Thực tiễn lịch sử chính trị VN từ khi Đảng Cộng sản VN lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân VN đã lựa chọn nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Nhận diện và đấu tranh
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn nỗ lực chống phá, xuyên tạc, tuyên truyền về những hạn chế gắn liền với nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở VN. Từ đó, chúng kêu gọi VN chuyển sang chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để phát huy dân chủ, xóa bỏ tha hóa quyền lực, đưa đất nước phát triển. Đây không phải là vấn đề mới, song cần phải nhận diện đúng và có những luận cứ đấu tranh thuyết phục. Hiện nay, cần nhận diện và đấu tranh với một số luận điểm sai trái, thù địch cơ bản sau:
Một là, nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền sẽ dẫn đến đất nước chậm phát triển. Các thế lực thù địch cho rằng, ở VN, không có các đảng chính trị đối lập nên không có sự cạnh tranh quyền lực, dẫn đến chủ quan, tự mãn, kiêu căng, thiếu đổi mới, sáng tạo, cản trở sự phát triển đất nước?!
Đây là một quan điểm hoàn toàn sai trái, phản động nhằm mục đích xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta, xóa bỏ vai trò cầm quyền của Đảng.
Thực tế trên thế giới, chính trị ra đời đều gắn liền với nhất nguyên chính trị. Ở phương Tây, dù các nước có một đảng hay đa đảng chính trị thì vẫn do giai cấp tư sản cầm quyền, vẫn là chế độ nhất nguyên chính trị tư bản chủ nghĩa. Xét một cách tổng thể, các nước này vẫn thường xuyên xảy ra mất ổn định chính trị, tài sản vẫn thuộc về thiểu số giai cấp tư sản. Mặc dù là đất nước phát triển, song ẩn sau sự hào nhoáng là những người lao động vất vả với cuộc sống bấp bênh, đói nghèo, vô gia cư, tỷ lệ thất nghiệp cao.
Độc lập
Ở VN, nhất nguyên chính trị là sự lựa chọn của dân tộc VN phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của đất nước. Khi Đảng Cộng sản VN trở thành Đảng cầm quyền (năm 1945), Đảng đã khẳng định được vai trò, vị thế duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Trong quá trình phát triển, ở nước ta có nhiều đảng cùng tồn tại, ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương, còn có Đảng Dân chủ (1944), Đảng Xã hội (1946) và hai đảng đối lập (Việt Quốc, Việt Cách), Đảng Cộng sản VN vẫn là lực lượng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước ổn định phát triển (Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội đã tự giải thể năm 1988). Đảng không chủ quan mà luôn đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế. Điều đó khẳng định rằng nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở nước ta luôn bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, của Đảng ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được bảo đảm. Vì vậy, không thể nói nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền làm đất nước lạc hậu, chậm phát triển như một số luận điểm của các thế lực thù địch rêu rao.
Hai là, nhất nguyên chính trị, một đảng lãnh đạo là toàn trị, độc quyền, mất dân chủ. Đảng bóp nghẹt mọi quyền tự do của con người. Đảng dùng lực lượng vũ trang để đàn áp những người có ý kiến bênh vực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ dân chủ, nhân quyền?!
Cần phải hiểu rằng, chế độ toàn trị là chế độ áp đặt bằng bạo lực đối với cá nhân và cộng đồng, triệt tiêu động lực phát triển của các lực lượng. Điều này không thể đúng với thể chế chính trị nhất nguyên, một đảng cầm quyền ở VN. Bởi, chế độ XHCN ở VN do Đảng lãnh đạo là chế độ mà quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân làm chủ và là chủ.
Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, dù một đảng hay đa đảng, dù nhất nguyên hay đa nguyên thì dân chủ vẫn mang bản chất giai cấp tư sản, trở thành công cụ, phương tiện bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Ở nước ta, Đảng được nhân dân ủy quyền cho việc thiết lập và sử dụng bộ máy nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo, song Đảng không đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, song Đảng vẫn là một thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Toàn bộ hoạt động của Đảng đều có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân. Các cơ quan nhà nước cụ thể hóa đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật để toàn xã hội thực hiện. Các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân tham gia giám sát và phản biện đối với đường lối, chủ trương của Đảng bảo đảm hoạt động lãnh đạo của Đảng ngày càng hiệu quả, ý Đảng thực sự là lòng dân. Vai trò của nhân dân luôn được phát huy. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Do đó, dân chủ ở nước ta là dân chủ XHCN. Vì vậy, Đảng Cộng sản VN duy nhất cầm quyền vẫn luôn bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Mọi quyền lực của Đảng, của Nhà nước thực chất đều do nhân dân ủy quyền mà có được. Không thể căn cứ số lượng đảng chính trị để đánh giá sự dân chủ ở một đất nước.
Ba là, nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền dẫn đến tha hóa quyền lực, quan liêu, suy thoái?!
Phải khẳng định rằng, tha hóa quyền lực là căn bệnh của những người có chức, có quyền nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Đó là căn bệnh của nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia đều có những biện pháp khác nhau để phòng, chống tha hóa quyền lực. Đối với các đảng cộng sản cầm quyền nói chung, Lênin đã cảnh báo từ sớm 2 nguy cơ đối với đảng cầm quyền là quan liêu, xa rời quần chúng và sai lầm về đường lối. Nhận thức được vấn đề đó, Đảng ta không ngừng đề ra các biện pháp để phòng, chống nguy cơ đối với Đảng cầm quyền. Mặc dù còn những hạn chế nhất định trong quá trình lãnh đạo, nhất là trong một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, song Đảng luôn kiên quyết xử lý nghiêm minh, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Vì vậy, không thể khẳng định tha hóa quyền lực gắn với bản chất của chế độ XHCN như những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động rêu rao.
Phát huy vai trò của nhân dân
Việc đưa ra những luận cứ để phản bác là quan trọng, song kiên định chế độ chính trị nhất nguyên XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, cần phải thực hiện nhiều biện pháp tổng thể và cụ thể. Trong đó, có thể kể đến một số biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở nước ta. Cho đến nay, chế độ XHCN vẫn là sự lựa chọn đúng đắn, duy nhất của nhân dân VN. Đảng vẫn là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội bởi Đảng không bao giờ có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc VN. Vai trò, vị thế của Đảng, của đất nước đã được nhân dân thừa nhận, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao. Vì vậy phải nhận thức đúng và tiếp tục kiên định độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Hai là, phải xây dựng Đảng, Nhà nước thật trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước phải nâng cao trách nhiệm nêu gương trong xây dựng Đảng, Nhà nước, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Bởi sức mạnh của Đảng, của Nhà nước, của cán bộ, đảng viên và nhân dân là lá chắn bảo vệ vững chắc chế độ nhất nguyên và vai trò lãnh đạo của Đảng mà không thế lực thù địch nào có thể xóa bỏ được. Để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, phải giữ vững nguyên tắc trong xã hội Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới.
Ba là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân để khẳng định giá trị của chế độ chính trị nhất nguyên XHCN và vai trò của một đảng duy nhất lãnh đạo trước toàn thế giới. Khi các thế lực luôn lợi dụng những khó khăn của một bộ phận nhân dân để nói xấu, bôi nhọ chế độ XHCN, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng thì "việc cần phải làm ngay" là quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhân dân vừa là chủ thể của quyền lực, đồng thời là đối tượng lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của nhân dân là sức mạnh vô tận. Vì vậy, phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ chế độ XHCN phải đi liền với tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
(Theo TNO)