Loại bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/2/2017 | 4:26:54 PM

YBĐT - Anh Vàng A Nhà ở thôn Pang Cáng cho biết: "Mình cưới vợ năm 2015. Gia đình tổ chức cỗ cưới trong một buổi thôi, không nhiều mâm cỗ. Gia đình mình chỉ phải đưa lễ cho nhà gái một ít thịt, rượu. Sau cưới, vợ chồng mình không phải nợ nần gì cả, chỉ tập trung vào làm ăn phát triển kinh tế".

Đám cưới của người Mông thực hiện theo nếp sống mới.
(Ảnh: A Hồng)
Đám cưới của người Mông thực hiện theo nếp sống mới. (Ảnh: A Hồng)

Thực hiện Đề án “Vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” của huyện Văn Chấn từ năm 2013, đến nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện đã loại bỏ nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang và nhận thấy rõ những lợi ích mà nó mang lại.

Vợ chồng Vàng A Lử - Giàng Thị Hoa ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng cưới nhau chưa lâu. Đám cưới được tổ chức gọn nhẹ trong một ngày, đám hỏi chỉ làm một vài mâm đơn giản. Chị Giàng Thị Hoa cho biết: "Hai vợ chồng mình đi đăng ký rồi tổ chức đám cưới. Nhà gái mình không thách cưới mà tùy nhà trai thôi. Mình thấy đám cưới như vậy vừa không tốn kém lại vẫn rất vui vẻ".

Còn anh Vàng A Nhà cũng ở thôn Pang Cáng cho biết: "Mình cưới vợ năm 2015. Gia đình tổ chức cỗ cưới trong một buổi thôi, không nhiều mâm cỗ. Gia đình mình chỉ phải đưa lễ cho nhà gái một ít thịt, rượu. Sau cưới, vợ chồng mình không phải nợ nần gì cả, chỉ tập trung vào làm ăn phát triển kinh tế". Những đám cưới người Mông như của Giàng Thị Hoa, Vàng A Nhà ở Suối Giàng hay nhiều xã khác ở Văn Chấn giờ không còn là hiếm. Nhiều gia đình đồng thuận với cách thức tổ chức cưới xin gọn nhẹ như thế này.

Quả thực, đám cưới của người Mông ở Văn Chấn giờ đã khác nhiều so với trước. Trước đây, lễ cưới được tổ chức với nhiều thủ tục, nghi thức như: hát đối, xem lưỡi gà, thi ăn cơm nhanh, lý dặn dò nghĩa là từng người bên họ nhà gái chúc rượu cho đoàn đón dâu, nhất là chú rể; khi tiễn đoàn đón dâu ra về, từ trong nhà ra khỏi cửa đến ngoài ngõ, bên nhà gái bố trí mọi người cầm ống, cầm chai rượu chặn đường, rót rượu ép cho đoàn đón dâu uống.

Rồi từ xưa, do cha, mẹ người con trai thích gia đình nào, cô gái nào thì bố trí thanh niên cùng với con trai mình kéo cô gái đó về nhà làm dâu. Nếu lấy cô em trước khi cô chị chưa đi lấy chồng thì nhà gái phạt nhà trai thịt, rượu, tiền để bồi thường danh dự cho cô chị. Thời gian tổ chức đám cưới kéo dài từ 2-3 ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, thách cưới cao…

Không chỉ đám cưới, đám tang của người Mông trước đây cũng có rất nhiều thủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh, như: nổ súng kíp sau khi tắt thở và trong đám tang; không đưa người chết vào quan tài; thường chọn ngày chôn cất. Các thủ tục thăm viếng, tiếp nhận, cảm ơn các lễ vật của người đến viếng thường diễn ra lộn xộn, rườm rà trong suốt thời gian tang lễ, chai rượu của người đến viếng phải rót cho từng người trong họ hàng, gia đình có tang uống.

Các nghi thức trong thời gian tổ chức đám tang thường diễn ra rườm rà, kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Gia đình có tang phải mổ nhiều trâu, bò, nếu gia đình không có phải đi vay, mượn. Tất cả các con vật mổ trong đám tang đều phải chia các phần thịt cho ban tang lễ và người đại diện bên nội, bên ngoại.

Bà Mùa Thị BLa ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng cho biết: "Hồi gia đình tôi làm ma cho bố, phải mổ 3 con trâu. Cũng may nhà có sẵn trâu chứ không thì cũng phải đi vay mượn để làm ma cho bố. Đám ma kéo dài đến 4-5 ngày, tốn kém và mệt lắm". Ngay cả địa điểm chôn cất cũng khá tùy tiện, thậm chí là chôn cất vào cả nơi đất thuộc quyền sử dụng của hộ khác, đất đã và đang quy hoạch xây dựng các công trình công cộng… và đất thuộc địa phận xã khác, huyện khác…

Trước đây là vậy, song mấy năm trở lại đây, đám tang và đám cưới của người Mông ở nhiều xã trên địa bàn huyện Văn Chấn đã thay đổi rất nhiều, loại bỏ nhiều hủ tục.

Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Suối Giàng cho biết: "Các đám cưới của người Mông trên địa bàn xã bây giờ đã giảm các thủ tục rườm ra, giảm thời gian tổ chức lễ cưới, chỉ tổ chức trong một ngày, không nặng đồ lễ cưới, không lấy bạc trắng, chỉ mang tính duy trì truyền thống dân tộc. Trai gái đến tuổi kết hôn  được tự do tìm hiểu, đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trong việc tang, xã cũng đã quy hoạch được nghĩa trang tại một số thôn". Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Suối Bu Vàng Sáy Tùng cũng khẳng định: "Việc cưới, việc tang trên địa bàn xã giờ văn minh hơn trước rất nhiều. Đám tang đã thực hiện đưa người chết vào áo quan, thời gian tổ chức không quá 36 tiếng, không giết mổ nhiều trâu, bò, giảm một số thủ tục rườm rà không cần thiết, thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường".

Những đổi thay này chính là kết quả của quá trình thực hiện Đề án "Vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang" mà huyện Văn Chấn đã thực hiện từ năm 2013.

Ông Trịnh Khắc Nghĩa - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Để thực hiện hiệu quả Đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, ngay từ khi triển khai Đề án, lãnh đạo huyện đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với bí thư đảng ủy các xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến tận các thôn, bản và từng hộ gia đình; kết hợp đồng thời tuyên tuyền miệng và tuyên tuyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông trên hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Qua đó, đã có 100% đồng bào dân tộc Mông được tuyên truyền và ký cam kết thực hiện các nội dung của Đề án".

Đảng ủy, chính quyền các xã, nhất là những địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống cũng đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhằm mang lại kết quả thực tế.

Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Suối Giàng cho biết: "Chúng tôi đã họp với trưởng các dòng họ, những người có uy tín quán triệt tinh thần thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo các nội dung của Đề án rồi cùng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Đến nay, bà con khá đồng tình, ủng hộ thực hiện".

Ông Vàng Sáy Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Suối Bu thì chia sẻ: "Ban đầu vận động thực hiện nhiều người cũng không đồng tình, nhất là người già vì họ cho rằng đó là mất đi truyền thống bao đời. Chúng tôi kiên trì phân tích những cái hại của hủ tục, điều lợi của việc thực hiện nếp sống văn minh, rồi phát huy vai trò đi đầu của cán bộ, đảng viên để bà con noi theo".

Chính gia đình ông Vàng Sáy Tùng là gia đình đầu tiên ở Suối Bu thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Lãnh đạo xã cho biết đến nay xã vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động để tiến tới loại bỏ hoàn toàn các hủ tục trong việc tang, việc cưới.

Đề án "Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang" đã góp phần quan trọng loại bỏ nhiều hủ tục, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong đời sống của đồng bào Mông trên địa bàn huyện.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho huyện tiếp tục triển khai vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang một cách chất lượng, hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn mới”.

 Hạnh Quyên

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục