Trao cho nhau tình yêu cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/5/2017 | 8:35:17 AM

YBĐT - Nhiều người sinh ra bình thường như bao người khác nhưng lại không may mắn khi trở thành tàn tật ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lại buông xuôi, phó mặc cho số phận. Từ chỗ bi quan và bế tắc, họ đã vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường. Đó là câu chuyện của anh Trần Trung Kiên và chị Nguyễn Thị Liện ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.

Vườn bưởi của gia đình anh Kiên, chị Liện hàng năm cho thu nhập khá cao.
Vườn bưởi của gia đình anh Kiên, chị Liện hàng năm cho thu nhập khá cao.

Đã hẹn anh chị rồi mà cả tuần cứ mưa rả rích. Nắng. Cái nắng chói chang của mùa hè đây rồi! Cầm máy ảnh lên và đi thôi. Vậy nhưng cái tiết trời tháng Năm sao đỏng đảnh thế! Mới đấy chang chang như thiêu đốt, nắng hắt hơi nóng từ mặt đường nhựa lên mặt người oi rát thì bất thình lình trời chuyển mây xám xịt là không gian âm u như đang giữa mùa đông. May mắn vừa kịp đến nhà anh chị, cơn mưa xối xả trút nước xuống căn nhà bé nhỏ, nhanh chóng cuốn trôi không khí hầm hập và khói bụi mịt mùng ngoài kia.

Ra đón chúng tôi là một người đàn ông với dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, giọng nói trầm ấm. 42 tuổi - đối với một người lành lặn, bình thường mà có một cơ ngơi như anh bây giờ có lẽ là điều bình thường nhưng đối với vợ chồng anh chị thì lại là một nghị lực phi thường.

Nhà anh Kiên nằm ngay cạnh dòng sông Chảy, bên dưới chân đập hồ Thác Bà. Ngôi nhà tuy bé nhỏ, đơn sơ nhưng chất chứa trong đó bao kỷ niệm đẹp của gia đình. Mặt nhà hướng ra dòng sông bốn mùa hiền hòa, lưng tựa vào núi làm cho ta gợi nhớ đến truyền thuyết Lạc Long Quân thuở xưa đưa 50 người con về khai phá vùng biển. Tôi có ví vậy cũng không quá bởi ngay trên khu đất rộng hơn 1,3 ha gia đình anh Kiên đang ở đây trước kia là bãi đá ven sông với những phiến đá tảng san sát, lởm chởm. Để có cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một kỳ tích đối với vợ chồng anh chị.

Câu chuyện về cuộc sống của anh chị như cuốn phim quay chậm, ký ức tuổi thơ nghiệt ngã và những ngày đã qua đẫm nước mắt cứ thế ùa về. Khi anh 20 tuổi - độ tuổi đẹp nhất cuộc đời - đương tuổi thanh xuân với bao dự định, ước mơ về tương lai bỗng chốc vụt tắt bởi một vụ tai nạn lao động đã làm tổn hại 81% sức khỏe của anh: đôi bàn tay vĩnh viễn mất đi, còn đôi mắt bị ảnh hưởng nặng.

“Ở cái tuổi người ta bảo “bẻ gãy sừng trâu” mà tôi còn không phục vụ được chính bản thân mình thì sống để làm gì? Nhiều lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng. Nếu không có sự động viên, an ủi và quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân, bạn bè, có khi tôi chẳng làm nên trò trống gì, thậm chí suốt cả đời gia đình phải cưu mang” - giọng trầm buồn anh kể.

Dù nước mắt không chảy nhưng tôi biết lòng anh như những cơn sóng ngầm cuộn trào dữ dội... Dừng câu chuyện chốc lát, miên man nhìn ra phía dòng sông, anh tiếp: “Ký ức buồn đã theo dòng sông kia cuốn đi rồi chị ạ. Giờ đây, hàng ngày cùng vợ con chăm những cây bưởi kia và đàn bò béo tốt là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi”. Mắt anh ngời niềm vui khi nói về tương lai tươi sáng.

Chị cũng được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, cũng xinh đẹp, nết na có tiếng ở làng. Trớ trêu khi căn bệnh vôi hóa đã trút tai họa xuống khi chị mới 15 tuổi. Căn bệnh khiến chị bị cong vẹo cột sống, giờ vẫn không thể đi thẳng người được. Mặc dù gia đình chạy chữa khắp nơi song vô hiệu, chị trở thành người tàn tật suốt đời. Không được khỏe mạnh như bao bạn trẻ khác, cuộc sống của chị Liện gặp không ít khó khăn. Chị tâm sự: “Đang khỏe mạnh bình thường tự nhiên trở thành tàn tật, cuộc sống như mây đen ập xuống. Buồn vô cùng, bạn ạ! Khi đấy, lúc nào mình cũng nghĩ tiêu cực nhưng chính anh Kiên là người đã xua tan đám mây đen đó rồi trao cho mình cả bầu trời trong xanh đầy sự sống”.

Nói đến chồng, mắt chị rực lên niềm vui. Từ ấy, chị đã có động lực để sống, để tô hồng chính cuộc đời mình. Bằng chứng chị nói là hai đứa con lần lượt ra đời và khỏe mạnh. Chị Liện tự hào khoe về các con mình: “Hình như chúng cũng hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của bố mẹ khi chăm sóc chúng nên trộm vía rất ngoan và cứ thế lớn lên theo năm tháng. Niềm hạnh phúc được làm mẹ, được chăm các con, thật không gì tả nổi. Hiện nay, thằng lớn đã học đến lớp 10 và em gái học lớp 4. Giờ thì chúng cũng giúp được bố mẹ nhiều việc nhà rồi”.

Câu chuyện về tình yêu và cuộc sống của anh chị cứ thế ăm ắp khi nhắc đến hai con: “Chúng tôi đến với nhau như duyên trời đã định, có khi hai đứa lành lặn chưa chắc đã lấy nhau. Ông bố vợ đã mất của tôi bảo: “Mày lấy con Liện đi, tao gả cho. Chúng mày cùng chung số phận nên sẽ hiểu và thông cảm cho nhau”.

Gia đình bên vợ thì vun vào, còn gia đình tôi và hàng xóm thì phản đối kịch liệt vì bảo hai đứa tàn tật lấy nhau về thì lấy gì mà ăn, đã phải nuôi tôi lại nuôi cả vợ tôi à, rồi chuyện con cái nữa chứ, liệu nó có sinh nở được không... Nhiều đêm nằm nghĩ cũng thấy bố mẹ nói đúng nhưng mình đã thế này thì làm gì có người con gái nào lành lặn chịu lấy. Thôi thì “nồi nào úp vung nấy”, hai đứa lấy nhau, động viên nhau mà sống”. Vậy là năm 1999, vượt qua bao sóng gió, anh chị quyết tâm xây dựng tổ ấm cùng nhau.

Sau khi cưới, anh chị được bố mẹ vợ cho đất làm nhà ra ở riêng, bố mẹ anh cho một cặp bò và 700.000 đồng tiền mặt. Hàng ngày, anh chị cùng nhau đi đánh rọ tôm ở sông Chảy. Anh chèo thuyền, còn chị thả rọ cũng đủ ăn, cộng thêm tiền Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng hai vợ chồng được hơn 1,2 triệu đồng. Anh chị tích cóp rồi nuôi thêm con lợn, con gà; thuê người đánh đất đồi, mua đất đổ lên bãi đá trước nhà để trồng cây ăn quả. Đất không phụ công người, giờ đây, anh Kiên đã có trên 200 cây bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn.

Từ một cặp bò bố mẹ cho lúc ra ở riêng, anh đã chăm sóc tốt nhưng vì là bò ta, giống bé, không được giá cao nên đến năm 2008, mặc dù lúc đó có tới 14 con bò nhưng anh bán hết. Năm 2009, anh đầu tư mua cặp bò lai gần 17 triệu đồng về nuôi. Đến năm 2015, được hỗ trợ 35 triệu đồng từ Đề án chăn nuôi bò tập trung của huyện Yên Bình, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi và mua thêm 4 con bò.

Năm 2016, anh bán 5 con bò được hơn 70 triệu đồng và hiện nay còn 13 con. Vuốt ve mấy chú bò béo tròn, anh Kiên bảo: “Niềm vui của gia đình tôi đấy! Ở đây vì không có nơi chăn thả nên tôi nuôi nhốt rồi trồng cỏ voi cho ăn, buổi chiều chỉ thả ra khoảng 2 tiếng cho chúng ăn quanh bờ sông. Giờ phải duy trì chăn nuôi để vừa có thêm thu nhập lại được nguồn phân để trồng cây”. Để tận dụng diện tích trồng cây ăn quả khi cây còn nhỏ, anh trồng xen cỏ voi vào giữa các hàng cây, cứ 20 - 25 ngày lại được cắt một lần nên không lo thiếu thức ăn cho bò.

Anh Kiên chăm sóc đàn bò.

“Hai vợ chồng tôi lúc nào cũng có nhau, dựa vào nhau. Khi đi đánh rọ tôm thì tôi dùng chân chèo thuyền, còn vợ có đôi bàn tay vớt rọ. Khi lấy cỏ bò thì vợ cắt, còn tôi có đôi vai gánh về. Khi vợ băm cỏ thì tôi gánh ra cho bò ăn” - anh Kiên cười tươi khi nói về công việc hàng ngày của vợ chồng mình. Nghị lực phi thường của anh chị đã được đền đáp bằng cuộc sống hạnh phúc, no đủ, không những đủ ăn mà còn có của để dành cho các con. Từ việc đánh rọ tôm hàng ngày cho thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng, cộng thêm việc bán bò hàng năm, rồi thu nhập từ cây ăn quả... mỗi năm gia đình anh chị cũng để ra được gần 100 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi, anh Kiên cho biết: “5 năm nữa, khi hầu hết vườn bưởi cho thu hoạch thì chắc mỗi năm vợ chồng tôi cũng để ra được khoảng hơn trăm triệu đồng”.

Rời gia đình anh Kiên, chị Liện đúng lúc trời đã quang, mưa đã tạnh, sắc nắng bừng rọi mặt sông Chảy lung linh. Ngắm nụ cười của chị và nhớ lời chị Liện nói anh Kiên đã trao cho mình cả bầu trời trong xanh đầy sự sống, tôi nghĩ rằng anh Kiên tựa ánh dương tỏa nắng ngập tràn bầu trời trong xanh ấy. Và tôi tin một điều, chuyện đời, chuyện tình của anh Kiên và chị Liện sẽ tiếp thêm nghị lực và tình yêu cuộc sống cho những số phận kém may mắn. 

Thôn Mạ, tháng 5/2017
Hồng Duyên

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục