thực hiện xã hội hóa giáo dục. Vì chỉ có xã hội hóa mới đủ sức mang lại nguồn lực để bù đắp cho những khó khăn, thiếu thốn của vùng cao. Mong rằng thời gian tới, Trạm Tấu nói chung, ngành giáo dục huyện nói riêng sẽ tiếp tục nhận được ủng hộ từ nhiều phía nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, xây dựng được lòng tin nơi bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Được biết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục huyện Trạm Tấu đã đưa ra 4 chỉ tiêu cơ bản, yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc và có sự kiểm tra, giám sát của ngành đó là: dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động dạy học của các môn học và trong hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; thực hiện việc dạy tiếng Mông cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú mỗi tuần 4 tiết; 100% các nhà trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày với nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy phù hợp điều kiện cụ thể...

Đó chính là những nội dung đổi mới cơ bản nhằm mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của huyện vùng cao Trạm Tấu trong quá trình thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020.

Thiên Cầm - Trần Ngọc

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục