Hồng Ca chuyển mình

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/4/2017 | 6:36:50 AM

YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Ca đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Hồng Ca có những vùng sản xuất măng tre Bát độ, cây ăn quả, chè...

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca - Hà Ngọc Toanh hướng dẫn người dân trồng tre măng Bát độ.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca - Hà Ngọc Toanh hướng dẫn người dân trồng tre măng Bát độ.

Trời tháng 4 lúc mưa, lúc nắng. Theo con đường mới mở lên vùng quy hoạch măng Bát độ ở Khuôn Bổ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên - Hà Ngọc Toanh phấn khởi cho biết: “Năm qua, xã được huyện ưu tiên cho mở 6 km đường ô tô đến các vùng quy hoạch trồng măng Bát độ tập trung nên bà con phấn khởi lắm! Ai cũng hăng hái lên rừng để trồng măng! Hơn một tháng qua, ngày nào cán bộ xã, trưởng thôn, bản cũng có mặt trên rừng để động viên, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng măng”.

Khuôn mặt rạng ngời, trưởng thôn Khuôn Bổ - Sổng A Cha bày tỏ: “Đồng bào mình yêu cây măng này rồi! Cứ nhìn trong xã thấy nhiều hộ xây nhà, mua xe máy và thoát nghèo nhờ trồng măng Bát độ nên bà con đăng ký trồng khá mạnh. Vài năm nữa, Khuôn Bổ sẽ bạt ngàn măng!”.

Được biết, Khuôn Bổ là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hồng Ca, với 100% đồng bào Mông sinh sống. Theo trưởng thôn Sổng A Cha lý giải thì người Mông ở Hồng Ca hiện nay có nguồn gốc từ xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu di cư năm 1978 xuống địa phận thôn Khe Nóng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên. Tiếp đó, năm 2000, UBND huyện Trấn Yên thực hiện vận động 20 hộ, 139 khẩu di dời sang thôn Khuôn Bổ để xây dựng vùng kinh tế mới và cũng là để giải quyết vấn đề đất đai cho địa phương.

Lúc ấy, Khuôn Bổ vẫn còn hoang sơ, không có dân cư sinh sống. Mười mấy năm qua, với sự nỗ lực của người dân cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, bà con tập trung trồng lúa, trồng rừng, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế. Nhân dân càng yên tâm sản xuất khi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Rời Khuôn Bổ, chúng tôi sang Hồng Lâu - thôn cũng có 100% đồng bào Mông sinh sống. Trên khắp các vạt đồi ở đây, người dân nô nức trồng măng. Gùi nặng trĩu bờ vai mang củ giống lên nương, anh Tráng A Lăng vui mừng cho biết: “Đây đều là những củ giống tốt được gia đình tuyển chọn kỹ từ vùng măng Kiên Thành. Năm nay, Nhà nước hỗ trợ 2,5 triệu đồng tiền củ giống cho 1 ha nên gia đình đã mạnh dạn đăng ký trồng 2 ha. Đến nay, gia đình đã cơ bản  trồng xong diện tích đã đăng ký”.

Cây măng Bát độ có mặt trên đất Hồng Lâu từ 9 năm trước. Cuộc sống của nhiều hộ dân ở đây đã thay đổi nhờ vào cây măng. Vụ xuân này, người dân trong thôn đã đăng ký trồng mới trên 80 ha măng Bát độ, cao nhất xã. Nỗi lo thiếu củ măng giống được chính quyền địa phương giải quyết khi Chủ tịch UBND xã - Phạm Xuân Toàn trực tiếp sang đất Kiên Thành (vùng măng trọng điểm của Trấn Yên) đặt mua củ giống cho bà con.

Trưởng thôn Hồng Lâu - Tráng A Sử nắm chặt tay đồng chí Bí thư Đảng ủy thể hiện quyết tâm: “Hồng Lâu không những đăng ký diện tích trồng 80 ha, nhiều nhất xã mà còn thi đua trồng nhanh nhất xã”.

Để làm được, trưởng thôn Sử đã đăng ký với xã mua củ giống theo ngày; vận động các hộ đổi công, giúp nhau trồng măng, phấn đấu trồng đủ diện tích theo kế hoạch và thời gian đăng ký. Bí thư Đảng ủy Hà Ngọc Toanh cho biết: để hoàn thành trồng đủ 300 ha măng Bát độ theo kế hoạch xã đăng ký với huyện, những khó khăn của người dân về giống, phân bón... được lãnh đạo địa phương giải quyết ngay trên rừng.

Sau 9 năm phát triển, đến nay, xã Hồng Ca có gần 320 ha măng đang cho thu hoạch, sản lượng măng hàng năm bán ra thị trường từ 3.500 - 4.000 tấn măng tươi, thu về từ 3 - 4 tỷ đồng, nhiều hộ có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Cây măng Bát độ khẳng định hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế ở Hồng Ca.

Xã đã có nghị quyết mở rộng diện tích măng lên 800 ha vào năm 2020 tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Để thực hiện mục tiêu này, Hồng Ca đã quy hoạch vùng trồng mới măng tập trung rộng 500 ha tại các thôn: Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến, Khuôn Bổ, Chi Vụ, Liên Hợp... Sau Kiên Thành, Hồng Ca sẽ trở thành vùng sản xuất măng hàng hóa lớn của huyện Trấn Yên, khẳng định một hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người dân Trấn Yên.

Tạm biệt Khuôn Bổ, Hồng Lâu, theo những con đường uốn lượn vắt ngang sườn núi, xã Hồng Ca hiện ra với những ngôi nhà cao tầng, kiên cố dựng xen giữa màu xanh dịu của măng tre, cây ăn quả, vùng chè đang vào xuân. Chỉ vài năm gần đây, diện mạo nông thôn ở Hồng Ca đã có những chuyển biến tích cực.

Bí thư Đảng ủy Hà Ngọc Toanh phấn khởi bày tỏ: “Cơ cấu kinh tế ở xã đã chuyển dịch đúng hướng, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã hình thành các vùng sản xuất chè, sản xuất lúa, tre măng Bát độ tập trung; chăn nuôi hàng hóa tiếp tục ổn định và phát triển, nông nghiệp nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, niềm tin của nhân dân đối với năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường”.

Để có sự chuyển biến như vậy, Đảng bộ xã đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ủy đã chỉ ra 2 nhóm vấn đề và 8 nội dung cần khắc phục và làm ngay.

Nhóm vấn đề thứ nhất, về công tác xây dựng Đảng có 3 nội dung: duy trì và thực hiện quy chế làm việc chưa nghiêm túc; việc thực hiện phê bình và tự phê bình còn nhiều hạn chế; công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ chất lượng chưa cao; chất lượng hoạt động của các đoàn thể còn thấp.

Nhóm vấn đề thứ hai, về quản lý điều hành của chính quyền địa phương có 5 nội dung: công tác quản lý và bảo vệ rừng chưa được thực hiện tốt; chương trình trồng tre măng Bát độ chưa thực hiện đúng quy hoạch; chương trình phát triển chăn nuôi bò cho hộ nghèo không đạt kế hoạch; công tác bảo trợ, cấp thẻ bảo hiểm y tế còn sai sót, trùng lặp nhiều; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình chuyển biến chậm. Từ việc chỉ ra những vấn đề cần khắc phục và làm ngay, Đảng bộ đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết gắn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đến nay có 2 nhiệm vụ đã được khắc phục xong và chuyển biến tốt; nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Bí thư Toanh luôn nhắc đến hai chữ “đoàn kết”. Anh bảo: Đây chính là nhân tố để tạo nên sức mạnh Đảng bộ thực sự đoàn kết thống nhất cả ý chí và hành động, trong sạch vững mạnh gắn bó với nhân dân; người dân đồng lòng chung sức và chia sẻ với chính quyền thì việc gì cũng thành công”.

Anh Toanh thêm: dựa trên cơ sở phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, Đảng bộ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm; 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế; số hộ nghèo giảm xuống dưới 10%; xã phấn đấu hoàn thành 16/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu mở mới 2 km và kiên cố hóa 15 km đường giao thôn nông thôn; xây mới 2 nhà văn hóa và nâng cấp chợ trung tâm xã.

Để làm được điều này, Đảng bộ xác định cần phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực sự vững mạnh.

Trong phát triển kinh tế, vận động nhân dân tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tiếp tục quan tâm đến các giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và phấn đấu thực hiện thắng lợi 5 chương trình kinh tế, xã hội trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hồng Ca lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Từng bước khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Ca đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Hồng Ca có những vùng sản xuất măng tre Bát độ, cây ăn quả, chè... hứa hẹn năng suất, chất lượng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Mạnh Cường - Hoài Văn

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục