Yên Bái: Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/11/2017 | 8:14:22 AM

YBĐT - Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được triển khai hầu hết tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 180/180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. 

Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái luôn đi đầu trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhờ sự thuận lợi về các thủ tục hành chính. (Trong ảnh: Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan một dây chuyền chế biến sắn của Công ty được đầu tư hàng chục tỷ đồng).
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái luôn đi đầu trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhờ sự thuận lợi về các thủ tục hành chính. (Trong ảnh: Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan một dây chuyền chế biến sắn của Công ty được đầu tư hàng chục tỷ đồng).

Để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), khắc phục những nhược điểm trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), ngày 29/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3173/QĐ-UBND về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Sở Nội vụ có Công văn số 83/SNV-CCHC ngày 3/2/2016 hướng dẫn việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các địa phương.

Qua quá trình triển khai, đến nay, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được triển khai hầu hết tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 180/180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các cơ quan trung ương như: Cục Thuế; Bảo hiểm xã hội; Hải quan; Kho bạc Nhà nước tỉnh được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương.



Cán bộ xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn giải quyết công việc cho người dân.

Từ triển khai một cửa, một cửa liên thông, hiệu quả giải quyết công việc đã tăng khi tỷ lệ số TTHC đúng hẹn đã tăng lên, trễ hẹn giảm đi. Điều này có nghĩa niềm tin vào bộ máy chính quyền tăng lên khi người dân và doanh nghiệp đã giảm thời gian, chi phí và phiền hà khi giải quyết công việc. Kết quả này được thể hiện rõ qua kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2016 vừa được UBND tỉnh công bố. 

Cụ thể, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ: quyền sử dụng đất 70%, chứng thực 74,7%, xây dựng nhà ở 75,1%, chứng minh nhân dân 88,9%, khai sinh 89%, kết hôn 95,5%. Chỉ số hài lòng về TTHC: quyền sử dụng đất 67,8%, xây dựng nhà ở 77%, chứng thực 86,8%, chứng minh nhân dân 87,6%, khai sinh 89%, kết hôn 92,7%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của công chức: quyền sử dụng đất 73,5%, xây dựng nhà ở 76,2%, khai sinh 77,4%, chứng thực 85,8%, chứng minh nhân dân 86,2%, kết hôn 91,8%. 

Chỉ số hài lòng về kết quả giải quyết TTHC: quyền sử dụng đất 71,7%, xây dựng nhà ở 76,3%, chứng minh nhân dân 85,6%, chứng thực 81,7%; kết hôn 96,6%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính: quyền sử dụng đất 72,2%, xây dựng nhà ở 78%, chứng minh nhân dân 81,2%, chứng thực 82,7%, khai sinh 89,4%, kết hôn 97,5%. 

Bên cạnh những kết quả đáng mừng đã đạt được, trên thực tế, việc triển khai cải cách TTHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thẳng thắn nói về những tồn tại, ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đánh giá: "Xuất phát từ trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và trang thiết bị phục vụ công tác này còn hạn chế nên việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số địa phương trên địa bàn huyện chưa cao, còn nặng về hình thức, do đó còn tình trạng trễ hẹn hồ sơ cho tổ chức công dân”.

Về những tồn tại trong cải cách TTHC, qua thực tế tại cơ sở chúng tôi nhận thấy, các thủ tục liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và thủ tục liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều bất cập. 

Ông Sa Quang Tuấn - cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Thực hiện quy trình liên thông theo nội dung Thông tư Liên tịch số 05 giữa Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Y tế về thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo quy định thời hạn thực hiện liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định; thời hạn thực hiện liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định. Nhưng quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở đối với chúng tôi, việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú chỉ trong vòng một ngày là có kết quả. Tuy nhiên, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế do liên quan đến cơ quan chuyên môn cấp huyện do đó thời gian kéo dài hơn”. 

Từ lý do, bảo hiểm y tế cấp theo đợt trong tháng đã dẫn tới trẻ em khi sinh không đúng đợt thẻ bị cấp chậm. Và việc chậm có thẻ bảo hiểm y tế đã dẫn tới những khó khăn vì nhiều cháu ngay sau khi sinh đã bị ốm phải đi khám, chữa bệnh. Để tạo điều kiện cho dân, nhiều khi cán bộ xã phải đi hàng chục ki-lô-mét đến bệnh viện để "bảo lãnh” cho trẻ khi chưa có thẻ bảo hiểm y tế.



Đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra công tác CCHC tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.

Cùng bảo hiểm y tế, quá trình thực tế tại cơ sở chúng tôi nhận thấy, việc triển khai các thủ tục về đất đai vẫn là điểm nghẽn. Theo Nghị định số 01/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định thi hành Luật Đất đai: Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất; tách thửa, hợp thửa đất, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý tối đa là 15 ngày; gia hạn sử dụng đất là không quá 7 ngày; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất là không quá 5 ngày... 

Và lâu nhất là trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các hồ sơ đều chậm, tại một số địa phương, nhiều hồ sơ đất để kéo dài tới 3 tháng, thậm chí 6 tháng mà không có trả lời cho công dân.

Mục đích cải cách TTHC nhằm khắc phục những nhược điểm đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp; khắc phục tệ cửa quyền, tham nhũng, lãng phí... Tóm lại, đó là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc với cơ quan hành chính Nhà nước. 

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế, các sở, ngành và các địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Có lẽ, yếu tố đầu tiên để nâng cao hiệu quả là nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này, trong đó, tinh thần và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp có vai trò quyết định. 

Chỉ khi mọi cán bộ, công chức coi cải cách TTHC là khâu đột phá trong thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo cho hiệu quả công việc của mình để tận tâm, tận lực thực hiện thì cải cách TTHC mới thực sự hiệu quả.

Nguyễn Đình

Các tin khác

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 157/QĐ-BXD công bố Danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Các học viên tham gia lớp tập huấn

Ngày 12/3, UBND huyện Mù Cang Chải phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho 75 học viên là công chức thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện.

Công nhân viên Điện lực thị xã Nghĩa Lộ hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua điện thoại di động.

Được coi là khâu đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thời gian qua, Ban Giám đốc Công ty Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái) đã quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cán bộ Bộ phận Phục vụ hành chính công phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ tận tình hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Cải cách hành chính (CCHC) là yêu cầu tất yếu của sự phát triển toàn diện. Chính vì thế, công tác này được cấp ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ đặc biệt coi trọng, bởi đây chính là “chìa khóa” góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục