Yên Bái tiếp tục đưa khâu “đột phá” hoạt động hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2019 | 7:41:19 AM

YênBái - Việc đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công (TTPVHCC) tỉnh vào hoạt động từ tháng 6/2018 và bộ phận phục vụ hành chính công (BPPVHCC) tại 9 huyện, thị, thành phố và 180 xã, phường vào hoạt động từ ngày 1/4/2019 có thể coi là một khâu “đột phá” của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn giải quyết công việc cho người dân.
Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn giải quyết công việc cho người dân.

Tại BPPVHCC xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, chúng tôi gặp anh chị Nguyễn Thế Quân và Đặng Thị Tuyến, trú tại thôn Thác Hoa đến làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau khi kiểm tra giấy tờ và những thủ tục cần thiết, chỉ ít phút, hai bạn trẻ đã có giấy chứng nhận kết hôn của chính quyền. Ông Lê Gia Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Việc đưa vào thực hiện BPPVHCC đã nâng cao hiệu quả giải quyết công việc cho người dân”.

Đánh giá về việc triển khai BPPVHCC trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện Văn Chấn cho biết: "Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, dù mới hoạt động một thời gian nhưng BPPVHCC từ huyện đến xã đã từng bước ổn định, kịp thời tiếp nhận, xử lý hồ sơ giải quyết TTHC cho tổ chức và cá nhân”. 

Nghiêm túc triển khai, từ ngày 1/4 đến 27/5/2019, sau gần 2 tháng hoạt động, BPPVHCC cấp huyện, xã của huyện Văn Chấn đã tiếp nhận tổng số 6.226 hồ sơ TTHC (cấp huyện 1.236  hồ sơ, cấp xã 4.990 hồ sơ), đã giải quyết 5.590 hồ sơ, tỷ lệ trước và đúng hạn đạt 99,9%; tỷ lệ đánh giá hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 100%. Trong đó, BPPVHCC cấp huyện xử lý và trả kết quả 1.039 hồ sơ, trước hạn 1.038 hồ sơ; BPPVHCC cấp xã xử lý và trả kết quả 4.951 hồ sơ, trước và đúng hạn 4.949 hồ sơ. 

 Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, phối hợp của các đơn vị, địa phương và nỗ lực của cán bộ, công chức, có thể khẳng định, TTPVHCC tỉnh và BPPVHCC cấp huyện, xã thời gian qua hoạt động tương đối hiệu quả. 

Điều này thể hiện, từ ngày 8/6/2018 đến ngày 31/5/2019, TTPVHCC tỉnh đã tiếp nhận 20.107 hồ sơ, đã giải quyết 19.367 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng, trước thời hạn là 99,7%, có 54 hồ sơ quá hạn, chiếm 0,3% (Sở Tư pháp 44 hồ sơ; Sở Tài nguyên Môi trường 4 hồ sơ; Sở Kế hoạch và Đầu tư 4 hồ sơ; Sở Y tế 1 hồ sơ; Sở Nội vụ 1 hồ sơ), thu phí và lệ phí là 3,487 tỷ đồng. 

BPPVHCC cấp huyện, cấp xã từ ngày 1/4/2019 đến 31/5/2019, tiếp nhận 50.909 hồ sơ, giải quyết 47.855 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn chiếm 99,98%, quá hạn 6 hồ sơ, chiếm 0,02% (huyện Lục Yên 3 hồ sơ, Yên Bình 3 hồ sơ). 

Những cố gắng trong cải cách TTHC đã nhận được sự hài lòng, cũng như niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Thể hiện, đối với TTPVHCC tỉnh, có 21.772 lượt đánh giá hài lòng thì có tới 99,9% đánh giá hài lòng, rất hài lòng; chỉ có 2 lượt đánh giá không hài lòng. Đối với cấp huyện, xã, có tới 43.721 lượt đánh giá hài lòng, chỉ có 39 lượt đánh giá không hài lòng. 

Như chị Nguyễn Lại Chung ở thôn An Hòa, xã Minh An, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Đến với BPPVHCC, không chỉ nhanh về thủ tục, tôi thấy cán bộ xã rất nhiệt tình hướng dẫn, người dân chúng tôi rất phấn khởi!”. 

Có thể khẳng định, hoạt động của TTPVHCC và BPPVHCC cấp huyện, xã là nguyên nhân cơ bản tạo bước "đột phá” nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Kết quả đạt được là cơ bản, tuy nhiên, vì mới trong quá trình vận hành nên hoạt động của TTPVHCC tỉnh và BPPVHCC cấp huyện, xã, không phải không còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử các TTHC, xây dựng phương án phân cấp hoặc ủy quyền để thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả theo tỷ lệ chung còn chậm; tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 và số lượng TTHC tiếp nhận, luân chuyển, trả kết quả qua dịch vụ bưu điện còn ít; hệ thống phần mềm giải quyết TTHC chưa liên thông được với các phần mềm chuyên ngành do các bộ, ngành trung ương quản lý. 

Tại một số nơi, việc bố trí số lượng cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận chưa phù hợp, một số cán bộ làm việc tại xã ít kinh nghiệm, kỹ năng về phần mềm, về công nghệ thông tin; chưa phối hợp, hỗ trợ nhau trong công việc, chưa chấp hành nội quy, quy chế. Vẫn còn hiện tượng tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân tại đơn vị hoặc tiếp nhận văn bản giấy nhưng chưa cập nhật hồ sơ vào hệ thống phần mềm để quản lý. 

Việc tiếp nhận và giải quyết một số TTHC nhất là thủ tục liên thông trong lĩnh vực người có công, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lúng túng; thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp còn quá nhiều. 

Nhiều xã, phòng làm việc của BPPVHCC chật chội; một số máy móc, trang thiết bị như: máy in, máy photocoppy, máy scan, hệ thống máy đánh giá mức độ hài lòng…, hoạt động chưa thực sự ổn định. Đơn cử như xã Minh An, huyện Văn Chấn, "Nơi làm việc BPPVHCC xã chỉ có diện tích 18 m2, kê 4 bàn làm việc và tủ đựng tài liệu là chật, không có chỗ đi lại, người dân đến giao dịch đông không có chỗ ngồi đợi” - ông Triệu Đức Quý - Chủ tịch UBND xã cho biết.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của một số đơn vị, địa phương còn chưa tốt, nhất là trong việc rà soát tháo gỡ khó khăn liên quan để tiếp nhận và giải quyết các TTHC. Việc ban hành, công bố một số TTHC và chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm của tỉnh và bộ phận của huyện còn chậm, cấp xã chưa có; một số địa phương thiếu cán bộ, công chức... 

Ông Lê Gia Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh cho biết: "Là xã trung tâm huyện lỵ, do vậy, khối lượng công việc liên quan đến TTHC của địa phương rất lớn. Tuy nhiên, cán bộ tại BPPVHCC như tư pháp, địa chính thường phải xuống cơ sở để giải quyết những vướng mắc, phát sinh, điều này ảnh hưởng đến việc trực làm việc tại Bộ phận”.

Phát huy những ưu điểm, đồng thời rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, để khâu "đột phá” hoạt động ngày càng hiệu quả, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND&UBND tỉnh sẽ phối hợp quản lý tốt cán bộ, công chức, thực hiện nghiêm nội quy làm việc, quy chế tổ chức nhất là quy định về kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, nếp sống văn hóa tại cơ quan, công sở. 

Đồng thời, khẩn trương xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử, phương án phân cấp, ủy quyền để tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại chỗ (bảo đảm tối thiểu 20% TTHC cấp tỉnh, 50% đối với cấp huyện); rà soát, hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp nhận các TTHC và giải quyết các TTHC, nhất là các TTHC liên thông. 

Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về hoạt động của TTPVHCC tỉnh và BPPVHCC cấp huyện, xã, để đông đảo tổ chức, cá nhân biết, liên hệ công tác. Tiếp tục chỉnh sửa hệ thống phần mềm, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận; rà soát chỉnh sửa, bổ sung máy móc cho các đơn vị... 

Đối với cấp huyện, cùng tập trung đánh giá, rà soát, tháo gỡ khó khăn, không tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC tại đơn vị, phải cập nhật vào hệ thống phần mềm các hồ sơ giải quyết TTHC; tiếp tục rà soát, tính toán phân công cán bộ, công chức bảo đảm trực theo quy định; tăng cường quản lý cán bộ, công chức; tăng cường giải quyết tốt TTHC trong lĩnh vực đất đai, các TTHC liên thông, TTHC mức độ 3, 4, các TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu điện. 

Đối với các hồ sơ quá hạn giải quyết, trong thời hạn chậm nhất 1 ngày trước ngày hết thời hạn, phải gửi văn bản xin lỗi và làm báo cáo giải trình; trong thời gian 2 ngày kể từ ngày quá hạn, gửi thư xin lỗi, báo cáo giải trình về TTPVHCC tỉnh để cập nhật hệ thống phần mềm…

Quyết tâm và giải pháp căn cơ, bài bản, tin tưởng TTPVHCC tỉnh và BPPVHCC cấp huyện, xã sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu công việc của người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính và cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để TTPVHCC tỉnh đi vào hoạt động với 1.640 TTHC và 14 thủ tục dịch vụ điện của Công ty Điện lực, tỉnh đã giao 11 biên chế chuyên trách, cử 18 công chức của các ngành, 2 cán bộ của Công ty Điện lực, 1 cán bộ của Bưu điện tỉnh ra làm việc. Đối với BPPVHCC cấp huyện, xã, các địa phương đã rà soát, bố trí 834 công chức cấp huyện, cấp xã (cấp huyện 128 người, cấp xã 706 người) ra làm việc. 

Nguyễn Đình

Tags Yên Bái hành chính công TTHC một cửa

Các tin khác
Người dân giải quyết TTHC tại Bộ phận PVHCC xã Hồ Bốn.

Được thành lập từ ngày 1/4/2019, Bộ phận phục vụ hành chính công (PVHCC) huyện Mù Cang Chải hiện có 15 cán bộ, công chức; bộ phận PVHCC các xã, thị trấn có 56 công chức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) theo 4 lĩnh vực.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Bình kiểm tra hoạt động Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện Yên Bình.

Ban Chỉ đạo cải cách của Chính phủ vừa công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với 76,92 điểm, Yên Bái xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2017.

Với 180 trung tâm hành chính công cấp xã liên thông trực tuyến, Yên Bái đang dẫn đầu khu vực Tây Bắc trong công tác xây dựng chính quyền điện tử.

Từ ngày 1/4 đến 28/5, Bộ phận Phục vụ hành chính công thành phố Yên Bái và các xã, phường đã tiếp nhận 6.686 thủ tục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục