Dấu ấn may công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2015 | 9:00:01 AM

YBĐT - Với lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực dồi dào, những năm gần đây Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nhất là trong lĩnh vực may mặc công nghiệp. Chỉ trong vòng ba năm trở lại đây đã có ba nhà máy may công nghiệp quy mô lớn được khởi công xây dựng và đi vào sản xuất hiệu quả.

Dây chuyền may của Công ty TNHH Daeseung Global tại Cụm Công nghiệp Thịnh Hưng, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Dây chuyền may của Công ty TNHH Daeseung Global tại Cụm Công nghiệp Thịnh Hưng, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái).

Đầu tiên phải nói đến Nhà máy May thuộc Công ty TNHH Daeseung Global Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, Nhà máy chuyên sản xuất, gia công các loại sản phẩm như quần, áo, áo khoác trùm, áo liền quần... với công suất 1,5 triệu sản phẩm/ năm. Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi khởi công Nhà máy đã xây dựng xong giai đoạn 1 và đã đi vào sản xuất, kinh doanh thu hút trên 1.500 lao động, dự ước giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt trên 10 triệu USD. Hiện Công ty đã xây dựng xong nhà xưởng II, đang lắp đặt dây chuyền máy móc và sẽ đi vào hoạt động trong đầu năm 2016.

Kế đến là Nhà máy May xuất khẩu tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên do Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF Hàn Quốc đầu tư xây dựng, Công ty DONGYANG E&C của Hàn Quốc thi công. Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 1/2015 với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng và đi vào hoạt động năm 2016. Sản phẩm chính của Nhà máy là sản xuất quần áo veston xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và các trang phục dệt kim, đan móc khác với công suất trên 16 triệu sản phẩm/ năm. Hiện nay đã xây dựng cơ bản xong nhà xưởng với diện tích trên 35.000 m2 và các hạng mục kỹ thuật khác. Sau khi đi vào hoạt động Nhà máy sẽ thu hút trên 2.500 lao động.

Trong quá trình đến đầu tư xây dựng, Nhà máy được hưởng các chính sách thu hút đầu tư khá cụ thể và được sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền trong suốt quá trình thực hiện Dự án. Hiện nay, Nhà máy và huyện Trấn Yên đang tiến hành đào tạo nghề cho các lao động phục vụ sản xuất khi Nhà máy đi vào hoạt động.

 Và trong tháng 9/2015 vừa qua, tại thị xã Nghĩa Lộ, Nhà máy May Chiến Thắng Nghĩa Lộ đã được khởi công xây dựng có tổng mức đầu tư trên 69 tỷ đồng với tổng diện tích trên 5 ha, tại tổ 11, phường Phú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Giai đoạn I của Nhà máy sẽ xây dựng một nhà xưởng thu hút trên 1 ngàn lao động. Dự kiến trong 2 - 3 năm tiếp theo, quy mô Nhà máy sẽ được mở rộng và thu hút trên 3 ngàn lao động khu vực các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Nhà máy May Chiến Thắng Nghĩa Lộ là dự án nằm trong chuỗi các hoạt động tăng cường thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái và là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã.

Phát biểu tại Lễ khởi công, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết và chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ và các huyện phía Tây tập trung nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động; tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng Dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, đào tạo nghề và quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn.

Có thể nói, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhất là các nhà máy may công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng luôn nhận được những ưu đãi lớn nhất, tốt nhất, thuận lợi nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các dự án đi vào sản xuất đã tạo được công ăn việc làm cho lao động trong tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển các ngành dịch vụ đưa kinh tế địa phương phát triển.

Ngọc Trúc

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục