Đi cùng những mùa cam Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 10:42:37 AM

YBĐT - Anh bảo, ở mỗi vườn cam, anh đều thiết kế riêng một ngôi nhà để tiện đi lại, ở đó, chăm sóc cam và... thưởng thức vẻ đẹp của cam cùng thành quả lao động của mình. Dân quanh vùng bảo, gia đình anh giàu lên nhờ cam. Có lúc thu ba, bốn trăm triệu đồng tiền cam bỏ vào tủ mà cả hai vợ chồng đều quên khuấy.

Đồng chí Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên (bên phải) trao đổi với Mai Thanh Tùng về kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại cam.
Đồng chí Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên (bên phải) trao đổi với Mai Thanh Tùng về kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại cam.

Bén duyên với cây cam chẳng phải vì những năm gần đây cam luôn bội thu và hứa hẹn bao mùa quả chín, cũng không phải do việc kinh doanh vật liệu xây dựng đã quá lâu mà đơn giản chỉ bởi anh mê cam. Mai Thanh Tùng mê cam thật! Anh mê những vườn cam chín vàng đợi tay người thu hái, mê mùi tinh dầu hăng nồng mỗi khi bóc vỏ cam, mê cả những cành cam non mới trồng trên đỉnh núi cao đang nhú từng chồi xanh chúm chím và còn mê thêm việc nghiên cứu các giống phân bón lá cho cam cuối vụ đến nỗi quên ăn...

Nghe tiếng đã lâu nhưng đến khi tiếp xúc tôi mới hiểu, thật hiếm có nhà kinh doanh nào lại hiền khô và có tâm như Mai Thanh Tùng - chủ Doanh nghiệp Sơn Tùng ở tổ 13, thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Đi lên từ doanh nghiệp kinh doanh xây dựng những năm 2003, hơn chục năm sau, Mai Thanh Tùng chuyển hẳn sang làm "món nông nghiệp" và gắn bó với cây cam Sành trên quê hương thứ hai của mình.

Ông chủ gốc Nam Định ấy thổ lộ rằng, anh yêu cam Lục Yên hay nói đúng hơn là cây cam sành hợp với anh thì chuẩn. Từ khi chuyển hẳn sang "cái anh nông nghiệp này", Mai Thanh Tùng như biến thành một nông dân thực thụ. Say mê với những đồi cam chín mọng đầy nước, anh lặn lội về tận Viện Di truyền nông nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cam. Thậm chí, anh còn đánh xe chạy tắt Khánh Thiện, sang đất bạn Hà Giang, tìm gặp những chủ vườn cam có tiếng để kết giao và trao đổi cách làm giàu.

Ban đầu, anh mua lại những đồi cam ở các xã trong huyện, sau này anh mua thêm mấy vườn nữa bên Hà Giang. Gần nhất là cuối năm 2016 vừa qua, anh đầu tư mua thêm một vườn trên 1.000 gốc cam to với giá hơn 900 triệu đồng ở Hà Giang rộng hơn 4 ha, cho thu hoạch luôn gần 50 tấn quả. Hiện tại, 4 vườn cam lớn ở các xã Tô Mậu, Tân Lĩnh và thị trấn Yên Thế của anh đều là những vườn cam đẹp, rộng mênh mông, xanh ngút mắt với những ngôi nhà thiết kế hiện đại nằm nép mình bên những gốc cam 7 - 8 tạ quả/vụ.

Anh bảo, ở mỗi vườn cam, anh đều thiết kế riêng một ngôi nhà để tiện đi lại, ở đó, chăm sóc cam và... thưởng thức vẻ đẹp của cam cùng thành quả lao động của mình. Dân quanh vùng bảo, gia đình anh giàu lên nhờ cam. Có lúc thu ba, bốn trăm triệu đồng tiền cam bỏ vào tủ mà cả hai vợ chồng đều quên khuấy. Lãnh đạo huyện khẳng định: "Anh này có chí, ngoài cam ra, cậu ấy đang có ý định xây dựng quy mô chuồng trại nuôi khoảng 500 con bò trên diện tích gần 20 ha ở thôn Mường Thượng, xã Tô Mậu. Hiện tại, đã đầu tư trồng 5 ha cỏ và thuê nhân công chăm sóc".

Nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng chí Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, chúng tôi mới hẹn gặp được ông chủ doanh nghiệp tuổi Nhâm Tý này trong chiều hè tháng Tư đầy nắng. Anh quả thực rất bận bởi vườn cam ở Lục Yên đang trồng mới, còn vườn cam bên Hà Giang lại đang thu hoạch cuối vụ, bán rất chạy. Nể lời giới thiệu của lãnh đạo huyện, xong việc, anh chạy xe từ Hà Giang về ngay với quê hương thứ hai của mình.

Trong ngôi nhà khang trang, kiểu dáng hiện đại được thiết kế thân thiện với môi trường, sát trung tâm thị trấn Yên Thế, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn cơ ngơi của vợ chồng Mai Thanh Tùng. Ngoài khu vườn rợp nắng, mấy người bạn làm ăn của anh cũng đang rất nóng lòng mong anh về để bàn công chuyện.

Nhẹ nhàng, ngắn gọn, dứt khoát và đầy quyết đoán là những từ chính xác để nói về Mai Thanh Tùng khi anh xuống xe, hướng dẫn nhân công đóng gói cam; trao đổi cực nhanh với mấy ông bạn vàng rồi đưa chúng tôi đi thăm vườn cam gần nhất ở tổ 12, thị trấn Yên Thế. Đó quả thực là một trang trại đẹp với các loại cam sành Lục Yên, cam Vinh, cam Vinh 2 và bưởi da xanh gần ba năm tuổi, phủ kín cả quả đồi. Xe ô tô theo con đường đất rộng, hai bên là những hàng cam lá xanh thẫm đang lộ ra những quả xinh xinh, bé xíu bằng quả quýt.

Thấy tôi xuýt xoa khen, anh bảo: "Trận mưa đầu mùa năm nay làm mình bị thiệt hại khoảng 50 tấn quả giữ bán cuối mùa. Hiện, vẫn còn khoảng 200 tấn".

Giải thích băn khoăn về nỗi lo cam cuối mùa có phải do ủ thuốc, Mai Thanh Tùng cặn kẽ: "Những trận mưa đầu mùa sau một đợt hanh khô kéo dài thường là mưa a xít hay làm rụng cam. Đến tháng 11 và 12 cuối năm hầu như cây cam ngừng sinh trưởng, mình cho cây nghỉ ngơi vì nếu để quả chín trên cây, có bón phân vào gốc thì cam cũng không hấp thu được. Để vừa giữ được quả bán cuối vụ lại vừa chăm sóc được cam, tôi đã chọn giải pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây không qua rễ nữa mà qua lá vào tháng Giêng".

Ra vậy, câu chuyện Mai Thanh Tùng đầu tư hơn 300 triệu đồng đưa 24 km đường ống dẫn nước đảm bảo đủ tưới cho đồi cam này hoàn toàn có lý. Rồi chuyện thuê từ 25 - 30 nhân công chăm sóc, thu hoạch cam với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng khiến các hộ nông nhàn phấn khởi coi là cơ duyên cũng thật dễ hiểu. Đó là chưa kể tới hệ thống bể chứa phân bón lá đặt trên đỉnh đồi được Tùng cẩn thận xử lý từ nguồn thủy sản nước ngọt như cá con, cá tép bảo đảm chất dinh dưỡng cho lá khi cây ngừng sinh trưởng. Tôi hỏi vui:

- Trang trại này anh cũng có một căn nhà để ngắm thành quả nữa chứ?

Mai Thanh Tùng cười to:

- Đương nhiên là có rồi, tí nữa mời các anh, chị xuống đó uống nước!

Dứt lời, Tùng dẫn chúng tôi lên tận đỉnh đồi ngắm trọn vẹn cảnh đẹp của trung tâm thị trấn Yên Thế và quay sang bên phải, chỉ tay xuống thung lũng đầy cam với con đường bê tông vừa cho ô tô đi, giới thiệu:

- Đó là một trong những ngôi nhà trong vườn cam của tôi.

- Cả Lục Yên và Hà Giang giờ tổng cộng trên 80 ha cam, vậy anh có tất cả bao nhiêu ngôi nhà thế này?

- Tôi cũng chả nhớ nữa vì thực ra mình xây để có chỗ đi lại thăm vườn và để anh em khi chăm sóc cam ở đó trông coi giúp luôn thôi mà.

- Vậy còn dự kiến về trang trại chăn nuôi bò ở Tô Mậu, anh tính sao?

- Theo dự kiến, công suất tối đa của trang trại khoảng 1.000 con nhưng tôi sẽ đầu tư nuôi 500 con trước đã.

Thật thú vị khi đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống ngôi nhà nhỏ xinh xắn trong vườn cam ấy. Tôi háo hức chụp ảnh vì không thể tưởng tượng nổi giữa rừng núi hoang vu lại có một ngôi nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và duyên dáng đến thế. Tham quan khắp lượt các căn phòng, từ phòng ở, phòng khách, bếp ăn, tiểu cảnh non bộ, Tùng giới thiệu: "Ngoài sảnh bên trái nhà chỗ khu bàn đá kia có thể ngồi đủ 5 mâm đấy nhà báo ạ".

Một trong những ngôi nhà thân thiện với môi trường của Mai Thanh Tùng.

Nhìn đám hoa ngũ sắc đang rực lên dưới nắng, ông chủ vườn cam phấn khởi: "Tôi đang nghiên cứu và có nhiều hôm quan sát rất kỹ loài hoa này mà không thấy con ong nào tới hút mật. Vậy, có thể chiết xuất thành một loại thuốc bảo vệ sâu cho cam từ giống hoa này không?". Anh định trở thành nhà sinh vật học nữa sao? - tôi hỏi. Mai Thanh Tùng không giấu được niềm vui: "Giờ Nhà nước quan tâm, Chính phủ ưu đãi nhiều nên đầu tư vào làm nông nghiệp chúng tôi rất yên tâm và có cảm hứng lắm".

Thật vậy, về kinh tế với ông chủ Mai Thanh Tùng có lẽ không phải bàn nữa, còn sự nhiệt tình, say mê và kinh nghiệm sản xuất trong anh hẳn đã có dư. Song, chắc chắn không riêng Mai Thanh Tùng mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Lục Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung đều tin tưởng, kỳ vọng vào tư duy đổi mới của Chính phủ, vào sự thông thoáng của các cơ chế, chính sách mà Đảng và Nhà nước đang hướng về cơ sở, ngắm tới người dân.

Đó phải chăng là ngọn lửa thổi bùng ý chí, nhiệt huyết, sự say mê, sáng tạo vốn có trong mỗi chủ thể nông thôn mới trên bước đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn? Với Mai Thanh Tùng - ngọn lửa ấy còn truyền cảm hứng cho anh hướng tới sự phát triển của một nền nông nghiệp sạch, quy mô lớn, khởi nguồn từ cây cam, con bò hôm nay để phát huy nội lực, bứt phá, vươn lên trên hành trình chinh phục nông thôn mới nơi đất Ngọc Lục Yên trong tương lai thật gần.

Lục Yên, tháng 4/2017
 Thanh Hương

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục