Hướng tới một nền nông nghiệp “thông minh”

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2017 | 7:59:11 AM

YBĐT - Tưởng chừng như công nghiệp, vận tải là ngành chính phát sinh ra các khí thải gây biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng thực tế, khí thải gây hiệu ứng nhà kính do nông nghiệp gây ra cũng “ngang ngửa” với công nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tếCIAT hướng dân người dân nuôi giun quế.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tếCIAT hướng dân người dân nuôi giun quế.

Đứng trước tình trạng đó, một cộng đồng dân cư đang được đào tạo, hướng dẫn các kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để thay đổi những thói quen canh tác hằng ngày nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH, giảm lượng chất thải nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho người dân mang tên “Làng Nông Thuận Thiên”. Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) là một thôn như thế.

Xây dựng một mô hình mẫu lý tưởng

BĐKH là một trong những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, bởi nó đang diễn ra và ngày càng tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Nông dân đang phải đối mặt trực tiếp với những biến động thất thường của thời tiết và họ đang tìm cách để ứng phó với nó.

Dự án “Các kỹ thuật nông nghiệp kết hợp nhằm nâng cao khảnăng ứng phó với BĐKH và sinh kế của thôn ứng phó thông minh với BĐKH tại vùng Đông Nam Á”, được điều phối bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) trong chương trình nghiên cứu của Tổ chức Tư vấn quốc tế về nghiên cứu Nông nghiệp (CGIAR) để tiến hành nghiên cứu các nguy cơ, mối đe dọađối với nông nghiệp và an ninh lương thực do ảnh hưởng của BĐKH.

Từ đó, tìm ra các giải pháp giúp người nông dân thích ứng tốt với BĐKH. Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên là một trong ba thôn/ấp của Việt Nam, một trong sáu thôn/ấp ở Đông Nam Á được lựa chọn xây dựng mô hình mẫu để thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và khả năng phục hồi trước tác động tiêu cực của BĐKH, sự thay đổi bất thường của thời tiết; giảm nhẹ sự ấm lên toàn cầu bằng cách giảm khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, cải thiện đời sống và thu nhập cho nông dân.

Anh Bùi Lê Vinh - điều phối viên của Dự án CIAT khẳng định: “Một trong những điểm mạnh của mô hình “Làng Nông Thuận Thiên” là tính toàn diện trong việc tập hợp nông dân, các nhà khoa học, các tổ chức địa phương cũng như việc lồng ghép mô hình này vào các chính sách nông nghiệp có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực”.

Cùng với thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu thì thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình chính là thôn đại diện cho khu vực miền Bắc; là thôn thấy rõ tác động của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái, sinh kế của người dân.

Tại đây, các biện pháp nông nghiệp thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và rủi ro thiên tai đang được thử nghiệm, lựa chọn và nhân rộng để có thể triển khai ở những nơi khác.

Được triển khai từ năm 2015, Dự án đã xây dựng thôn Mạ theo một mô hình mẫu lý tưởng với vô số các giải pháp như: canh tác tổng hợp trên đất trồng sắn, trồng xen bạch đàn, keo với sắn để cải thiện độ phì đất, nuôi cá, linh hoạt cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi lúa sang sản xuất rau sạch, canh tác tổng hợp có sự phối hợp của các nhóm nông dân, mô hình kết hợp chè - cà phê - cỏ chăn nuôi - cây ăn quả…

Trong đó, có nhiều giải pháp đã được bà con kiểm nghiệm, đánh giá phù hợp với khả năng, nhận thức và thực tế canh tác tại địa phương.

Lợi ích kép

Thôn Mạ có 193 hộ, 750 nhân khẩu với một nửa là đồng bào dân tộc Cao Lan. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Dự án, những nông dân ở thôn Mạ đã mạnh dạn thực hiện các mô hình sinh kế thông minh.

Nhiều mô hình được bà con đón nhận và hăng hái thực hiện như: ủ phân nuôi giun quế, canh tác lúa ICM, nuôi gà trên đệm lót sinh học, chăn nuôi bán công nghiệp… không những giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sinh kế cho người dân, cải thiện thu nhập.

Qua một cuộc khảo sát nhỏ đến các hộ chăn nuôi ở thôn Mạ, chúng tôi có thể thấy được mặc dù chuồng trại ở gần nơi ở, nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi thối của chất thải động vật.

Là 1 trong 7 hộ dân được CIAT cấp phát và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc giống giun quế, gia đình ông Hoàng Quốc Việt nuôi gần 10 kg giun. Được biết, gia đình ông nuôi kết hợp 2 con trâu và vài trăm con gà làm nguồn thu nhập chính.

Từ khi nuôi thêm giun quế, chất thải của trâu, bò trước đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, bốc mùi nay lại là nguồn thức ăn cho giun, giúp chất thải tạo lớp mùn, vừa khử mùi hôi thối của phân chuồng vừa tạo lớp phân bón “sạch” cho cây trồng, giun trưởng thành lại trở thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi gà.

Như vậy, một quy trình khép kín được tạo thành, đảm bảo cho các nhân tố trong quy trình đều được tận dụng triệt để, không những thấy được cái lợi trước mắt mà còn cả về lâu về dài. Những hộ không nuôi giun quế thì lại được CIAT cấp phát chế phẩm sinh học để xử lý chất thải của gia súc, sau đó mới bón cho rau màu, cây trồng.

Một trong những giải pháp được nông dân thôn Mạ ứng dụng rộng rãi là nuôi gà trên đệm lót sinh học. Tận dụng cám cưa từ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn thôn, CIAT đã hướng dẫn bà con thôn Mạ cách làm đệm lót sinh học khử mùi hôi chất thải của gà. Nguyên liệu và cách làm đệm rất đơn giản.

Trước hết, trải đều cám cưa trên nền diện tích nuôi gà với độ dày khoảng 15 cm tạo thành lớp đệm, sau đó tùy theo diện tích của lớp đệm rộng hay hẹp mà sử dụng lượng cám gạo và men rượu cho thích hợp. Trung bình nếu diện tích là 30 m2 sẽ sử dụng 10 kg cám gạo trộn với 3 lạng men rượu ủ qua một đêm, sau đó trải đều lên lớp đệm. Nuôi gà trên lớp đệm sinh học này sẽ khử được toàn bộ mùi hôi do chất thải của gà.

Khác với nuôi gà, chăn nuôi dê, bò được CIAT hướng tới mô hình nuôi bán công nghiệp. Trước đây, dê, bò được chăn thả tự nhiên trên hồ Thác Bà, “tự sinh tự diệt” nên năng suất không cao, dê, bò gầy yếu, con đẻ ra hay bị chết. Sau khi áp dụng mô hình nuôi bán công nghiệp, dê, bò được mang về nuôi nhốt trong chuồng; chất thải được thu gom sau đó ủ bằng chế phẩm sinh học để bón cho cây trồng.

Tận dụng diện tích ruộng cạn không có nước để cấy lúa, CIAT hướng dẫn bà con trồng cây ăn quả xen trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng, gốc làm thức ăn cho trâu bò, ngọn thì cho dê, không bỏ phí bất cứ thứ gì.

Là một trong 10 hộ trước đây thường nuôi dê, nuôi bò theo hình thức chăn thả tự nhiên trên đảo ở hồ Thác Bà, anh Trần Trung Kiên đã xây dựng mô hình chăn nuôi 13 con bò kết hợp trồng 200 gốc bưởi ngay tại đất của gia đình.

 

Mô hình nuôi bò bán công nghiệp của anh Trần Trung Kiên.

Anh Kiên chia sẻ: “Tham gia Dự án, gia đình tôi được hướng dẫn các kỹ thuật về trồng cây ăn quả, cách bón phân, cắt tỉa cành, thụ phấn cho bưởi, trồng xen cỏ với bưởi tạo nguồn thức ăn cho bò lại chống xói mòn đất. Hơn nữa, chúng tôi còn được hướng dẫn cách ủ yếm khí nhằm dự trữ thức ăn cho mùa khô".

"Với cách làm đơn giản mà có thể dự trữ thức ăn từ 6 đến 9 tháng, chỉ cần sử dụng túi nilon to, cho cỏ vào rồi cứ một lượt muối một lượt cỏ sau đó, ủ kín không để không khí lọt vào. Qua Dự án, chúng tôi được học tập những kỹ thuật thông minh mà lại đơn giản, dễ áp dụng, tính thực tiễn cao vừa giúp giảm thiểu lượng khí thải nông nghiệp vừa đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập”.

Nói về những lợi ích khi tham gia Dự án, ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng thôn Mạ cho biết, trước đây, người dân trong thôn không hiểu và chưa lường trước được sự ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đối với việc sản xuất nông nghiệp và ngược lại, việc sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu, thời tiết.

Nhưng từ khi Dự án được đưa về, nông dân được trang bị kiến thức, được hướng dẫn canh tác và hiểu được ảnh hưởng từ những việc mình vẫn hay làm lại là một trong những nguyên nhân gây BĐKH, từ đó mà thay đổi thói quen canh tác. Khi gặt xong họ không còn đốt rơm mà ủ thành phân hữu cơ; thuốc trừ sâu không vứt ra sông, suối nữa...

"Thấy được hiệu quả từ các mô hình, người dân tham gia nhiệt tình và bản thân đã ý thức được các hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái" - ông Tám nói.

Những phương thức canh tác thông minh đang giúp nông dân thôn Mạ đạt được mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng tốt hơn với BĐKH và nâng cao thu nhập. Thay đổi các phương thức canh tác cũ theo lối mòn, lạc hậu bằng các phương thức canh tác thông minh cũng là cách những người nông dân thôn Mạ thể hiện trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu.

Hy vọng rằng, mô hình mẫu lý tưởng này sẽ được nhân rộng trong nay mai, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thông minh.

Hoài Anh – Thu Hạnh

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục