Bén duyên cùng đất mới
- Cập nhật: Thứ năm, 25/5/2017 | 8:05:58 AM
YBĐT - Cách đây khoảng chục năm về trước, đến thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, đến đâu cũng thấy những con đường đất lầy lội bao quanh những đồi chè xanh tốt nhưng cái nghèo vẫn bám riết lấy người dân nơi đây vì họ quá “thủy chung” với những nương chè già cỗi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở tổ dân phố 7, thị trấn Nông trường Trần Phú (bên trái) giới thiệu với cán bộ thị trấn về cách xử lý cho cam, quýt ra quả trái mùa.
|
Từ cái khó ấy, đã có những con người ở đây “ló cái khôn”, mạnh dạn đi trước, phá bỏ dần diện tích chè già cỗi trồng thay thế bằng các loại cây ăn quả có múi như: cam, quýt, bưởi, mít, chanh... Những năm đầu chỉ có một vài hộ phá chè đi để trồng cam, quýt rồi nhà nhà ở đây đều phá bỏ chè già cỗi đi để trồng cam, quýt... Họ đã trở thành những triệu phú cam, quýt xây được những ngôi biệt thự khang trang hơn, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê trù phú này.
Đứng trước sân trụ sở HĐND - UBND thị trấn Nông trường Trần Phú, đồng chí Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú giới thiệu: “Những quả đồi xung quanh trụ sở và ở 13 tổ dân phố trước đây chủ yếu là diện tích chè của nhân dân nay đã được thay thế toàn bộ bằng diện tích cam, quýt rồi. Mời các anh vào uống nước xong tôi sẽ cử một cán bộ dẫn đi tham quan các mô hình trồng cam, quýt mới hiểu được người dân ở đây đã từng gắn bó với cây chè nay gắn bó với cây cam, cây quýt như thế nào...”.
Chờ anh cán bộ dẫn đi thăm các mô hình trồng cam, quýt, tôi phóng tầm mắt ra bốn phía. Con đường nhựa chạy qua trước trụ sở UBND thị trấn là dãy phố nhà xây 2 tầng, 3 tầng khang trang, sạch đẹp, xa xa bên phải, bên trái là những tuyến đường bê tông chạy bao quanh những đồi cam, quýt xanh vút tầm mắt.
Thấp thoáng trong những vườn cam, quýt là những ngôi biệt thự mới xây... Tất cả là nhờ cây cam, cây quýt! Tôi đang mường tượng về sự thay đổi của những con người đã hơn nửa đời gắn bó với cây chè nay lại bỏ chè gắn bó với cây cam thì anh Nguyễn Mạnh Thắng - cán bộ địa chính - kinh tế thị trấn Nông trường Trần Phú lên tiếng:
- Mời các anh đi xuống tổ dân phố 8 thăm một mô hình trồng cam của một hộ còn trẻ, sau đó đến thăm một số hộ cao tuổi hơn.
Anh Thắng nhanh nhẹn nổ máy xe dẫn đường đưa chúng tôi đi thăm trang trại cam của một thanh niên tiêu biểu ở tổ 8. Từ UBND thị trấn đi theo đường nhựa ra hướng xã Thượng Bằng La, rẽ trái theo tuyến đường bê tông vào các tổ 7, tổ 8, tổ 19 tháng 5 khoảng hơn 2 km là đến trang trại cam của gia đình anh Đoàn Hồng Ngọc. Cơn mưa đêm cuối tháng 5 càng làm cho những vườn cam, quýt ở đây thêm xanh tốt. Mới đầu giờ sáng mà vợ chồng anh Ngọc khá bận rộn vì khách đến mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở cửa hàng khá đông. Thấy có khách quen đến, anh Ngọc lên tiếng:
- Anh em thông cảm ngồi uống nước chờ tôi một chút, tôi phải ghi lại số thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho cam, quýt vào sổ không sợ tý đông người lại nhầm lẫn.
- Ông chủ làm nhiều nghề thế, tiêu sao hết tiền được? - tôi đùa vui
- Gia đình kết hợp thôi các anh ạ! Lãi lời chẳng được bao nhiêu, mình cung ứng cho các hộ dân ở đây và một số xã khác phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quanh năm nhưng có hộ thu hoạch cam, quýt xong vụ vừa rồi họ đã trả hết tiền cho mình đâu - anh Ngọc đáp lời.
Giao hàng cho khách xong, anh Ngọc trở lại bàn ngồi uống nước kể cho chúng tôi nghe về chuyện cây chè, cây cam, quýt gắn bó với gia đình anh trên mảnh đất này gần nửa thế kỷ.
Vê điếu thuốc lào, rít một hơi dài, nhấp chén trà nóng anh Ngọc chậm rãi kể: “Khoảng năm 1970, ông bà nội, bố mẹ tôi lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nông trường Trần Phú, từ nhỏ được tham gia chăm sóc, hái chè, gắn bó với cây chè khá lâu. Một thời cây chè đã nuôi sống cả gia đình tôi nhưng rồi chè già cỗi, giảm giá mạnh, cuộc sống gia đình khó khăn, trông vào cây chè thì không thể giàu có được...
Năm 2007, khi chưa lấy vợ, còn ở chung với bố mẹ, tôi đã xin chuyển đổi một số diện tích chè già cỗi sang trồng cam, quýt không thể “thủy chung” với cây chè mãi được. Sau khi tham quan một số mô hình trồng cam ở địa phương và một số tỉnh, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam, tôi đã mua giống cam Đường Canh của một số hộ ở thị trấn Nông trường Trần Phú về trồng.
Sau đó tự chiết nhân giống nhân lên được khoảng 400 cây, rồi lại chiết bán cây giống cho các hộ trồng, mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng lại đầu tư mở rộng diện tích cam”.
- Thời điểm năm 2007, gia đình anh có bao nhiêu diện tích chè?
- Có 5.000 m2 và làm thêm 7.000 m2 chè khoán nhưng cũng chỉ đủ ăn thôi, làm chè không thể giàu được.
- Đến năm nào thì anh chuyển đổi hết diện tích chè sang trồng cam, quýt?
- Năm 2010, tôi lấy vợ, tiếp tục phá bỏ gần 3.000 m2 chè đi để trồng cam, quýt, mỗi năm trồng thêm vài trăm cây, đến nay, trồng được trên 2 ha rồi không còn đất để trồng nữa phải sang xã khác mua thêm đất để trồng.
- Ở thị trấn này đã có bao nhiêu hộ chuyển đổi chè sang trồng cam?
- Thị trấn hiện có trên 1.500 hộ, thì 70% số hộ dân ở đây là trồng cam, quýt. Hộ nhiều có 4 đến 5 ha, hộ ít có 2.000 m2 đến 3.000 m2, cả thị trấn có trên 500 ha cam, quýt, các hộ chuyển đổi chè sang trồng cam, đời sống được cải thiện hơn trước rất nhiều - anh Thắng - cán bộ địa chính - kinh tế thị trấn đáp lời.
Nhờ trồng cam, quýt từ năm 2010 đến 2016, mỗi năm, gia đình anh Ngọc thu 450 đến 500 triệu đồng, riêng năm 2013, anh Ngọc bán cam, quýt thu trên 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí đi lãi 900 triệu đồng. Năm 2013, anh mua đất ở tổ 8 thị trấn Nông trường Trần Phú, xây được ngôi biệt thự khang trang trên 2,2 tỷ đồng; mua sắm xe ô tô bán tải gần 1 tỷ đồng và mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cung ứng cho nhân dân các xã trong vùng.
Ngôi biệt thự của gia đình anh Đoàn Hồng Ngọc, xây dựng năm 2013 nhờ trồng cam, quýt.
Năm 2017, anh tiếp tục đầu tư trên 300 triệu đồng mua 2,7 ha đất ở xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn), thuê máy san gạt, đào hố bón phân, chuẩn bị giống để tháng 7 này trồng thêm 2,7 ha cam CS1 (cam chanh Vinh) lòng vàng, vỏ còn xanh ăn đã ngọt...
Ở thị trấn Nông trường Trần Phú, không chỉ có những thanh niên như anh Ngọc mạnh dạn phá bỏ chè đi trồng cam, quýt mà nhiều người tuổi đã ngoại lục tuần nhưng vẫn say mê với cam, quýt, chanh bưởi, mít... Điển hình như hộ ông Nguyễn Mạnh Hùng, thương binh hạng 4/4 ở tổ dân phố 7.
Năm 1989, ông Hùng từ chiến trường Bắc Lào ra quân trở về thị trấn với gia đình, tham gia làm cán bộ phụ trách lĩnh vực thương binh - xã hội ở thị trấn, rồi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Nông trường Trần Phú, làm tổ trưởng kiêm Phó Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7.
Đến năm 2014, ông Hùng nghỉ và bắt đầu bắt tay vào trồng cam, quýt, chanh, bưởi, mít... Khi chúng tôi đến nhà, ông Hùng và vợ là giáo viên nghỉ hưu đã lên trang trại chăm sóc cam, quýt từ sớm. Anh Thắng dẫn chúng tôi đi bộ khoảng gần 15 phút vượt lên quả đồi phía sau nhà đến trang trại cam của ông Hùng, mới trồng 4 ha cam, quýt đã bắt đầu khép tán và bắt đầu ra hoa, quả.
- Ai mà biết đường tìm lên tận đây thế? - ông Hùng lên tiếng.
- Cháu dẫn các anh nhà báo đến thăm trang trại của chú ạ! - anh Thắng đáp lời.
- Mời các anh ăn quả cam chanh Vinh trái mùa, tôi đang thử nghiên cứu được 2 cây cho ra quả trái mùa, sau này sẽ nhân ra nhiều hơn vì cam trái mùa mới được giá.
- Vâng cảm ơn chú! Chú trồng cam, quýt lâu chưa, sao không phun thuốc trừ cỏ cho đỡ mệt? - tôi hỏi.
- Nói về trồng cam, quýt thì từ năm 1962, khi bố, mẹ tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới lên xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) đã trồng rồi. Sau đó, chúng tôi cũng trồng được vài chục cây nhưng chỉ để ăn chơi thôi, không giàu được. Năm 2013 và 2014, tôi trồng được gần 1 ha cam Vinh, cam Đường canh, quýt sen, bưởi Diễn, mít ruột đỏ... Năm 2015, tôi phá nốt 2,8 ha chè già cỗi đi trồng cam, quýt, chanh, kết hợp với trồng khoai sọ để lấy ngắn nuôi dài.
Năm 2016, tôi đứng ra làm tổ trưởng ký hợp đồng với Công ty EViLa của Nhật ở Hà Nội để sản xuất cam sạch, có 13 hộ thị trấn tham gia, Công ty cử cán bộ đưa phân bón, chế phẩm sinh học lên hướng dẫn các hộ phun cho cam, quýt, ký cam kết không phun thuốc trừ cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác, thực hiện đúng hợp đồng Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho.
- Chú ký hợp đồng sản xuất cam sạch, Công ty EViLa lại bao tiêu sản phẩm cho thì tốt rồi, không có đến lúc được mùa lại mất giá thì gay...
Chia tay ông Hùng và anh Ngọc và những người dân chất phác ở thị trấn Nông trường Trần Phú, trong đó có nhiều người lên đây xây dựng vùng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước từ đầu những năm 60 và 70 thế kỷ trước. Đến nay, thị trấn Nông trường Trần Phú là quê hương thứ hai của họ, có gia đình đã có 3 thế hệ ở đây, có gia đình 4 thế hệ, rồi chuẩn bị 5 thế hệ đã gắn bó với mảnh đất này. Họ đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, cây chè đã gắn bó với họ cả nửa đời người nhưng những cây chè già cỗi chỉ nuôi sống được hai thế hệ, chứ không thể làm giàu và nuôi sống những thế hệ con, cháu, chắt của họ được.
Tôi thầm chúc cho những hộ dân ở đây sẽ có những vườn cam, quýt, bưởi, mít... xanh tốt, thu hoạch quả quanh năm, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên quê hương thứ hai mà ông, cha họ đã lựa chọn.
Trần Phú, tháng 5/2017
Minh Hằng – Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - Anh bảo, ở mỗi vườn cam, anh đều thiết kế riêng một ngôi nhà để tiện đi lại, ở đó, chăm sóc cam và... thưởng thức vẻ đẹp của cam cùng thành quả lao động của mình. Dân quanh vùng bảo, gia đình anh giàu lên nhờ cam. Có lúc thu ba, bốn trăm triệu đồng tiền cam bỏ vào tủ mà cả hai vợ chồng đều quên khuấy.
YBĐT - Hệ thống đường trục xã, trục thôn, địa phương đã giao các tổ chức đoàn thể cắm biển tự quản, vệ sinh vào ngày 25 hàng tháng và các nhánh đường khác thì nhân dân tiến hành tổng vệ sinh hàng tháng vào ngày 10.
YBĐT - Nhiều người sinh ra bình thường như bao người khác nhưng lại không may mắn khi trở thành tàn tật ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lại buông xuôi, phó mặc cho số phận. Từ chỗ bi quan và bế tắc, họ đã vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường. Đó là câu chuyện của anh Trần Trung Kiên và chị Nguyễn Thị Liện ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.
YBĐT - Tưởng chừng như công nghiệp, vận tải là ngành chính phát sinh ra các khí thải gây biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng thực tế, khí thải gây hiệu ứng nhà kính do nông nghiệp gây ra cũng “ngang ngửa” với công nghiệp.