Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương được đa phần dư luận ủng hộ nhưng tinh gọn thế nào, tinh giản những ai?... đang là câu chuyện được rất nhiều người quan tâm tại thời điểm này, nhất là các đơn vị nằm trong danh sách phải sáp nhập, kết thúc hoạt động.
Phải giữ chân người tài
Tại cuộc họp báo chiều 7/12, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, chủ trương này cần tập trung vào việc sắp xếp con người và phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh nhằm đảm bảo mục tiêu vừa tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ, vừa bảo đảm tính ổn định của bộ máy để phát triển. Đồng thời, phải quan tâm đến tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ công chức, viên chức.
Theo đó, chính sách này được triển khai phải đảm bảo một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu của bộ máy mới sau khi sắp xếp. Tinh thần là sẽ ưu tiên bố trí sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội, những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác, có bề dày, uy tín nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn, kiến thức về ngành và lĩnh vực đặc biệt, đặc thù để giữ chân người tài.
"Cần có cơ chế giải quyết các cán bộ công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác, không nằm trong cơ quan Nhà nước. Song phải có cơ chế "giữ chân" người tài, qua đó đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ. Do đó, chính sách phải đặt ra được các vấn đề căn cơ, đánh giá đúng tác động, từ đó có cơ sở chính trị, pháp lý để thực hiện sắp xếp", ông Minh nhấn mạnh.
Giải quyết hợp tình, hợp lý người lao động dôi dư
Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế lần này sẽ có một lượng lớn người lao động dôi dư. Vậy cơ quan chức năng giải quyết bài toán này như thế nào?
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn tới xã hội và đòi hỏi phải làm rất nhanh nên Bộ Nội Vụ đang tiến hành lên dự thảo nghị định này, đồng thời khẩn trương đánh giá tác động nhiều chiều, kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Để có cơ sở tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Trung ương, Ban chỉ đạo của Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp tinh giản đội ngũ cán bộ công chức.
Quá trình sắp xếp phải bảo đảm nguyên tắc "sự đồng thuận của 2 bên". Tức là cán bộ, công chức có nhu cầu nghỉ theo chính sách sẽ phải có nguyện vọng và được đồng thuận, thống nhất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
"Thực tế, có trường hợp người có trình độ, có năng lực nhưng họ thấy thời gian công tác còn lại ngắn, có thể thấy khoản tài chính theo chế độ nghỉ sớm có lợi hơn, hấp dẫn hơn thì họ có thể xin nghỉ và ra ngoài làm được nhiều công việc khác. Do vậy, phải tính toán căn cơ, bài bản, phải đặt mục tiêu tinh gọn được bộ máy, tái cấu trúc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức", ông Minh nói.
Được biết, Bộ Nội vụ hiện đã có dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái cử bổ nhiệm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, lao động nghỉ hưu trước tuổi. Dự thảo này đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo đó, lao động nếu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 20 năm trở lên, nếu nghỉ hưu sớm sẽ được hưởng nguyên lương hưu; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho tổng số 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội..
PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên giảng viên Đại học Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, đây là chính sách rất nhân văn, rất đúng và để thỏa mãn cho cả người lao động cũng như biên chế nhà nước, vì nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề thừa biên chế, vấn đề phình to bộ máy, tinh giản bộ máy.
Vì vậy, vòng luẩn quẩn về tinh giản biên chế cũng như vấn đề tăng biên chế sẽ khó có khả năng giải quyết được.
"Tôi cho rằng, đây chính là cách giải quyết bước đầu, nút thắt để cho biên chế thừa sẵn sàng nghỉ hưu"- ông Thọ nêu quan điểm.
Cũng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, mấu chốt là tìm ra nguồn chi phí để Nhà nước có thể sẵn sàng sử dụng nguồn kinh phí để hỗ trợ cho những người lao động có thể cho người ta nghỉ nếu thấy rằng thực sự thừa so với yêu cầu của Nhà nước và không đủ năng lực khi làm việc. Vì thế, ông Thọ đề xuất, Nhà nước có thể tìm ra nguồn ngân sách để có thể dự phòng, có thể giải quyết được ngay số biên chế thừa, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng về lực lượng lao động.
Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra vào tháng 2/2025.
(Theo VOV)