Văn Yên sôi nổi phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2024 | 8:23:57 AM

YênBái - Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Văn Yên đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Yên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Yên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao.


Kể từ khi xã Phong Dụ Thượng triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Ngô Văn Mầng ở thôn Bản Lùng đã lựa chọn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trồng quế, cấy lúa nước, nuôi vịt cổ xanh và nuôi cá nước ngọt. Trong quá trình thực hiện, ông Mầng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ, cho tham quan, học hỏi và tiếp cận các mô hình kinh tế mới, hiệu quả, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình đã phát triển ổn định, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Ông Mầng chia sẻ: "Thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã nỗ lực, cố gắng cùng với bà con trong thôn bản tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Cái đói cái nghèo trước đây giờ đã phải lùi bước”. 

Với bản tính cần cù, không ngừng học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm trong sản xuất, thời gian qua, đồng bào DTTS huyện Văn Yên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện Văn Yên có 9 hợp tác xã, doanh nghiệp do người DTTS làm chủ, điển hình như: HTX Nông nghiệp và Du lịch xã Nà Hẩu của anh Đặng Văn Chính, xã Nà Hẩu; Công ty TNHH An Hậu chuyên sơ chế, chế biển các sản phẩm quế, hồi, nghệ của anh Đặng Văn Giới, thôn Khe Dẹt, xã Tân Hợp; Công ty TNHH sản xuất nông sản, sơ chế, chế biến các sản phẩm quế, hồi, thảo quả của anh Nông Văn Thành, thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông… 

Không chỉ gương mẫu làm kinh tế giỏi, nhiều cá nhân đồng bào DTTS còn tích cực tuyên truyền, vận động giúp đỡ bà con nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bằng các hình thức hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, cho vay vốn không lấy lãi. Điển hình như: ông Bàn Phúc Định, xã Xuân Tầm; ông Hoàng Văn On, xã Châu Quế Hạ; chị Hà Hồng Lĩnh, xã Xuân Ái; anh Bàn Văn Hoan, xã An Thịnh; anh Hoàng Văn Tâm, xã Yên Thái… 

Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng nâng lên đã tạo điều kiện để đồng bào DTTS tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các phong trào, hoạt động ở địa phương phát triển về mọi mặt. 

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới trong năm nay, thực hiện phong trào "Dịch rào, hiến đất", nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn vẫn tham gia nhiệt tình, sẵn sàng đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất, hoa màu, phá bỏ vật kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, làm sân chơi thể thao… 

Bà Cư Thị Chinh ở thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng cho biết: "Khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động mở tuyến đường dân sinh từ nối liền 2 xã Viễn Sơn và Mỏ Vàng, đồng bào Dao chúng tôi đã tự nguyện viết đơn, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, trên 11 nghìn cây quế từ 10 - 15 năm tuổi để mở đường phong quang, sạch đẹp. Có con đường, đời sống của bà con đã được cải thiện, việc đi lại, giao thương hàng hoá dễ dàng hơn, tạo điều tiện để chúng tôi vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”.

Cùng với thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đồng bào DTTS huyện Văn Yên còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều cá nhân là đồng bào DTTS trong huyện tâm huyết với việc lưu giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS Văn Yên vẫn được duy trì, tổ chức hàng năm ở các địa phương như: Lễ hội đền Đông Cuông, lễ hội Lồng Tồng, Tết rừng, Lễ hội ẩm thực... góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. 

Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết: "Để tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đổi mới, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tập trung giải quyết tốt chính sách lao động và chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS; quan tâm đầu tư phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS…”.

Thu Trang

Tags Văn Yên thi đua yêu nước dân tộc thiểu số nông thôn mới hạnh phúc giao thông nông thôn

Các tin khác
Người có uy tín trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia phát triển kinh tế.

Toàn huyện Mù Cang Chải có 97 người có uy tín. Đội ngũ này đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đẩy mạnh Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế, vật chất, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS.

Đến nay, 100% số xã của Yên Bái có đường giao thông nông thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm, giúp người dân thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên dành 91.281,5 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lục Yên phát triển mô hình trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao.

Những năm qua, huyện Lục Yên đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư như: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vật tư nông nghiệp, cây, con giống; xây dựng nông thôn mới (XDNTM)… để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục