Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chuyển biến từ cải cách bộ máy hành chính
- Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2017 | 8:06:40 AM
YBĐT - Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đã giải thể 2 đơn vị sự nghiệp, 4 trạm giống cây trồng tại các huyện và chuyển đổi sang cơ chế tự chủ 6 đơn vị trạm, trại.
Cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn đồng bào vùng cao trồng rau màu vụ đông.
|
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách về cải cách tổ chức bộ máy của ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động song quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn.
Cụ thể là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị giải thể, sáp nhập gặp khó khăn khi bố trí về đơn vị khác do chuyên môn không phù hợp; do giải thể đơn vị, một số cán bộ, viên chức điều động công tác tại các huyện lại vướng mắc vì gia đình đã ổn định; quá trình hợp nhất, sáp nhập các đơn vị, phòng, ban khó khăn trong bố trí số lãnh đạo dôi dư (theo quy định chỉ 1 trưởng, 2 phó).
Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp chưa chủ động chuyển đổi phương án sản xuất, kinh doanh nên hạn chế trong tự chủ tài chính; trụ sở và điều kiện làm việc của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu làm việc trước mắt...
Chính vì vậy, Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về cải cách tổ chức bộ máy và mục tiêu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở và các đơn vị theo hướng tinh gọn, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế của tỉnh, của ngành.
Sở đã tổ chức quán triệt tại các hội nghị và ban hành trên 30 văn bản các loại để chỉ đạo, hướng dẫn, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ tới từng phòng, từng đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy của ngành.
Cùng với tiến hành rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, từng đơn vị trực thuộc để không có sự chồng chéo, trùng lắp, Sở đã chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ, bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đều có việc làm, không ảnh hưởng, xáo trộn đến chuyên môn.
Đến nay, số phòng chuyên môn thuộc Sở đã thu gọn còn 4 phòng là: Văn phòng Sở, Kế hoạch, Tài chính, Nghiệp vụ chuyên ngành. Các chi cục trực thuộc gồm: Kiểm lâm, Phát triển nông thôn, Thủy lợi, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Thủy sản, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y.
Trên cơ sở các đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành và các đơn vị được phê duyệt, Sở đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-SNN quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các phòng thuộc Sở. Toàn ngành đã giải thể 2 đơn vị sự nghiệp, 4 trạm giống cây trồng tại các huyện và chuyển đổi sang cơ chế tự chủ 6 đơn vị trạm, trại.
Sau khi sắp xếp, kiện toàn, tổng biên chế của ngành giảm 123 chỉ tiêu, trong đó biên chế công chức giảm 31 chỉ tiêu (còn 458 người), biên chế sự nghiệp giảm 91 chỉ tiêu (còn 236 người). Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 7/9/2015 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108 của Chính phủ, trên cơ sở rà soát các đối tượng tinh giản biên chế, Sở đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021.
Theo đó, giai đoạn này, có 163 người nghỉ hưu đúng tuổi và nằm trong diện tinh giản biên chế. Riêng năm 2015, 2016 đã có 65 người thôi việc, nghỉ hưu đúng tuổi, tinh giản biên chế 19 người; phấn đấu đến năm 2021, ngành dự kiến thực hiện giảm được 10% biên chế so với năm 2015.
Đáng chú ý là quá trình triển khai đề án, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế đã giúp cho ngành kịp thời điều chỉnh, xử lý một số tồn tại, hạn chế bất cập về tổ chức, bộ máy biên chế, chức năng, nhiệm vụ của phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc.
Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công vụ, công chức nâng lên, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nâng cao. Tuyển dụng, quy hoạch bổ nhiệm mới đều bảo đảm đạt chuẩn theo quy định; công tác đánh giá, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở nhận thấy còn có những tồn tại, hạn chế, trong đó năng lực công tác ở một số vị trí cán bộ chưa cao; có những khó khăn khi xác định vị trí việc làm do thiếu đồng bộ trong các văn bản quy định vị trí việc làm trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập như: ban quản lý rừng, lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, khuyến nông...
Để nâng cao hiệu quả mục tiêu của công tác cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cùng với tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và kinh phí cho ngành và các đơn vị thực hiện cải cách hành chính, tỉnh cần rà soát, đánh giá nhiệm vụ của từng sở, ngành để điều chỉnh việc giao biên chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, ngành cũng cần được tuyển dụng để bổ sung vào các vị trí việc làm còn thiếu để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn những năm tiếp theo.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Sau khi thực hiện xây dựng, sắp xếp, kiện toàn theo quy định của Chính phủ, đến nay, huyện Văn Yên có 13 phòng chuyên môn trực thuộc UBND và 65 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 27 đầu mối so với năm 2015).
YBĐT - Ngành thuế đã công khai 300 thủ tục hành chính (TTHC) được chuẩn hóa trong lĩnh vực quản lý thuế, trong đó 12 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thuế, 165 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế tỉnh và 123 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của chi cục thuế.
YBĐT - Để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), những năm qua, đặc biệt là trong năm 2016, một trong những nội dung thành phố Yên Bái quan tâm chỉ đạo thực hiện là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cụ thể là việc nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
YBĐT - Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của công chức đối với 6 thủ tục là từ 74,3% - 87,2%, trong đó thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tỷ lệ thấp nhất là 74,3% và thủ tục cấp Giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ cao nhất là 87,2%.