“Cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng tại Yên Bái - Bài 1: Truy vết “kẻ giấu mặt”

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/7/2021 | 7:37:27 AM

YênBái - Dọc hành trình dài bị di lý từ Lâm Đồng ra Yên Bái, Thi - kẻ có nickname "Võ Trần Phương Thảo” luôn tự đặt câu hỏi tại sao các chiến sĩ an ninh Yên Bái lại có thể phát hiện ra hắn, trong khi với vỏ bọc ẩn danh mà ngay cả bản thân hắn có chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tin bài bản cũng phải thừa nhận là cực kỳ tinh vi và xảo quyệt!

Thượng tá Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh (thứ ba từ phải sang) trao đổi nghiệp vụ đấu tranh trên không gian mạng với cán bộ, chiến sĩ an ninh mạng.
Thượng tá Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh (thứ ba từ phải sang) trao đổi nghiệp vụ đấu tranh trên không gian mạng với cán bộ, chiến sĩ an ninh mạng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đấu tranh trên không gian mạng thực sự là "cuộc chiến” đòi hỏi sự đấu trí linh hoạt, tính khoa học, chính xác và luôn làm chủ công nghệ thông tin của lực lượng Công an nói chung, lực lượng an ninh nhân dân nói riêng mới có thể chiến đấu và chiến thắng "kẻ thù giấu mặt” luôn biến hóa muôn hình vạn trạng này. 

Thực tế cho thấy, công tác truy tìm đối tượng vi phạm pháp luật có tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng trong đời thực vốn đã khó bởi các đối tượng luôn tìm mọi cách lẩn trốn, thay đổi nơi cư trú, thậm chí thay đổi cả họ tên, hình dạng. Truy tìm đối tượng vi phạm pháp luật, tuyên truyền chống đối chế độ trên không gian mạng còn gian nan, vất vả hơn rất nhiều lần. Bởi trên không gian mạng, đối tượng lợi dụng tính ẩn danh, nặc danh và tính không biên giới để thực hiện các hành vi phạm tội... 

Việc truy vết đối tượng để đấu tranh từ những nick ảo trên Facebook, Zalo... đòi hỏi lực lượng an ninh ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng còn phải cực kỳ nhanh chóng, chuẩn xác, tranh thủ chớp thời cơ, bởi chỉ cần chậm chễ dù chỉ một giây là tất cả các tài liệu, chứng cứ đều có thể bị xóa sạch ngay lập tức...

Thống kê từ Phòng An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB), Công an tỉnh Yên Bái, trên không gian mạng hiện có hơn 30 hội, nhóm có số lượng lớn người quan tâm theo dõi cùng hàng nghìn tài khoản ảo có những luồng thông tin tiêu cực tác động vào địa bàn, tạo nên những thách thức không nhỏ đối với lực lượng an ninh mạng. 

Người sử dụng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh hẳn chưa quên thời điểm năm 2017, nickname "Võ Trần Phương Thảo” xuất hiện và "tung hoành” trên mạng, gây tâm lý hoang mang trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là một trong những "điển hình” của việc sử dụng tài khoản ảo, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của địa phương và cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái. 

Đó là khoảng thời gian mà nickname này có số lượng lớn các bài viết xuyên tạc về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, xúc phạm uy tín, danh dự các đồng chí lãnh đạo tỉnh với tần suất cao, thu hút nhiều bình luận tiêu cực, thiếu khách quan, chính xác. 

Với thông tin và ảnh đại diện là một hotgirl có gương mặt xinh đẹp, từng học tại khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Singapore, ở cuối mỗi bài viết đều đề tên tác giả: Võ Trần Phương Thảo - PV Washington Post. Có bài viết từ tài khoản này đã tiếp cận hơn 10.000 người quan tâm theo dõi, chia sẻ, tạo nên diễn đàn tiêu cực, gây dư luận hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Trước nguy cơ có thể dẫn đến hội chứng "Võ Trần Phương Thảo”, Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo lực lượng an ninh mạng nhanh chóng đấu tranh làm rõ.  Đây thực sự là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn đối với cán bộ chiến sĩ Phòng ANCTNB. 

Làm sao sớm "truy vết” phát hiện manh mối của đối tượng trong khi lượng tin xấu, tin giả của nickname này đang tỷ lệ thuận với lượng truy cập hàng ngày? Qua rà soát, bước đầu, lực lượng an ninh xác định "Võ Trần Phương Thảo” chỉ là nick ảo. 

Vậy, thực tế đối tượng này là ai, ở đâu mà lại đăng nhiều thông tin sai sự thật về Yên Bái đến như vậy. Thậm chí, còn bịa đặt, vu khống lãnh đạo tỉnh vì mục đích gì?… là những câu hỏi xoáy vào đầu tất cả những cán bộ an ninh có trình độ và kinh nghiệm nhiều năm công tác không chỉ trong giờ làm việc mà cả trong giấc ngủ. 



 Đối tượng Trần Trọng Thi tại Cơ quan Công an.



Ảnh đại diện của đối tượng Thi với nickname "Võ Trần Phương Thảo" trên mạng xã hội. 

Thượng tá Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng ANCTNB Công an tỉnh tâm sự: "Anh em chiến sĩ mất rất nhiều công sức để truy vết đối tượng bởi đối tượng rất hiểu biết về công nghệ, có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu thân phận, đưa thông tin lập lờ..., trong khi lực lượng của ta rất mỏng. Chúng tôi xác định, muốn tìm ra chân tướng sự việc, phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác để rà soát, sàng lọc thật kỹ tất cả tương tác, tin nhắn liên quan cùng sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh. Đặc biệt, không thể bỏ qua dù chỉ là một chi tiết nhỏ để sớm phát hiện ra manh mối của đối tượng”. 

Công việc cần thời gian mà nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không cho phép các anh được chậm trễ, bởi chậm phút nào thì tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân bị ảnh hưởng phút đó. Bằng năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bằng ý chí quyết tâm phải chiến thắng trong trận đánh này, cán bộ chiến sĩ của Phòng đã làm việc thâu đêm suốt sáng, nhiều lúc quên ăn vì rượt đuổi theo những tín hiệu cho dù rất nhỏ nhoi trên không gian mạng rộng lớn. Cuối cùng, sau gần 10 ngày đấu trí, các anh đã tìm ra đối tượng có nickname "Võ Trần Phương Thảo” đang sinh sống tại một huyện miền núi xa xôi thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Xác định rõ địa chỉ của đối tượng, nhiệm vụ của các anh là phải lập tức vào Lâm Đồng. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh cùng sự phối hợp của Công an tỉnh Lâm Đồng, trong vai những công nhân Thủy điện Bảo Lâm đam mê mạng xã hội và nghiện game online, các trinh sát đã tiếp cận được nơi ở của đối tượng. 

Từ đây, chân tướng của chủ tài khoản này đã bị vạch trần. Hắn không phải là nhà báo hay hotgirl gì mà là gã đàn ông trung niên có tên Trần Trọng Thi, sinh năm 1968, cư trú tại khu tập thể Trường Tiểu học Lộc Bắc, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. 

Trung tá Bùi Công Huân - người trực tiếp tham gia xử lý vụ Facebook "Võ Trần Phương Thảo” chia sẻ: "Có lẽ, những ai đã từng tiếp xúc với Thi đều chung cảm giác rợn người về đời sống sinh hoạt cực kỳ "quái dị” của hắn. Trong gian phòng tập thể chừng 12 m2 bừa bộn chăn, màn, quần áo, vứt đầy vỏ bao và đầu mẩu thuốc lá, Thi chỉ ngủ từ 1-2 giờ/ngày. Thời gian còn lại, hắn dành cả cho việc lên mạng lướt facebook, tập hợp những bài viết về Yên Bái, thu tin từ chính những người sinh sống trên địa bàn tỉnh, rồi soạn ra những bài viết, status có nội dung xuyên tạc, bịa đặt. Để tìm ra Thi, bằng nghiệp vụ trinh sát, lực lượng an ninh phải mất nhiều thời gian, bởi Thi nguyên là một sĩ quan thông tin trong quân đội. Song, do vi phạm kỷ luật quân đội đã bị tước quân tịch”. 

Đến khi tiếp xúc với mạng xã hội, Thi vùi đầu vào facebook với ảo vọng được suy tôn trên mạng xã hội như một "Người hùng”. Hắn mang tất cả kiến thức được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin để tạo vỏ bọc và che giấu danh tính của mình. Nhưng, "vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”, với những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng Trần Trọng Thi đã phải thừa nhận tất cả các hành vi vi phạm của mình. 

Dọc hành trình dài bị di lý từ Lâm Đồng ra Yên Bái, với sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh, Thi luôn tự đặt câu hỏi tại sao các chiến sĩ an ninh Yên Bái lại có thể phát hiện ra hắn, trong khi với vỏ bọc ẩn danh mà ngay cả bản thân hắn có chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tin bài bản cũng phải thừa nhận là cực kỳ tinh vi và xảo quyệt!

Bài 2: "Cuộc chiến” không tiếng súng

Thanh Hương - Huy Phương 
(Tác phẩm Dự thi cuộc thi viết "Vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân”)

Tags Cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng không gian mạng Yên Bái truy vết kẻ giấu mặt

Các tin khác

Văn hóa Đảng không nằm ngoài sự chi phối, ảnh hưởng của văn hóa nói chung, hơn thế còn giữ vai trò lãnh đạo, định hướng cho mọi thiết chế văn hóa của cả đất nước, bảo đảm phù hợp với truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc, phù hợp với tiến trình phát triển của văn hóa nhân loại và văn hóa tiên tiến đương đại.

Biếm họa của Báo nhân dân.

Đoàn kết là sự hợp tác, chung tay, góp sức để kết thành một khối thống nhất, cả về tư tưởng lẫn hành động nhằm đem lại lợi ích, đưa tập thể ngày càng phát triển. Thực tế, nơi nào mất đoàn kết thì nội bộ lục đục, trên dưới không thống nhất. Lãnh đạo nghi ngờ nhân viên, nhân viên mất lòng tin vào lãnh đạo. Bên trong thì tinh thần rệu rã, bên ngoài thì uy tín giảm sút…

Quân khu 1 cử lực lượng tổ chức tang lễ cho quân nhân Trần Đức Đô theo nghi lễ quân đội. Ảnh: TTXVN

Trong các ngày 28-29/6, trên một số trang mạng xã hội đã lan truyền clip và một số bài viết phản ánh về việc tử vong của quân nhân Trần Đức Đô (sinh năm 2002, quê khu Đa Hội, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) khi đang làm nghĩa vụ quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 1, đóng tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Các cơ quan, đơn vị, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19, thể hiện tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội. Ảnh minh họa

Từ tối 5/6/2021, khi Chính phủ Việt Nam ra mắt Quỹ Vaccine phòng chống Covid -19 tới nay, nhan nhản trên mạng xã hội những bài viết với đủ loại luận điệu vu cáo, xuyên tạc, bỉ ổi nhất của nhóm khủng bố Việt Tân và cả mấy cái loa rè chống cộng như BBC.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục