75 phút Hà Nội, 90 phút Lào Cai
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2015 | 9:12:33 AM
YBĐT - Khó khăn lớn nhất của một tỉnh miền núi là hạ tầng cơ sở, nhất là mạng lưới giao thông còn thiếu đồng bộ, nhưng Yên Bái đã có nhiều cách làm, huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư và phát triển hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nút giao IC 12 qua đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Là tỉnh có nguồn tài nguyên nông - lâm sản và khoáng sản phong phú, đa dạng, trữ lượng lớn nhưng cái khó nhất của Yên Bái là nằm cách xa thủ đô Hà Nội 180 km, cách cảng Hải Phòng hơn 200 km, cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai hơn 170 km tính theo quốc lộ 70. Nhưng từ cuối năm 2014, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng, nút giao IC12 hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp và địa phương khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình.
Nắm bắt đúng thời cơ, lợi thế, khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khởi công xây dựng cũng là lúc tỉnh Yên Bái khởi công xây dựng tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái nối với nút giao IC12 cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng vốn đầu tư trên 995 tỷ đồng; chiều dài toàn tuyến hơn 10 km, bề rộng nền đường 50 m với 4 làn xe chạy đạt tiêu chuẩn đường cấp II.
Sau nhiều nỗ lực, ngày 1/6/2015, nút giao IC12 thiết kế dạng kim cương gồm 4 đường nhánh dẫn từ đường cao tốc lên, xuống đường tránh ngập thành phố Yên Bái hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc hoàn thành nút giao IC12 đưa vào sử dụng cùng với đoạn tuyến từ cầu Văn Phú - đường cao tốc hoàn thành đã tạo ra sự liên kết thuận tiện giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh miền xuôi và tỉnh Lào Cai, mang lại lợi ích to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho Yên Bái cũng như cả khu vực miền núi phía Bắc.
Nếu như trước đây, đi ô tô từ trung tâm thành phố Yên Bái đến Hà Nội mất ít nhất 200 phút, đi Hải Phòng 300 phút hay đi cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng trên 200 phút thì giờ đi Hà Nội chỉ mất 75 phút, đi cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa đầy 90 phút, giảm 2/3 thời gian so với trước. Yên Bái - Hải Phòng chỉ mất 2,5 giờ; Yên Bái - Bắc Ninh 1,5 giờ, Yên Bái - Thái Nguyên chưa đầy 2 giờ đồng hồ.
Không chỉ có vậy, Yên Bái còn có hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn thiện: đường không, đường sắt, đường thuỷ và đường bộ nối liền với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đường thuỷ có hai tuyến chính, một là tuyến sông Hồng dài 115 km là tuyến giao thông quan trọng để vận chuyển hàng hoá lâm sản, nông sản, khoáng sản từ Lào Cai, Yên Bái đi các tỉnh miền xuôi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và cảng Hải Phòng. Hiện, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 2 cảng hàng hoá trên sông Hồng, một thuộc xã Văn Phú (Khu công nghiệp phía Nam), 1 cảng thuộc xã Âu Lâu (Khu công nghiệp Âu Lâu).
Hai là, tuyến đường thuỷ trên hồ Thác Bà dài 83 km có bến tàu vận chuyển nguyên vật liệu và khách thăm quan du lịch. Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt xuyên Á Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc chạy qua với tổng chiều dài 83 km, có 10 nhà ga nằm trên địa bàn Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái. Trung bình mỗi ngày có 30 chuyến tàu chạy qua (20 tàu hàng, 10 tàu khách). Đường bộ có 80,5 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Tuyến quốc lộ 70 nối Yên Bái với Phú Thọ và Lào Cai. Quốc lộ 32 đi qua 4 tỉnh, thành là thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; quốc lộ 32C nối Yên Bái - Phú Thọ - Sơn La. Quốc lộ 37 nối các tỉnh, thành phố là Thái Bình - Hải Phòng - Hải Dương - Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Sơn La. Ngoài ra, tỉnh còn có 15 tuyến tỉnh lộ có chiều dài hơn 439 km; 181 km đường nội thị và 6.384 km đường giao thông nông thôn. Có thể nói, hệ thống giao thông Yên Bái giờ đây khá hoàn chỉnh, kết nối thuận lợi không chỉ trong vùng Tây Bắc mà còn kết nối với vùng Đông Bắc và trung du miền núi phía Bắc, đáp ứng cho giao thương vận chuyển hàng hoá thuận lợi.
Mạng lưới giao thông, hạ tầng hoàn thiện cùng với lợi thế về đất đai, Yên Bái cũng đã quan tâm và làm rất tốt công tác quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng chuyên canh gắn với chế biến như vùng chè 12 ngàn héc-ta, vùng gỗ nguyên liệu trên 200 ngàn héc-ta, vùng quế trên 30 ngàn héc-ta... Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với 257 điểm mỏ cùng nhiều loại khoáng sản phong phú; trong đó, một số loại khoáng sản có trữ lượng cao và chất lượng tốt như cao lanh, fenspad, đá vôi trắng, quặng sắt… Đặc biệt, đá vôi trắng có độ trắng trên 90%, trữ lượng trên 1 tỷ mét khối. Các sản phẩm chế biến từ đá của Yên Bái rất đa dạng, như đá ốp lát trong xây dựng; đá mỹ nghệ; đá hạt, đá bột siêu mịn (CaCO3) dùng làm nguyên liệu phụ gia cho các ngành sản xuất hoá mỹ phẩm, cao su, nhựa, giấy... cùng với nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ, tay nghề cao sẽ là điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Định hướng phát triển giao thông những năm tiếp theo: Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư các công trình quan trọng kết nối các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bao gồm: đường nối tỉnh lộ 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiên) với quốc lộ 70 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 70 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Khánh Hòa - Văn Yên); đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nghĩa Lộ - Mậu A); đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Đông An - Gia Hội). Xây dựng cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp các tuyến đường nội thị thành phố Yên Bái. Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội: quốc lộ 37 đoạn từ thành phố Yên Bái - Ba Khe - Thượng Bằng La; quốc lộ 32C đoạn từ xã Phúc Lộc - cầu Yên Bái; đường Âu Lâu - Đông An; đường Hợp Minh - Mỵ; đường Yên Thế - Vĩnh Kiên... |
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Việc Yên Bái cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Vingroup đối với Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí và Nhà phố thương mại Shop - House là cơ hội thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội để thành phố Yên Bái phấn đấu trở thành đô thị loại II trước năm 2020.
YBĐT - Những năm gần đây, Yên Bái đã có những bước phát triển vượt bậc trong thu hút đầu tư như: thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giải quyết thủ tục đầu tư nhanh gọn; ban hành cơ chế thông thoáng... Bằng những hành động cụ thể, Yên Bái đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ và là vùng đất đầy tiềm năng với các nhà đầu tư.
YBĐT - Cách trung tâm thành phố Yên Bái gần hai chục km, nhưng đầm Vân Hội lại nằm ngay cạnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có cảnh sắc thiên nhiên dễ mê đắm lòng người.
YBĐT - Hiện nay, dân số Yên Bái có trên 783.500 người, với trên 503.500 người trong độ tuổi lao động, chiếm 64,3% dân số toàn tỉnh. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 45% lao động đã qua đào tạo.