Yên Bái: Góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/8/2017 | 8:18:38 AM

YBĐT - Với mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngày 4/5/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38 về cải cách một bước TTHC mà mục tiêu quan trọng là hướng đến việc giải quyết tốt hơn các công việc của công dân, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ phận một cửa Sở Tư pháp luôn bảo đảm phục vụ trên 100 lượt người dân đến giao dịch mỗi tháng. (Ảnh: Thanh Hương)
Bộ phận một cửa Sở Tư pháp luôn bảo đảm phục vụ trên 100 lượt người dân đến giao dịch mỗi tháng. (Ảnh: Thanh Hương)

Yêu cầu của Nghị quyết là "nhằm tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức xã hội và giữa cơ quan Nhà nước với công dân".
 
Cùng với yêu cầu phát triển và hội nhập, cải cách TTHC ở nước ta từng bước được định hình về nội dung, phương hướng triển khai với những bước đi, cách làm nhằm bảo đảm bộ máy hành chính phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 10/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi là Đề án 30), đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 của Chính phủ, với mục tiêu nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC; tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện TTHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng chống tham nhũng và lãng phí. Đề án 30 khẳng định quyết tâm của Chính phủ tiến hành cải cách hành chính Nhà nước, là điểm nhấn để cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước có lòng tin vào công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Một vấn đề được người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm là làm sao tránh tình trạng vừa cắt giảm những thủ tục không cần thiết vừa tránh phát sinh các thủ tục mới. Vấn đề này trước hết nằm ở việc thay đổi nhận thức của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng.
 
Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là "Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển”, điều này có nghĩa là cơ quan hành chính các cấp cần có một tư duy mới về mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường; trở thành xúc tác cho sự phát triển, tạo điều kiện phát huy mọi nguồn lực xã hội, tư duy đó sẽ giúp hạn chế việc can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của thị trường, của xã hội bằng các biện pháp hành chính, điển hình là các TTHC mang tính chất xin cho, hạn chế, vốn chỉ có tác dụng trong ngắn hạn nhưng không bền vững và kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Những năm qua, lãnh đạo, tập thể cán bộ, công chức, viên chức cũng như các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái đã rất quan tâm đến công tác cải cách TTHC nói chung và các TTHC liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
 
Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho tỉnh ban hành các kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát TTHC triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác kiểm soát TTHC, thường xuyên phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện rà soát, hệ thống, bổ sung các bộ phận tạo thành của TTHC theo quy định đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nên các nhiệm vụ của kiểm soát TTHC được triển khai toàn diện, kịp thời đạt kết quả tốt.

Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015, ngày 29/6/2015, Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Cho đến thời điểm này, UBND tỉnh đã ban hành 41 quyết định công bố chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung, TTHC mới ban hành, với tổng số 1.828 TTHC. Tổng số TTHC hiện có đến thời điểm hiện tại của 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành 41 quyết định công bố là 1.565 TTHC; trong đó, cấp tỉnh 1.213 TTHC; cấp huyện 250 TTHC; cấp xã: 95 TTHC; áp dụng liên thông 7 TTHC (Sở Công Thương 5 TTHC, cấp xã tư pháp 2 TTHC).

Để công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, rất cần sự vào cuộc cùng chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân.

Hồng Thanh

Các tin khác

Theo Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, một số thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được đơn giản hóa.

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

YBĐt - UBND huyện Mù Cang Chải đã thành lập Ban Tiếp công dân huyện, bổ nhiệm Trưởng ban Tiếp công dân và công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên theo đúng quy định, bố trí phòng tiếp dân và trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp công dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.

Chiều 16-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục