Hướng đi cho điểm bưu điện văn hóa xã
- Cập nhật: Thứ năm, 2/3/2017 | 1:44:11 PM
YBĐT - Gần 20 năm trước, các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) xuất hiện và trở thành một “thiết chế văn hóa”, là điểm sáng của ngành bưu điện trên toàn quốc. Các xã của tỉnh Yên Bái cũng không phải ngoại lệ.
Điểm bưu điện văn hóa xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) vắng vẻ giờ mở cửa.
|
Các điểm BĐVHX đã giúp người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng những thành quả hiện đại hóa của ngành bưu điện trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Đến thời điểm này, hệ thống BĐVHX gần như đã hoàn thành “sứ mệnh” được đặt ra ban đầu. Song ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, các điểm BĐVHX cần phải có hướng đi mới để thực hiện nhiệm vụ và trọng trách mới thời hội nhập.
Một thời để nhớ
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ bưu chính viễn thông kết hợp với việc cung cấp thông tin cho nhân dân, từ những năm cuối của thế kỷ 20, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (thuộc Tổng cục Bưu điện) đã xây dựng các điểm BĐVHX. Đây là cách làm mới đã được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự chào đón nhiệt tình của nhân dân nên chỉ trong thời gian ngắn, trên 80% số xã trong toàn quốc đã có điểm BĐVHX.
Từ đó, thay vì phải đi đến trung tâm cụm xã, huyện, thị trấn mới có dịch vụ bưu chính viễn thông thì người dân chỉ cần đến điểm BĐVHX là được đáp ứng ngay. Thời bấy giờ, diện phủ sóng phát thanh truyền hình (PTTH) còn hạn chế, số hộ gia đình có phương tiện nghe, xem hoặc có báo in để đọc, có điện thoại cố định còn ít thì với số đầu sách, báo được trang bị, những điểm BĐVHX trở thành nơi cung cấp thông tin, một “thiết chế văn hóa”, “điểm sáng” của ngành bưu điện ở cơ sở.
Còn nhớ những năm đầu tiên ra đời, điểm BĐVHX đã góp phần giúp cộng đồng nông thôn, miền núi, vùng cao thuận lợi hơn trong việc trao đổi thư tín và liên lạc với gia đình họ hàng, bạn bè qua máy điện thoại hữu tuyến gọi đường dài. Đảm nhận chủ yếu là phần bưu điện, ngoài ra các điểm này còn lồng ghép phục vụ người dân tiếp cận thêm một số tờ báo và một số đầu sách...
Khi đó, trong chuyến công tác đường dài, chúng tôi có thể cảm nhận được tầm quan trọng của điểm BĐVHX khi được chứng kiến cảnh người dân xếp hàng chờ tới lượt gọi, nghe điện thoại của người thân ở xa; được thấy cảnh “2 người ngồi 1 ghế” đọc chung tờ báo; rồi lại chứng kiến mấy cô nhân viên BĐVHX tất bật phục vụ người dân các dịch vụ có tại điểm BĐVHX... Hình ảnh ấy một thời là những kỷ niệm không thể nào quên đối với những ai đã từng được trải qua giai đoạn lịch sử huy hoàng của BĐVHX.
Ông Phạm Quang Minh, xã An Lương, huyện Văn Chấn nhớ lại: “Cái hồi tôi có đứa cháu bán hàng ở nhà, thông tin hàng hóa gửi ra sao, nhận thế nào đều đến điểm BĐVHX chứ còn ở đâu nữa. Đường sá thì xa xôi, đi lại khó khăn, cái anh BĐVHX này một thời được việc ra phết! Trăm luồng thông tin đều từ đó mà ra cả”.
“Nốt trầm”
Cùng với quá trình đổi mới, nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như: đưa thông tin về cơ sở, phủ sóng vùng lõm, đưa PTTH về vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, viễn thông công ích... đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và mở rộng không gian tiếp nhận thông tin của nhân dân; mạng lưới PTTH, sự ưu việt và phát triển của Internet, sự gia tăng theo cấp số nhân của dịch vụ điện thoại di động... đã góp phần thay đổi xã hội một cách nhanh chóng. Giờ đây, người ta không còn đến điểm BĐVHX để gọi điện thoại hoặc đọc báo nữa, thay vào đó là tiếp nhận thông tin ngay tại nhà, mọi nơi, mọi lúc.
Trong khi đó, điểm BĐVHX vẫn không hề thay đổi phương thức hoạt động cũ, nhân viên thực hiện dịch vụ viễn thông, chuyển phát là chủ yếu, số đông chưa được đào tạo về thông tin ở cơ sở, số điểm BĐVHX có kết nối Internet đạt tỷ lệ rất thấp.
Từ đó, vai trò cung cấp thông tin không còn hấp dẫn nữa, dịch vụ chuyển phát thì đã được các xe khách hoặc tư nhân đáp ứng tận tình. Ngoài ra, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của BĐVHX xuống cấp mà không có nguồn đầu tư đã làm cho hoạt động của điểm BĐVHX bị lu mờ. Đó là chưa tính tới doanh số hoạt động ngày một giảm, kéo theo thu nhập của nhân viên BĐVHX quá thấp dẫn đến tâm lý không yên tâm phục vụ.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, tổng số đầu sách báo ở các điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh, chỗ phong phú nhất cũng rất khó vượt qua con số 100, không thiếu những điểm chỉ còn lèo tèo vài ba cuốn sách cũ đã lâu lắm không có người đọc tới...
Có thể nhận thấy rất rõ ràng, sau một thời gian dài đảm nhận nhiệm vụ, vai trò của hệ thống bưu điện cấp xã đang dần trở nên mờ nhạt đối với cộng đồng bởi sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Trên thực tế, ở các điểm BĐVHX đang tồn tại manh mún những kênh cung cấp tri thức cho người dân nhưng không hề hiệu quả, gồm: điểm bưu điện chỉ hoạt động hình thức; thư viện có nhưng đầu sách quá ít, lại chỉ phục vụ đọc tại chỗ mà không được mượn về nhà; tủ sách pháp luật, các loại sách hướng dẫn nông - lâm - ngư nghiệp đã cũ, kiến thức có phần lạc hậu so với thời điểm hiện tại...
Chính vì vậy, cảnh vắng “khách” là thực trạng chung của các điểm BĐVHX hiện nay. Nếu để ý quan sát, tại nhiều điểm BĐVHX dù vẫn đang trong thời gian mở cửa nhưng lại không hề có một bóng người lai vãng vì chẳng còn mấy ai mặn mà.
Bà Nguyễn Thị Phương, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên chia sẻ: “Đúng là người dân chúng tôi bây giờ chẳng còn mấy ai đến điểm BĐVHX làm gì nữa thật. Ở nhà thì đã có ti vi đủ các loại chương trình; liên lạc thì đã có điện thoại di động, cần thông tin gì thì đã có các con, cháu vào mạng Internet giúp cho. Mới thấy khoa học bây giờ phát triển thật! Những thứ ngày xưa chả bao giờ nghĩ đến mà giờ lại ở ngay trong cuộc sống hàng ngày”.
Cần có hướng đi mới
Để có thiết chế văn hóa ở cơ sở, trước hết phải có không gian, môi trường, có thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa. Người quản lý, tổ chức hoạt động phải có kiến thức và khả năng chuyên môn để thu hút người dân, trong đó, có tầng lớp thanh niên tham gia. Như vậy, cần phải có sự phối hợp của ngành văn hóa - thể thao và du lịch.
Vấn đề đặt ra làm sao để tất cả “điểm sáng” BĐVHX này tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là những điểm ở vùng nông thôn, vùng cao nơi có nhiều khó khăn nhất. Nhà nước có nhiều chính sách để nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương quan tâm đến nông thôn và nông dân thông qua các chương trình, dự án nhưng xem ra sự phối hợp và kết nối này chưa được chặt chẽ.
Ngành văn hóa - thể thao và du lịch có chương trình xây dựng nhà văn hoá xã, nhà văn hoá thôn, chương trình đưa văn hóa về cơ sở; ngành tư pháp có chương trình tủ sách pháp luật; ngành giáo dục và đào tạo có trung tâm giáo dục cộng đồng…
Song, dường như các ngành này chưa phối hợp tốt với nhau, thông qua các chương trình “chung về một mối” để kết hợp tạo hiệu ứng đồng thuận trên diện rộng, còn địa phương thì ai cho gì cũng nhận trong khi chưa biết phát huy hiệu quả thế nào. Vì vậy, nhìn vào bức tranh toàn cảnh ở cơ sở vẫn còn manh mún, xem ra cái gì cũng có nhưng hiệu quả còn thấp.
Hiện tại, chúng ta đang triển khai mạnh mẽ chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới với sự phối hợp nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều cấp với nhiều dự án khác nhau. Đây có lẽ là dịp tốt nhất để sắp xếp lại hoạt động của điểm BĐVHX.
Nên chăng có một trung tâm văn hóa cộng đồng là thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong đó có thiết bị tuyên truyền, phương tiện nghe nhìn, sách, báo, ấn phẩm văn hóa từ chương trình mục tiêu quốc gia, từ nhà văn hóa xã, từ điểm BĐVHX, từ tủ sách pháp luật…
Đặc biệt, con người phục vụ cho sự phát triển mang tính bền vững của điểm BĐVHX cần phải được đào tạo để vừa có khả năng quản lý vừa có tư duy tổ chức các hoạt động phù hợp với từng nơi, nếu không được công nhận là công chức xã thì cũng phải có chế độ thù lao thỏa đáng để họ yên tâm phục vụ.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc góp phần làm thay đổi bộ mặt cơ sở vật chất của hệ thống BĐVHX, cần đa dạng hóa loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân để điểm BĐVHX vừa là điểm sinh hoạt cộng đồng...
Đặc biệt, các điểm BĐVHX cần đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ hành chính công như: chi trả lương hưu, trợ cấp, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội, mở rộng các dịch vụ bán lẻ hàng tiêu dùng về nông thôn với mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ... Làm được như vậy mới xóa được “điểm BĐVHX có cũng như không, lãng phí quỹ đất” theo nhận xét của nhiều người.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Những triền ruộng bậc thang dát vàng hoa cải, những ruộng khoai tây, lúa mì, nương gừng tươi xanh màu hy vọng... chính sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực của mỗi người dân cùng cao Mù Cang Chải đã tạo nên duyên lành giữa cây và đất.
YBĐT - Anh Vàng A Nhà ở thôn Pang Cáng cho biết: "Mình cưới vợ năm 2015. Gia đình tổ chức cỗ cưới trong một buổi thôi, không nhiều mâm cỗ. Gia đình mình chỉ phải đưa lễ cho nhà gái một ít thịt, rượu. Sau cưới, vợ chồng mình không phải nợ nần gì cả, chỉ tập trung vào làm ăn phát triển kinh tế".
YBĐT - Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi lại có dịp trở lại Trạm Tấu. Điều đầu tiên cảm nhận là việc thực hiện nghiêm không uống rượu, bia vào buổi trưa và trong ngày làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nơi đây khi mà trước đây uống rượu vốn là nét văn hóa của người vùng cao.
YBĐT - Có thể tự hào nhìn nhận, thực hiện lời Bác dạy về rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) mà phong trào rèn luyện thân thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân với nhiều nội dung thiết thực, đây cũng là yếu tố tạo nguồn cho thể thao thành tích cao.