Khi bưởi Diễn “bén duyên” đất Bạch Hà

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2017 | 7:17:59 AM

YBĐT - Những con đường bê tông chạy quanh xóm làng, những ngôi nhà cao tầng khang trang ẩn mình bên những vườn cây trĩu quả, bên cánh đồng lúa trải rộng, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố... là minh chứng cho sự cố gắng vươn lên làm giàu của mỗi người dân xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, đặc biệt trong việc đưa giống bưởi Diễn - loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao về trồng khắp đồi trên, bãi dưới làm cho vùng quê nghèo khó ngày nào nay đã mang diện mạo mới - một vùng quê trù phú đầy trái ngọt.

Anh Tạ Văn Lịch - người đầu tiên mang giống bưởi Diễn về trồng trên đất Bạch Hà.
Anh Tạ Văn Lịch - người đầu tiên mang giống bưởi Diễn về trồng trên đất Bạch Hà.

Người đưa bưởi Diễn "bén duyên”

Đi giữa vườn bưởi của gia đình anh Tạ Văn Lịch, thôn Hồ Sen - người đầu tiên mang giống bưởi Diễn về với đất Bạch Hà từ năm 2000 ngắm nhìn những trái bưởi lúc lỉu, sai trĩu trịt trên cành rồi hít hà hương thơm ngan ngát, chúng tôi cảm nhận một mùa sung túc nữa đang về với người dân trồng bưởi ở đất này. Sinh ra và lớn lên ở huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội, năm 1976 anh theo gia đình lên làm kinh tế mới ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình. Sau bao năm quẩn quanh với cây lúa, con gà, con lợn nhưng đời sống luôn khó khăn. Trở về quê hương thấy người dân trồng bưởi Diễn - loại cây đặc sản của làng Diễn cho hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng bưởi và mang về xã Bạch Hà trồng thử nghiệm 20 gốc.
 
Anh Lịch bảo: "Như là cái duyên với bưởi vậy. Từ khi trồng thử nghiệm tôi lúc nào cũng chỉ thích ở vườn để ngắm cây, chăm sóc đúng với quy trình đã học hỏi của những người có nhiều năm kinh nghiệm. Sau 4 năm, bưởi ra hoa rồi kết quả, những trái bưởi chín vàng đầu tiên tôi đã mang biếu bà con làng xóm ăn thử và ai cũng khen ngon, ngọt mát, vị đậm, không khác gì bưởi trồng trên đất làng Diễn”.
 
Thấy bưởi hợp chất đất, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục cải tạo diện tích đất soi bãi trồng màu, lúa của gia đình để nhân rộng giống bưởi. Năm 2005, anh đã thu được 16 triệu đồng từ vườn bưởi và đến năm 2006 con số đó đã tăng lên 43 triệu đồng. Từ đây anh đã nhân rộng và đến nay vườn bưởi đã lên tới trên 300 gốc. Mỗi năm vườn bưởi mang về cho gia đình anh trung bình 120 triệu đồng.
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây được trồng thành hàng lối, cây nào cũng to, tán xòe ra, anh Lịch đã giới thiệu từng năm trồng của cây, số quả thu hoạch bằng tất cả niềm say mê với cây bưởi Diễn: "Qua 17 năm trồng bưởi Diễn tôi nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.
 
Quả bưởi Diễn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ vàng, chất lượng ngon, chín vào dịp Tết Nguyên đán, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng - giá trị của bưởi Diễn là ở chỗ đó nên được thị trường rất ưa chuộng. Dự kiến năm 2017 này, gia đình tôi sẽ thu được từ 180 - 200 triệu đồng từ vườn bưởi”.
 
Cây làm giàu chủ lực của người dân Bạch Hà

Thành công trong việc đưa giống bưởi Diễn về trồng trên đất Bạch Hà không chỉ giúp anh Lịch có được thu nhập ổn định mà còn mở ra cho bà con trong xã một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương. Có cây giống khỏe, ít sâu bệnh, anh đã trở thành nhà cung cấp giống cho nông dân trong xã, trong huyện.
 
Cùng với việc chiết cành nhân giống, anh đã nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi Diễn cho bà con nông dân. Thấy cây bưởi Diễn hợp đất, hợp khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Bạch Hà đã quy hoạch lại diện tích trồng bưởi, đồng thời vận động bà con nhân dân tận dụng các diện tích đất phù hợp để đưa bưởi vào trồng theo hướng hàng hóa. Đến nay, nhiều hộ trong xã có vườn bưởi với diện tích lớn đã cho thu hoạch và trở thành cây làm giàu của gia đình, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
 
Thấy hiệu quả rõ rệt từ cây bưởi Diễn mang lại, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Hồ Sen cũng bắt đầu trồng thử nghiệm 40 gốc bưởi. Vụ đầu tiên đã cho những trái bưởi ngọt mát, căng mọng, thơm ngon là động lực để gia đình bà tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi lên 240 gốc. Bà Hằng chia sẻ: "Cây bưởi Diễn trồng đến năm thứ 4 là cho thu hoạch. Chịu khó tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cây bưởi của gia đình tôi phát triển tốt, sai quả và hứa hẹn cuối năm nay sẽ cho thu hoạch cao”.
 
"Bây giờ bưởi vẫn còn xanh, nếu nhà báo về tầm tháng 11 âm thì chỉ cần đến đầu làng thôi là đã thấy mùi thơm ngan ngát và lúc đó là lúc những trái bưởi chín vàng ruộm, lúc lỉu trên cây, nhìn mê lắm và chất lượng ngon hảo hạng” - sự phấn khởi hiện hữu trên khuôn mặt của những người dân trồng bưởi khi thành quả của họ được đơm hoa, kết trái.

 
 
Chị Nguyễn Thị Hằng giới thiệu ưu điểm của cây bưởi Diễn trồng trên đất Bạch Hà.

Với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh lại cho giá trị kinh tế cao nên đến hộ gia đình nào ở Bạch Hà vào thời điểm này cũng dễ dàng được ngắm nhìn những trái bưởi sai lúc lỉu, điểm tô cho nông thôn mới Bạch Hà thêm sắc màu của sự sung túc. Diện tích bưởi ở đây liên tục được nhân lên theo từng năm, nhiều hộ giàu lên, xây nhà khang trang nhờ cây bưởi. Toàn xã hiện có trên 400 hộ trồng cây ăn quả trên diện tích trên 75 ha, trong đó tập trung nhiều ở các thôn Hồ Sen 12,23 ha; Gò Chùa 12,5 ha; Ngòi Giàng 10.45 ha; Hàm Rồng 9,12 ha; Làng Minh gần 9 ha...
 
Vào vụ thu hoạch bưởi, xe tải của thương lái ở khắp nơi lại đến với Bạch Hà để thu mua. Cứ 1 ha trồng được khoảng 240 gốc bưởi, giống bưởi Diễn từ 5 năm trở lên trung bình có trên 100 quả, với giá thị trường hiện nay khoảng 18.000 đồng/quả thì mỗi ha cho thu tiền trăm triệu không phải khó. Bởi vậy, số gia đình có thu nhập tính đến hàng trăm triệu đồng từ bưởi của Bạch Hà đã lên tới hàng chục hộ. Và như thế, trên mảnh đất nghèo khó ngày nào nay mọc lên san sát những ngôi nhà cao tầng là chuyện không có gì lạ!

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Bạch Hà được huyện Yên Bình chọn là một trong những địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh. Đề án đã thu hút sự tham gia của 30 hộ dân trong xã với tổng diện tích trên 16 ha. Tham gia Đề án phát triển cây ăn quả có múi của huyện, các gia đình đã được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi của huyện.
 
Nói về chủ trương khuyến khích phát triển mô hình trồng bưởi, ông Phạm Đình Huân - Bí thư Đảng ủy xã Bạch Hà, huyện Yên Bình cho biết: "Sau nhiều năm trồng cho thấy bưởi Diễn cho hiệu quả cao gấp 3 lần so với cây lúa nên chúng tôi xác định đưa cây bưởi trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Bạch Hà lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng cây ăn quả của xã sẽ lên tới 100 ha, trong đó bưởi Diễn vẫn là cây trồng chủ lực được địa phương nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển ồ ạt không kiểm soát được chất lượng, chúng tôi cũng giám sát chặt chẽ diện tích quy hoạch cây bưởi, khi tăng diện tích trồng bưởi thì phải đảm bảo theo kế hoạch cụ thể để phát triển bền vững. Đồng thời, xã đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện chính sách hỗ trợ, tập trung vào tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân trồng bưởi để cây bưởi Diễn thực sự mang lại hiệu quả cho người dân”.

Người dân Bạch Hà đang đi đúng hướng khi những năm gần đây, bưởi Diễn luôn đắt hàng và giá bán giữ ổn định. Với sự quan tâm của địa phương, tin rằng, cây bưởi Diễn sẽ là một trong những loại cây trồng chủ lực giúp người dân vùng Đông Hồ Thác Bà làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình và là cây trồng góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Yên Bình.

Thanh Chi – Hoài Văn

Các tin khác
Từ xây dựng thành công xã nông thôn mới, người dân xã Tuy Lộc được hưởng lợi từ những tuyến đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp.

YBDT - Đó là suy nghĩ chung đặc biệt ấn tượng của 584 hội viên Hội Người cao tuổi xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái để biến thành hành động của các cụ trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo xã Việt Thành, huyện Trấn Yên kiểm tra quá trình tạo kén tằm.

YBĐT- Ở huyện Trấn Yên, cây dâu tằm có mặt tại gần 10 xã nhưng nhiều hơn, tập trung hơn vẫn là Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng. 

Gia cầm được giết mổ ngay tại Chợ nông sản Mường Lò.

YBĐT - Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 720 hộ tham gia giết mổ (điểm giết mổ) nhỏ lẻ nằm phân tán xen kẽ trong khu dân cư và đa phần không có hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh. Công tác kiểm soát giết mổ động vật không thể thực hiện được theo quy trình. 

Mô hình nuôi thỏ New Zealand tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn 1/3 số HTX hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đã ngừng hoạt động. Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay chỉ mới dừng lại ở khâu cung ứng dịch vụ đầu vào cho xã viên, còn hoạt động bao tiêu sản phẩm tại chỗ gần như bỏ ngỏ. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục