Tuy vậy, do nhiều yếu tố tác động, cộng với sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp đã vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống... tới mức phải thi hành kỷ luật, thậm chí phải đưa ra truy tố trước pháp luật. Sai phạm đó không chỉ gây tổn thất về cán bộ cho Đảng mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân vào uy tín lãnh đạo của Đảng.
Từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua học tập và rèn luyện của từng đảng viên và tổ chức đảng, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức trong Đảng.
Tuy vậy, công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), một số nội dung vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Một số cán bộ, đảng viên vẫn chưa tự giác nhìn nhận, đánh giá đúng ưu, khuyết điểm và trách nhiệm của mình.
Vẫn còn cấp ủy và tổ chức Đảng chưa nhận ra, chưa quy rõ trách nhiệm của từng người, từng cấp, trước tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Hiện tượng chạy chức, chạy tội, tham nhũng, lợi ích nhóm... vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Vì thế có thể nói tình trạng này vẫn chưa bị đẩy lùi, thậm chí có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn. Thế nên, trong thời điểm hiện nay và cả những năm tới, chúng ta càng phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
Để thực hiện có hiệu quả yêu cầu trên, trước hết, các cấp phải coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, để mỗi cán bộ, đảng viên luôn kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với con đường cách mạng mà Đảng ta đã lựa chọn.
Đây là nhân tố vô cùng quan trọng để cán bộ, đảng viên, nâng cao bản lĩnh chính trị và bản chất cách mạng, vai trò tiền phong, gương mẫu.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục và học tập, tu dưỡng và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân tố căn bản để giữ vững và nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội và thực dụng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Thứ ba, kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nhân tố vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Thứ tư, coi trọng công tác cán bộ, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Yếu tố rất quan trọng để xây dựng Đảng ta trong sạch và vững mạnh.
Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của cấp ủy, nhất là người đứng đầu, trong chủ động phòng ngừa. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng luật pháp các đối tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho những việc làm sai trái, để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước; góp phần răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tiêu cực, suy thoái trong Đảng, xây dựng Đảng ta thật trong sạch và vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Đó cũng là nhân tố vô cùng quan trọng để ta phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phá tan âm mưu tuyên truyền, kích động, lôi kéo, hòng tạo cớ gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
K.T