Đi theo câu hát Xịnh ca
- Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2017 | 8:04:31 AM
YBĐT - Đã đến ăn gừng thì không sợ cay/ Đã định lội sông, không có thuyền vẫn lội/ Đã yêu em rồi, nhà không có tiền, anh bán ruộng vì em…
Hát Xịnh ca trong đám hỏi của người Cao Lan huyện Yên Bình.
|
Hội xuân. Tôi theo câu hát giao duyên tha thiết của gái trai yêu nhau mà tìm về Tân Hương (Yên Bình) - một vùng đất đẹp như thơ, ẩn chứa những giá trị văn hóa mang đậm đặc trưng tiêu biểu của đồng bào dân tộc Cao Lan. Người ta coi Tân Hương là vùng đất của Xịnh ca không phải không có lý do.
Cứ theo câu hát Xịnh ca mà tìm thì người Cao Lan có ở đất Yên Bái không nhiều, chỉ vào khoảng 7 nghìn người. Huyện Văn Yên có xã Tân Hợp. Huyện Trấn Yên, người Cao Lan sinh sống tập trung ở 2 xã là Hòa Cuông và Minh Quán. Huyện Yên Bình - nơi Xịnh ca phát triển mạnh, trở thành phong trào ca hát sôi nổi của mọi lứa tuổi, người Cao Lan có ở 8 xã. Đây cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống nhất ở tỉnh Yên Bái.
Nói về Xịnh ca, ông Lương Xuân Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Bình không khỏi tự hào khi khẳng định: “Xịnh ca được dịch nghĩa là “thỉnh mời thần ca hát” là mảng văn nghệ dân gian còn lưu giữ lại được nhiều nhất những giá trị quý báu trong kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào Cao Lan. Nó được xem như chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào thế giới đa chiều, phong phú về đời sống xã hội, nhất là đời sống tình cảm của người Cao Lan, được phản chiếu dung dị, sinh động mà tinh tế qua Sình ca”…
Không phải ngẫu nhiên Xuân Tứ lại am tường về Xịnh ca đến thế. Sự nặng lòng ấy bởi chính ông cũng mang trong mình dòng máu của người Cao Lan. Chẳng thế mà mới nghe câu Xịnh ca cất lên, chất thi ca trong con người Xuân Tứ đã bùng cháy. Gác lại bao lo toan bộn bề công việc, ông hăm hở đưa chúng tôi về thôn Khe Gầy, xã Tân Hương gặp cho bằng được Lạc Tiên Sinh - người đàn ông được mệnh danh là người giữ hồn của Xịnh ca Cao Lan ở đất Yên Bình.
Bên ngôi nhà sàn truyền thống phong kín khuôn viên sân vườn là hoa trái và cây thuốc quý, ông Lạc Tiên Sinh niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. Chẳng sáo, chẳng đàn, cũng chẳng để khách gợi chuyện, ông trầm tư ngân lên khúc “Du hương ca” với lối hát đối đáp mà gái trai yêu nhau vẫn thường tỏ bày, bằng tiếng Cao Lan nghe da diết, chất chứa hoài niệm:
“Thiếu thời vui nhất du hương/ Trời xanh mây trắng bạn đường chơi vui/ Anh như rồng mắc cạn rồi/ Mong em như thể mong trời mưa tuôn.
Thiếu thời đi khắp bốn phương/ Qua mười tám nước bỏ vương quê nhà/ Mặc cho gối mốc giường hoa/ Phòng không lạnh vắng nhện sa giăng mùng...”.
Câu hát Xịnh ca như những lời thủ thỉ, chạm đến nỗi niềm sâu kín, gọi về miền ký ức xa xôi những khát khao, khắc khoải mong ước. Có lẽ bởi thế mà Xịnh ca là khát vọng sống, khát vọng tình yêu của đồng bào Cao Lan.
Với Lạc Tiên Sinh, Xịnh ca như thể một phần cuộc sống của ông. Câu nói của một người bạn tên Vinh sống ở thành phố Yên Bái, dù đã thoát ly công tác từ nhỏ nhưng đam mê Xịnh ca thì khó ai bằng, trải lòng: “...Đã yêu Xịnh ca đến thế cớ gì để nó nhạt nhòa, mai một...”.
Những cuộc hát Xịnh ca thâu đêm trong lễ hội, trong đám cưới. Hát mỗi khi cao hứng. Hát khi thấy lòng mình chơi vơi. Hát cả những khi thấy đời tuyệt vọng… Mỗi câu hát thấm đẫm những triết lý cuộc đời cứ nung nấu, đau đáu, giày vò tâm trí ông, để rồi cháy lên trong Lạc Tiên Sinh những ý tưởng lạ, những việc làm chẳng giống ai mà người đời vẫn cho ông là dở, là điên.
Đam mê dẫn lối, nhiệt huyết của Lạc Tiên Sinh đã truyền lửa nhiệt thành cho những người có chung suy nghĩ. Ban đầu chỉ năm, bảy người già; sau rồi nhóm hát Xịnh ca ở xã đông dần lên.
Hiện xã Tân Hương đã thành lập được Câu lạc bộ Dân ca các dân tộc với trên 70 thành viên. Giờ thì cả người lớn và trẻ nhỏ trong xã đã háo hức hơn khi nghe câu hát Xịnh ca đối đáp yêu đương thủ thỉ, tâm tình; hay những lời chúc tụng đầu xuân; những câu đó dí dỏm, đầy chất trí tuệ, tích lũy kinh nghiệm sống, triết lý nhân sinh, răn dạy điều hay lẽ phải và cả cách ứng xử trong các quan hệ xã hội, trải qua bao đời vẫn đúng, để rồi biết trân quý những làn điệu dân ca mộc mạc của dân tộc mình.
Lạc vào miền đất của Xịnh ca, tôi đã phần nào lý giải được vì sao người Cao Lan lại yêu Xịnh ca đến thế. Người Cao Lan coi Xịnh ca là “kho báu trí tuệ” và “kho tàng tình cảm” của dân tộc mình. Gắn bó, gần gũi, thân thiết với Xịnh ca như bếp lửa, như nhà sàn, như ruộng nương..., Xịnh ca được lưu truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu là nhờ truyền miệng.
Xịnh ca có nhiều loại: Xịnh ca Thsăn lèn - hát mừng năm mới; Xịnh ca Thsao bạo - hát đối đáp, giao duyên; Xịnh ca Kên láu - hát đám cưới; Xịnh ca Tò tèn - hát đố... Môi trường diễn xướng của Xịnh ca không cầu kỳ, chủ yếu trong nhà sàn. Những đêm hát Xịnh ca bất tận quên thời gian.
Dường như người Cao Lan hát về tất cả những gì về cuộc sống lao động và đời sống tinh thần của mình - những điều gần gũi như ngày, tháng, năm, như: nông cụ lao động, thiên nhiên..., đến những điều xa xôi như vũ trụ, như các vị thánh thần, như can chi ngũ hành trong bát quái, phong thủy đặt mồ mả, thờ cúng tổ tiên...
Song có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là những chương hát về tình yêu đôi lứa với tất cả những cung bậc cảm xúc. Không ai nhớ Xịnh ca có từ bao giờ, chỉ biết rằng, Xịnh ca gắn liền với truyền thuyết về Nữ thần ca hát của người Cao Lan có tên là Lưu Tam. Chuyện kể rằng, Lưu Tam là người con gái xinh đẹp, có tài thơ ca lại múa dẻo, hát hay.
Nàng Lưu Tam yêu tha thiết chàng trai người Cao Lan tên Dừn nghèo khó nhưng lại bị anh trai và chị dâu cấm đoán. Nàng lấy tiếng hát làm bầu bạn để quên đi sự đau khổ và cô đơn. Không chịu nổi tiếng hát của Lưu Tam, anh trai và chị dâu bắt nàng đi lấy chồng.
Không được sống bên người mình yêu, lại bị cấm hát nên Lưu Tam rất đau khổ. Nàng quyết định trốn nhà, vượt núi, vượt rừng nhiều ngày đêm tìm người yêu mà không thấy. Tuyệt vọng, ngồi giữa mênh mông núi rừng, nàng bắt đầu cất lên tiếng hát.
Tiếng hát ai oán nhà chồng. Tiếng hát trách than anh trai. Tiếng hát thương nhớ người yêu. Tiếng hát hờn giận cuộc đời... Nàng hát suốt 12 ngày đêm rồi qua đời, hồn vẫn vi vu nơi núi rừng để lại những câu hát chất chứa nỗi niềm. Có lẽ bởi thế Xịnh ca là tâm sự của mỗi người Cao Lan.
Xịnh ca mộc mạc, không có múa phụ họa và rất ít âm nhạc đệm. Ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, có một nghệ nhân dân gian người Cao Lan đã đưa Xịnh ca trở thành nghệ thuật trình diễn - ông là Nịnh Quang Thanh. Sau nhiều năm tự mày mò sưu tầm, dày công nghiên cứu từ cách hát, nghệ thuật hát, các điệu múa, đến các loại đạo cụ khi hát Xịnh ca: nào là đàn bầu, sáo đệm, trống tang sènh, hay chiêng, chũm chọe..., cuối cùng thì ông Thanh cũng thành công.
Ông đã làm được cái điều mà không nhiều người làm được ấy là thổi hồn dân vũ cho làn điệu dân ca của dân tộc mình. Xịnh ca vốn chỉ có lời hát, thế nhưng những điệu múa chim gâu, múa Pâng loóng, múa xúc tép, hay múa cầu mùa… đã được người nghệ nhân tài hoa này biến tấu, thổi hồn trở thành những làn điệu dân vũ uyển chuyển, độc đáo, nâng tầm cho mỗi làn điệu Xịnh ca.
Chẳng thế, những tiết mục đặc sắc mà nghệ nhân Nịnh Quang Thanh và đội văn nghệ xã Hòa Cuông mang đi trình diễn tại các hội thi đã giành được nhiều giải thưởng lớn như: Giải B tiết mục đơn ca “Nhớ em” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ 9 năm 2007; Huy chương Đồng tiết mục đơn ca “Mời rượu” và “Chúc sức khỏe” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh lần thứ 10 năm 2009, cùng nhiều giấy khen, bằng khen trong các kỳ hội diễn nghệ thuật các cấp.
Tháng 10/2016, nghệ nhân Ninh Quang Thanh đã mang về cho mình Giải Nhì khi tham gia biểu diễn tại tỉnh Tuyên Quang. Ấp ủ mong muốn gìn giữ Xịnh ca và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho thế hệ mai sau, với rất nhiều nỗ lực, năm 2016, nghệ nhân Nịnh Quang Thanh đã thành lập và cho ra mắt Câu lạc bộ hát, múa Xịnh ca xã Hòa Cuông, thu hút gần 30 thành viên tham gia.
Ông bảo: “Cái duyên và niềm đam mê Xịnh ca từ nhỏ; thêm nữa là môi trường công tác qua nhiều năm làm cán bộ văn hóa xã là điều kiện thuận lợi để mình có nhiều thời gian nghiên cứu, đầu tư cho Xịnh ca”.
Năm 2016, nghệ nhân Nịnh Quang Thanh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với riêng ông và cộng đồng người Cao Lan sinh sống ở đất Trấn Yên thì đó là niềm vinh dự lớn, đặt kỳ vọng cho việc lưu truyền vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc trước nguy cơ mai một, khi mà lớp nghệ nhân dân gian cao tuổi đang ngày một hiếm dần.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người là một trong những nhiệm vụ then chốt của thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây vừa là yêu cầu cấp bách vừa là biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ và bảo vệ các dân tộc thiểu số. Xịnh ca cũng như những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đang đứng trước nguy cơ bị mai một, mất dần bản sắc.
Điều này đặt ra trách nhiệm đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng trong việc bảo tồn, gìn giữ và trao truyền vốn văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau. Trong dòng chảy hội nhập, tỉnh Yên Bái nỗ lực tuyên truyền để mọi người dân và mỗi tộc người tự khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc mình; quan điểm dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc để phát triển du lịch.
Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa sắc, mang đậm bản sắc dân tộc cùng với giá trị thiên nhiên kỳ vĩ đang được xem là hướng đi bền vững và hiệu quả nhất của du lịch Yên Bái, mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Văn Yên đang là địa phương đầu tiên trong tỉnh đi tiên phong chấn chỉnh mỹ quan đô thị văn minh, sạch đẹp và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
YBĐT - Lên Nà Hẩu. Một đoạn đường, bên tay trái, dãy sa mộc khiến bất cứ ai cũng có cảm giác như đang bắt đầu vào thị trấn Sa Pa mờ sương của Lào Cai nếu từng một lần đã đến.
YBĐT - Trong không khí lao động sản xuất nhộn nhịp những ngày sau tết Nguyên đán, có một sự khác biệt lớn so với dịp này hàng năm là người dân Vũ Linh không còn lên đồi trồng sắn.
YBĐT - Những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động hay đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước ở huyện Lục Yên diễn ra rất sôi động. Không thể phủ nhận hiệu quả của việc đi lao động ngoại tỉnh đã giúp đồng lương ổn định và cao gấp nhiều lần so với thu nhập ở nông thôn. Tuy nhiên, việc lao động đi ồ ạt để lại phía sau hàng loại vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề ruộng đất bị bỏ hoang phí hoặc canh tác không hiệu quả...