Suốt gần 90 năm qua, sự hiện diện của các thế lực thù địch, cũng như luận điệu xuyên tạc, sai trái chống phá Đảng luôn tồn tại, tiếp diễn.
Nhận diện thế lực thù địch, luận điệu chống phá
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ ( PGS-TS) Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong quá trình xây dựng đất nước theo đường lối Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, các đối tượng, thế lực thù địch chống phá trước hết là nền tảng tư tưởng. Bởi nền tảng tư tưởng là những định hướng vô cùng quan trọng để đưa đất nước, chế độ phát triển bền vững, đúng đắn. Vì thế, cuộc đấu tranh của Đảng và nhân dân ta hiện nay trước hết là chống lại các thế lực thù địch đang tấn công, chống phá nền tảng tư tưởng của chúng ta.
Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta cũng phải nhận diện rõ ràng rằng, nền tảng tư tưởng của Đảng ta chính là chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nên phải tập trung bảo vệ. Trong Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua) quy định rõ: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nêu rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.
Cùng với việc nhận thức đầy đủ về nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cũng phải nhận diện chính xác những đối tượng đang chống phá nền tảng tư tưởng Đảng hiện nay. Có thể chia thành 3 nhóm đối tượng:
1. Nhóm đối lập về mặt hệ tư tưởng. Chúng ta là hệ tư tưởng vô sản thì những người theo hệ tư tưởng tư sản, kể cả tàn dư phong kiến sẽ quyết liệt chống lại chúng ta. Cuộc đấu tranh này cũng là cuộc đấu tranh không khoan nhượng và liên tục kể từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời vào thế kỷ 19 đến nay;
2. Các thế lực thù địch về chính trị, chống lại chế độ Xã hội chủ nghĩa của chúng ta, với mục đích làm con đường phát triển đất nước của Đảng chệch hướng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Những thế lực này tuy không đối lập hoàn toàn về hệ tư tưởng nhưng vì mục tiêu chính trị nên chống lại chế độ Xã hội chủ nghĩa và có thể gọi đây là những đối tượng phản động, hay cơ hội chính trị;
3. Là những người vốn là đảng viên cộng sản nhưng không chịu tu dưỡng, học tập, nâng cao tư tưởng đạo đức cách mạng dẫn tới tha hóa về tư tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí là phai nhạt lý tưởng mà Đảng ta đã chỉ rõ là "tự chuyển hóa, tự diễn biến” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ những người này là một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị.
"Nhận diện được các nhóm đối tượng trên để thấy rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một công cuộc rất khó khăn, phức tạp và lâu dài, không thể làm trong một thời gian ngắn là xong được. Việc này chúng ta phải làm, phải bảo vệ suốt từ khi thành lập Đảng tới nay và còn trong tương lai”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
|
Mục tiêu của thế lực thù địch là liên tục và không thay đổi
Hiện nay, toàn Đảng đang triển khai những nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị cho Đại hội XIII nên đây cũng là dịp các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng nước ta, nhất là về tư tưởng. Theo GS-TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, việc nhận diện những luận điệu sai trái, chống phá nền tư tưởng của Đảng hết sức quan trọng. Bởi có nhận diện đúng và đủ các loại luận điểm sai trái, thù địch thì chúng ta mới có những giải pháp xử lý cụ thể và thích hợp.
Sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực thù địch đang thay đổi phương thức hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu nhất quán của chúng không thay đổi là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, "phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ nhà nước Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu "đấu tranh giai cấp”, "tập trung dân chủ” là cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh, độc quyền, độc đoán, thủ tiêu dân chủ; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện và đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử.
Theo TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để làm tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, trước hết chúng ta cần phải đánh giá lại "tâm trạng” xã hội hiện nay, từ việc phát ngôn, nhận định, trong đó phải phân tích sâu đến từng giai tầng xã hội để đánh giá đúng thực trạng nhận thức, nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Từ sự phân tích đó mới có cách thức tổ chức đấu tranh cho phù hợp, để đạt hiệu quả cao.
|
Các thế lực thù địch còn tấn công vào đường lối của Đảng khi cho rằng "không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản vì Việt Nam đang xây dựng và phát triển Chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Vậy nên, cần giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo chủ nghĩa xã hội dân chủ là tốt nhất; nền kinh tế thị trường lại định hướng Xã hội chủ nghĩa sẽ không thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, sẽ bị cô lập trên trường quốc tế. Tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa đảng. Các thế lực chống cộng tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Bằng việc vu cáo Đảng chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, "độc đoán, đảng trị”, thực hiện sự chuyên chính của một đảng, sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu, chúng đối lập Đảng với Nhà nước; đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân...
Theo một số nhà nghiên cứu, so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là nước đang phát triển, kinh tế còn chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi phải được tiếp tục quan tâm giải quyết. Những yếu tố này đã tác động, gây ảnh hưởng xấu tới một bộ phận trong xã hội, là cái cớ để một số phần tử đả kích chế độ. Nhiều thời điểm, nhiều nơi, thế lực thù địch đã lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân và cả một số cán bộ các dân tộc thiểu số đi theo tiếng gọi của thần thánh, hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo vào các mục đích sai trái, bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, chính trị, kinh tế, xã hội… Đây cũng là những vấn đề hết sức lo ngại trong tình hình hiện nay và cần được nhận diện đầy đủ, đúng đắn cũng như có biện pháp, phương hướng xử lý, đấu tranh phù hợp, hiệu quả.
(Theo SGGP)