Vùng quê đầy tiềm năng
Đến Mù Cang Chải, chúng tôi được đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu đến thăm "Hello Mù Cang Chải" - mô hình du lịch cộng đồng (homestay) của vợ chồng Giàng A Dê, xã La Pán Tẩn. Giàng A Dê đón chúng tôi ở cửa nhà trên đỉnh quả đồi, với nụ cười tươi, cùng người vợ là Vàng Thị Lỳ (SN 1992) nâng chén nước trên khay mời chúng tôi.Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết anh là người dân tộc Mông (SN 1989), sinh ra và lớn lên ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
"Quê em nghèo khó, ước mơ của em là làm sao quê hương mình hết đói nghèo, người dân nơi đây có việc làm, đời sống no đủ, con em được đi học…” Giàng A Dê chia sẻ. Nhìn sang người vợ trẻ - Giàng A Dê tiếp tục câu chuyện, anh cho biết hai vợ chồng cùng học Trường Đại học kinh tế Thái Nguyên. Anh học đại học, vợ học cao đẳng. Học ra trường, anh làm việc tại chi nhánh Viettel Mù Cang Chải; vợ làm kế toán nhà khách Suối mơ tại UBND huyện Mù Cang Chải.
Tuy nhiên công việc bấp bênh, thu nhập không cao, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn, điều đó làm anh trăn trở rất nhiều và có ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình với tiềm năng du lịch rất lớn. Bởi chỉ cần nói đến Mù Cang Chải, trong đó có La Pán Tẩn là người ta nghĩ ngay tới những kiệt tác ruộng bậc thang đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng ở điểm cao này, nơi của đất trời giao hòa.
Với cảnh đẹp say đắm lòng người, năm 2007, ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn cùng với Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia. Đây được coi là cơ sở tiền đề quan trọng để người dân xã La Pán Tẩn thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế, đó là khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra các dịch vụ phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch cộng đồng (homestay).
Giàng A Dê kể, ước mơ làm du lịch homestay của anh là tình cờ, cơ duyên một lần gặp được người nhà có nói chuyện và giới thiệu việc làm du lịch homestay. Điều đó đã gợi cho anh sự phấn khích, tò mò và quyết tâm theo học. Anh đã bắt đầu có ý thức học từ cách nấu ăn, giao tiếp với khách, tổ chức tour…và càng làm anh lại càng đam mê với cách làm du lịch homestay.
Hello Mù Cang Chải!
Quyết định làm du lịch homestay, Giàng A Dê đã thuyết phục vợ ủng hộ. Cuối năm 2017, anh nghỉ việc ở Viettel để toàn tâm, toàn ý cho việc hiện thực hóa ước mơ của mình. Và "Hello Mù Cang Chải" của vợ chồng Giàng A Dê ra đời ngay trên đỉnh đồi ở độ cao trên 1.000m. Với địa thế này, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn La Pán Tẩn, một kiệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, hùng vĩ với những ruộng bậc thang lên đến tận trời cao và được tận hưởng không khí trong lành của trời đất giao hòa; thấy được cuộc sống của người dân chồng cày vợ cấy, trẻ em tung tăng đến trường... - một khung cảnh nhộn nhịp vùng cao.
Đường lên "Hello Mù Cang Chải"
"Hello Mù Cang Chải” như một niềm tự hào, kiêu hãnh của chàng trai người Mông nơi cùng trời cuối đất này. Quyết định lập nghiệp xây dựng homestay ngay trên mảnh đất quê hương, khó khăn trăm bề nhưng trong anh luôn vững tin và thầm nhủ mình sẽ làm được.
Vợ chồng Giàng A Dê tâm sự, ngày đầu mọi thứ vô cùng khó khăn, trước hết là huy động vốn, vay mượn cả hai bên nội, ngoại, người thân và vay ngân hàng… được hơn 500 triệu đồng cho khởi nghiệp "Hello Mù Cang Chải".
Giàng A Dê tâm sự: "Người dân quê em nghèo lắm, gia đình em cũng không ngoại lệ, nên cũng phải xoay sở nhiều. Ngay như con đường bê tông lên nhà trên đỉnh đồi dài khoảng 200m cũng do vợ chồng anh tự làm, xi măng mất khoảng 2 tấn, cát sỏi mua, riêng đổ bê tông hai vợ chồng tự làm lấy mất 15 ngày. "Làm xong đoạn đường này, hai vợ chồng người đen nhẻm, gầy hốc hác, nhưng em nghĩ cái gì mình tự làm được mình phải cố gắng làm”, Giàng A Dê chia sẻ.
Lúc đầu làm du lịch homestay là thách thức không phải ai cũng biết, cũng hiểu nơi vùng cao người Mông ở La Pán Tẩn, bởi tập quán lạc hậu, số người biết tiếng Kinh đếm trên đầu ngón tay. Biết được điều đó, anh đã kiên trì vận động, thuyết phục người dân của bản cùng tham gia, vì người Mông vốn bản chất thật thà và chất phác, cần cù chịu khó, thì chỉ cần ưng cái bụng, sống tình nghĩa với đồng bào là họ tin theo.
Giàng A Dê cho rằng: "Phát triển dịch vụ là phải gắn với cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Mông như "ba cùng” thì mới đúng nghĩa của du lịch cộng đồng bền vững. Không cái gì tự nhiên mà biết hết được, phải vừa làm vừa học, cái gì không rõ thì hỏi, học từ du khách, học trên Internet”.
Giàng A Dê kể: "Có lần khách gọi mình xuống thị trấn đón lên ở nhà mình, mình lúng túng nhiều thứ không biết làm. Nhưng dần dần ở với họ, họ đã dạy mình cách nấu những món ăn của người nước ngoài, dạy mình tiếng Anh - họ chính là người thầy của mình, mình rất vui được họ chia sẻ, giúp đỡ”.
Hành trình khởi nghiệp homestay đầy khó khăn, Giàng A Dê cho biết: ngoài tiền bạc ra còn ngôn ngữ giao tiếp là thách thức lớn. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, khách nước ngoài đến Mù Cang Chải ngày một đông hơn và La Pán Tẩn không là ngoại lệ, cho nên để giao tiếp được với họ là điều rất quan trọng quyết định sự thành, bại của "Hello Mù Cang Chải". Nhận thức rõ điều này, vợ chồng anh đã bàn bạc với nhau và đi đến thống nhất, anh ở nhà sắp xếp công việc của "Hello Mù Cang Chải", vừa làm vừa học, tiếp tục cải tạo, tu sửa cảnh quan, vận hành "Hello Mù Cang Chải".
Còn chị ngược Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng với mục đích chính là học bằng được tiếng Anh. Sau gần 6 tháng ở Sa Pa, chị Vàng Thị Lỳ đã có vốn giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Đây được cho là quyết định đúng và sáng suốt, đầy nghị lực, rất đáng khâm phục.
Giàng A Dê chia sẻ, "Hello Mù Cang Chải" đi vào hoạt động có nhiều kỷ niệm như: Khách du lịch nước ngoài đến họ nấu ăn, dạy tiếng Anh cho bà con dân bản, đi suối bắt cá, xuống ruộng cày, cấy mạ… Anh cho rằng phải làm homestay đúng nghĩa và giữ chữ tín, có như vậy mới được nhiều người ủng hộ, tin tưởng vì họ thấy có lợi từ du lịch. Có điều đặc biệt nữa là ngoài lớp tiếng Anh do anh chị đảm nhiệm miễn phí cho trẻ con ở La Pán Tẩn, thì lớp tiếng Anh này còn có cả thầy, cô giáo đến từ đủ mọi quốc tịch trên thế giới.
Lớp tiếng Anh này có thầy giáo "Tây" tham gia giảng dạy.
Sau hơn hai năm hoạt động, những đoàn khách cứ thế lần lượt kéo đến, trong đó có 70%-80% là người nước ngoài. Vào mùa lúa chín, mùa nước đổ, "Hello Mù Cang Chải" của vợ chồng anh luôn trong tình trạng "cháy phòng”. Nhìn vào sổ đăng ký khách hiện nay đã đặt tour đến tháng 10/2019.
Nghe đến đây tôi thầm khâm phục vợ chồng Giàng A Dê, chàng trai người Mông về ý chí và nghị lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm ở vùng cao còn nhiều khó khăn.
Khẳng định thêm thành công bước đầu của "Hello Mù Cang Chải", đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Hello Mù Cang Chải" của vợ chồng Giàng A Dê làm ăn tốt, được bà con nơi đây rất ủng hộ. Năm 2018, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Mù Cang Chải, Giàng A Dê báo cáo thành tích với chủ đề thanh niên khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng homestay được mọi người đánh giá cao và anh được Huyện ủy tặng Giấy khen về gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn huyện.
Chia tay vợ chồng Giàng A Dê – Vàng Thị Lỳ, chia tay La Pán Tẩn, trong tôi cứ nghĩ mãi và rất cảm xúc về chàng trai người Mông này, dám thay đổi, và không phải ở đâu xa mà ngay chính trên quê hương; giúp người dân quê mình có việc làm, thêm thu nhập, thoát đói nghèo.
(Theo dangcongsan.vn)