Doanh nghiệp lớn “đánh thức” tiềm năng ở tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2016 | 9:11:42 AM

YBĐT - Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, không ngừng mời gọi các nhà đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương và Yên Bái đã biết “chọn mặt gửi vàng” khi lựa chọn những tên tuổi lớn đến địa bàn.

Khu chăn nuôi lợn giống công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên.
Khu chăn nuôi lợn giống công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên.

Với vị trí là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, ẩn chứa trong mình nhiều tiềm năng cho sự phát triển. Nhưng những năm trước đây Yên Bái vẫn chưa có được sự bứt phá về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Năm 2014, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác, đặc biệt là ngay sau đó đường tránh ngập và nút giao IC 12 khánh thành, nối Yên Bái với tuyến huyết mạch quan trọng này, cùng với đó là hàng loạt các chương trình quảng bá, thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái được triển khai đã khiến Yên Bái  - “nàng công chúa ngủ trong rừng” thức giấc với hàng loạt các dự án cả trong nước và quốc tế được khởi công trên nhiều lĩnh vực đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có lần đã nói: “Là người đi sau nên các bạn (tỉnh Yên Bái) có nhiều lợi thế lớn như thỏa mái lựa chọn, tránh được những vấn đề bất lợi mà những địa phương đi trước mắc phải... Tôi đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh rằng: tỉnh đã có các buổi làm việc với các doanh nghiệp lớn, đó là việc làm rất đúng; những tên tuổi như: Vingroup, TH, Vinamilk, Hòa Phát... “chơi” được với họ thì sẽ có thành công bởi họ làm thật, làm mạnh. Với sự có mặt của các tập đoàn lớn sẽ kéo theo nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp vừa và cả một vùng rộng lớn cùng phát triển”.

Với ý chí quyết tâm cùng những hành động thiết thực và tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, Yên Bái đã mời gọi được hàng loạt các tên tuổi lớn đến với mình và các doanh nghiệp này đã mạnh tay triển khai nhiều dự án quy mô lớn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Chỉ một thời gian ngắn, những tên tuổi lớn như Phạm Nhật Vượng - Vingroup, Trần Đình Long - Hòa Phát, Lê Phước Vũ - Tôn Hoa Sen hay Trần Anh - một tên tuổi lớn trên lĩnh vực kinh doanh mặt hàng điện tử, máy tính và điện thoại di động đã cùng có mặt tại Yên Bái.

Hòa Phát là cái tên đầu tiên mà chúng tôi nhắc tới. “Đại gia” ngành thép  đến với Yên Bái từ rất sớm với Công ty cổ phần Hòa Yên, ngành nghề khai thác và chế biến quặng sắt. Chỉ một thời gian ngắn, Công ty Hòa Yên đã trở thành đơn vị lớn nhất trên lĩnh vực khai thác và chế biến quặng sắt, lớn mạnh không chỉ bởi sản lượng, doanh thu mà còn nộp ngân sách, làm từ thiện nhân đạo...

Đang ở “đỉnh cao” bỗng nhiên Hòa Yên dừng sản xuất - một hành động mà sau này giới khai khoáng đánh giá là rất đúng lúc bởi giá phôi thép, nhất là quặng tinh tụt dốc thê thảm, hiện giá quặng tinh chưa bằng 1/3 giá bán ở thời kỳ cao nhất.

Nhưng điều đáng nói ở Hòa Yên không chỉ là chuyện dừng làm quặng sắt mà ở việc doanh nghiệp này đã và đang lặng lẽ đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Từ đầu năm 2015, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng khu chồng trại chăn nuôi lợn, quy mô lớn, công nghệ cao tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên.

Ngày 26/5/2016, những con lợn siêu thuần chủng đầu tiên từ Bắc Âu  - Đan Mạch trong số 1.250 con đã được đưa về đây chăm sóc, đó là thế hệ lợn “ông, bà” để mỗi năm sản sinh ra khoảng 9.000 nái hậu bị, cung cấp cho hệ thống chăn nuôi lợn giống của Tập đoàn Hòa Phát, mở ra cơ hội lớn cho nghề chăn nuôi cả nước khi có thêm một thế hệ lợn giống chất lượng cao.

Giống như rất nhiều người Việt Nam khác, người dân Yên Bái luôn tự hào bởi doanh nhân Phạm Nhật Vượng được thế giới công nhận là tỷ phú đô la đầu tiên ở Việt Nam.

Câu chuyện về tỷ phú đô la càng hấp dẫn hơn khi  ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng đầu tư vào khu nhà - phố thương mại Vincom Shophouse Yên Bái thuộc tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Nguyễn Thái Học - Yên Bái - dự án đầu tiên của Vingroup tại khu vực Tây Bắc.

Dự án gồm 104 căn shophouse với kiến trúc tân cổ điển sang trọng được bố trí thành hai khu Phú Gia và Mỹ Gia. Tất cả các căn shophouse đều nằm bao quanh tâm điểm là Trung tâm Thương mại Vincom, đây là trung tâm thương mại đẳng cấp và hiện đại, được phát triển theo mô hình “Một điểm đến - Mọi nhu cầu” đầu tiên tại Yên Bái.

Hiện dự án đang được gấp rút triển khai và nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của các cấp, các ngành cũng như sự quan tâm rất lớn của người dân thành phố Yên Bái, các huyện thị và tỉnh bạn Lào Cai.

Ông Hoàng Đức Kiên - Giám đốc Văn phòng Tổng đại lý Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, một doanh nhân khá thành công trên lĩnh vực tài chính nhận xét: “Đây chắc chắn sẽ là một nơi đáng sống, gia đình tôi đã quyết định chọn mua một căn trong khu nhà - phố thương mại này”.

Đúng vào dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã tổ chức lễ khởi công Dự án Khu trung tâm Thương mại, Khách sạn Hoa Sen Yên Bái.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đó là một khu phức hợp, gồm: khách sạn 4 sao, nhà hàng, trung tâm hội nghị, căn hộ cao cấp... trong tòa nhà cao tầng, được xây dựng trên khu đất 1,5 ha nằm giữa trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh Yên Bái.

Dự kiến, trong thời gian tới Tôn Hoa Sen sẽ tiếp tục triển khai nhà kho tại nút giao IC 12 và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên.

Chi nhánh Tôn Hoa Sen Yên Bái luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm.

Được biết, Tôn Hoa Sen là thương hiệu lớn, đã có mặt tại Yên Bái được vài năm nay với Chi nhánh Tôn Hoa Sen đặt tại phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái - nơi cung cấp mặt hàng tôn và ống thép với nhiều chủng loại, chất lượng bảo đảm và giá cả hợp lý.

Trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt của thị trường tôn thép nhưng Chi nhánh Tôn Hoa Sen vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20% năm và năm sau luôn cao hơn năm trước.

Trong khi nhiều dự án quy mô lớn rầm rộ khởi công thì một tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ lại khá lặng lẽ chuẩn bị cho sự ra mắt tại thành phố Yên Bái. Dù khá âm thầm nhưng lại triển khai rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn khu nhà tiền chế đã được lắp ráp trên diện tích khá lớn bên đường Nguyễn Thái Học - một tuyến đường đô hội nhất ở thành phố Yên Bái đã khiến không ít người đặt câu hỏi: không biết doanh nghiệp nào, đầu tư vào lĩnh vực gì ở đây? Và câu trả lời là Siêu thị Điện máy Trần Anh - một tên tuổi lớn trên lĩnh vực bán lẻ hàng điện tử, tin học và mobile.

“Nhảy” vào thị trường Yên Bái vốn chưa lớn, trong khi đã có quá nhiều cửa hàng, cửa hiệu và siêu thị kinh doanh mặt hàng này nhưng Trần Anh vẫn đặt niềm tin cho sự thành công của mình, bởi họ không chỉ là một tên tuổi lớn trên lĩnh vực bán lẻ, có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính... để vượt lên đối thủ cạnh tranh mà còn có niềm tin vào sự phát triển của thị trường Yên Bái.

Dân kinh doanh thừa hiểu, thị trường còn phát triển mạnh, đơn cử như mặt hàng ti vi, trước đây cả xóm mới có một cái xem chung, đời sống càng ngày càng đi lên, mỗi nhà có một chiếc, rồi mỗi phòng có một chiếc. Ti vi chưa hỏng, chưa cũ mà rất nhiều người đã mua ti vi mới về thay bởi nhu cầu thay đổi công nghệ.

Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, không ngừng mời gọi các nhà đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương và chúng ta đã biết “chọn mặt gửi vàng” khi lựa chọn những tên tuổi lớn đến Yên Bái cùng đồng hành trên con đường phát triển. Yên Bái - “nàng công chúa ngủ trong rừng” đã thức dậy, tươi mới và đầy sức sống.

Lê Phiên

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục