Sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2015 | 8:53:45 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc và giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Không những thuận lợi về mặt địa lý, Yên Bái còn có tài nguyên thiên nhiên phong phú, môi trường sinh thái trong lành, nguồn nhân lực dồi dào... cùng những cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thăm Nhà máy May của Công ty TNHH Daesung Global (Hàn Quốc) tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thăm Nhà máy May của Công ty TNHH Daesung Global (Hàn Quốc) tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

* Hệ thống giao thông thuận lợi

Yên Bái có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi. Gần 7.000 km đường bộ của tỉnh được phân bố hợp lý, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, trong đó có 4 tuyến quốc lộ dài 375,5 km gồm: quốc lộ 70, 37, 32, 32C. Tuyến đường sắt xuyên Á Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc chạy qua địa phận tỉnh dài 83 km, trung bình mỗi ngày có 10 chuyến tàu khách, 20 chuyến tàu hàng.

Đây là tuyến vận chuyển hàng hóa, hành khách quan trọng vừa mới được cải tạo, nâng cấp. Tuyến sông Hồng dài 115 km, tuyến hồ Thác Bà dài 83 km là 2 tuyến đường thủy chính. Yên Bái hiện đang quy hoạch xây dựng hai cảng hàng hóa trên sông Hồng. Đặc biệt, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã rút ngắn khoảng cách từ Yên Bái đi Hà Nội còn dưới 120 km, đi Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai còn dưới 130 km, đi Cảng Hải Phòng còn dưới 190 km.

*Tài nguyên thiên nhiên phong phú

Niều vùng sản xuất tập trung cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của Yên Bái. Điển hình là vùng nguyên liệu chè có diện tích 11.450 ha, sản lượng chè búp tươi 90.812 tấn. Yên Bái có diện tích quế lớn nhất nước và chất lượng thuộc loại tốt nhất với 30.000 ha, nổi tiếng là sản phẩm quế Văn Yên đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Vùng nguyên liệu sắn khoảng 15.000 ha, sản lượng gần 300.000 tấn mỗi năm. Diện tích rừng tự nhiên của Yên Bái là 231.563,7 ha, rừng trồng 174.667,1 ha; sản lượng có thể khai thác gần 200.000m3 gỗ keo, bồ đề, bạch đàn... và hơn 120.000 tấn tre, vầu, nứa. Phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê... cùng các loại gia cầm là một lợi thế lớn của tỉnh khi có hơn 2.000 ha đồng cỏ.

Có 257 mỏ và điểm mỏ, nguồn tài nguyên khoáng sản của Yên Bái thuộc các nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại... Tỉnh có trữ lượng đá vôi trắng hơn 2,4 tỷ mét khối; kim loại có quặng sắt trữ lượng khoảng 200 triệu tấn, quặng grafit, quặng chì kẽm, quặng vàng gốc, thạch anh... Yên Bái có tiềm năng nguyên liệu để sản xuất xi măng, đá ốp lát các loại, vật liệu xây dựng với trữ lượng vật liệu xây dựng thông thường trên 450 triệu tấn và trữ lượng Kaolin, Felspat hơn 15 triệu tấn.

Yên Bái có 174.667 ha rừng trồng nên rất dồi dào nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ.

* Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Yên Bái đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Khu công nghiệp phía Nam rộng 532 ha; Khu công nghiệp Minh Quân 112 ha; Khu công nghiệp Âu Lâu 118,35ha. Tỉnh chủ động xây dựng 8 cụm công nghiệp và đã có kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Yên Bái đã hòa điện lưới quốc gia đến 180/180 xã, phường, thị trấn. Trên địa bàn tỉnh hiện có Nhà máy Thủy điện Thác Bà và hơn 10 trạm thủy điện nhỏ, tổng công suất 296MW. Hệ thống cấp nước đô thị tổng công suất hơn 7 triệu mét khối mỗi năm, bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Dịch vụ thông tin liên lạc với mạng cáp quang đã đến trung tâm 9/9 huyện, thị, thành phố và 85% số xã, phường, thị trấn. Mạng Internet 3G phủ sóng 80%, mạng điện thoại di động phủ sóng 98% địa bàn tỉnh.

* Tiềm năng du lịch sinh thái

 Hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái nổi tiếng với công trình thủy điện đầu tiên là Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Hồ rộng hơn 19.000 ha, có hơn 1.300 hòn đảo và được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Khu vực miền Tây của tỉnh có cánh đồng Mường Lò “gạo trắng, nước trong”, có Suối Giàng với hương vị khó quên của chè Shan tuyết cổ thụ, suối nước nóng Bản Bon... Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là kỳ tác của đồng bào Mông. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên), Khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải), đầm Vân Hội (huyện Trấn Yên)... thích hợp cho việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, khu sinh cảnh...

Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ du lịch văn hóa tâm linh như đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn (huyện Văn Yên), khu chùa - đền Hắc Y - Đại Cại (huyện Lục Yên)... cùng văn hóa ẩm thực độc đáo của nhiều  dân tộc chung sống và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú.

Vẻ đẹp hồ Thác Bà ngày càng thu hút đông đảo du khách thăm quan, du lịch.

* Nguồn nhân lực dồi dào

Dân số của Yên Bái có trên 780.000 người với hơn 503.500 người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 64,3%. Năm 2015, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đã đạt 45%. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở đào tạo nghề. Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đang được đầu tư xây dựng trở thành trung tâm đào tạo nghề của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 1 nghề đạt chuẩn quốc tế và 3 nghề đạt chuẩn ASEAN. Các nghề đào tạo chính gồm: điện công nghiệp, gia công thiết kế sản phẩm mộc, điện tử công nghiệp, công nghệ chế biến chè... Giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm, Yên Bái sẽ đào tạo nghề cho khoảng 14.000 lao động.

* Môi trường đầu tư thông thoáng 

Khi đầu tư tại Yên Bái, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các mức ưu đãi nhất theo quy định hiện hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cam kết thực hiện nhất quán, đồng bộ và ổn định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã ban hành cùng nhiều vấn đề khác liên quan như: cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư sau đầu tư, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp của các chính quyền địa phương... với nhà đầu tư.

Đặc biệt, Yên Bái thành lập Tổ Thu hút đầu tư, Tổ Tháo gỡ khó khăn và Phát triển doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng nhằm tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục đầu tư vào tỉnh, đồng thời hỗ trợ giải đáp thắc mắc, khuyến khích phát triển doanh nghiệp.

Nguyễn Thơm

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục