Chào mừng Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ II - năm 2016

Tiềm năng vùng quế Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2016 | 8:34:56 AM

YBĐT - Mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành, lá quế đạt khoảng 55.000 tấn; tinh dầu quế khoảng 290 tấn; gỗ quế đạt 62.000 mét vuông.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Văn Yên tham quan gian trưng bày sản phẩm quế tại Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ I.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Văn Yên tham quan gian trưng bày sản phẩm quế tại Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ I.

Mỗi người con quê hương Văn Yên khi xa quê, luôn mang trong mình niềm tự hào là đứa con của vùng đất quế - nơi tạo ra một đặc sản rất đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Du khách đến thăm đất quế Văn Yên, ai cũng cùng chung cảm giác ngất ngây, đắm mình trong hương quế cay nồng, ngào ngạt.

Từ xưa, quế đã là một trong 4 vị thuốc quý được gọi là "tứ bảo đông y" gồm: sâm, nhung, quế, phụ. Ngày nay, quế, bột quế càng được sử dụng nhiều hơn và không chỉ trong dược liệu mà còn là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn. Cây quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, là "biểu tượng" kinh tế, văn hóa của cộng đồng người Dao, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.

Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 139 nghìn ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 75%. Do có địa hình đồi núi cao, nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế, nên vùng quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao. Người Dao ở Văn Yên cần cù, chịu khó, gắn bó với cây quế, nghề quế, nên những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như: chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên trong nhiều nhiệm kỳ luôn xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã có biện pháp duy trì diện tích, sản lượng quế; khai thác phù hợp; bảo tồn nguồn gen quý của giống quế bản địa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế hoạt động. Hàng năm, huyện trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế. Nhờ đó, cây quế đã có mặt ở cả 27 xã, thị trấn với diện tích trên 40.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên đến thăm vùng bảo tồn giống quế địa phương. (Ảnh: Thanh Miền)

Cây quế ở Văn Yên đã mang lại thu nhập rất lớn cho người trồng quế, bởi vỏ, gỗ, lá, gốc rễ đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống nên đều có thể trở thành hàng hóa. Với giá trị như vậy, cây quế ngày càng khẳng định vị thế kinh tế chủ lực.

Mỗi năm, huyện xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành, lá quế đạt khoảng 55.000 tấn; tinh dầu quế khoảng 290 tấn; gỗ quế đạt 62.000 m3. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ cây quế.

Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm khoảng trên 540 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, xã hội, thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.


Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen có quý.

Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15m trở lên ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen.

Ngoài ra, huyện còn bảo tồn 14 ha quế ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hàng năm và làm tiền đề phục vụ du lịch. Tháng 1 năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Như vậy, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn thứ nhất nước với giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Cùng với đó, huyện đã xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế.

Nhờ đó, đến nay huyện có 12 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế và hàng nghìn hộ thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế.

Vượt qua những thăng trầm, biến động của cơ chế thị trường, cây quế  Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái. Quế đã trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chủ lực tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái.

Đặc biệt, từ khi được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế đã được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ngoài nước như thị trường Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Âu.

Sản phẩm quế của người Dao ở Văn Yên. (Ảnh: Thanh Miền)

Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của Văn Yên trong nhiều năm tới. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), huyện đã quy hoạch diện tích nhằm ổn định vùng quế chất lượng cao ở 10 xã vùng cao và ở 8 xã nằm dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đồng thời, chỉ đạo phát triển sản xuất quế theo hướng hàng hoá, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng thị trường trong, ngoài nước. Gắn sản xuất quế với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây quế và tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, trong đó, có sản phẩm quế.

Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế, tinh dầu quế theo hướng bền vững và hướng tới áp dụng các công nghệ chế biến, quy trình quản lý chất lượng cao cho sản phẩm quế, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khi xuất ra thị trường. Quan tâm phát triển đường giao thông nông thôn để tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm quế.

Cùng đó, huyện đã và đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính phù hợp để tạo môi trường lành mạnh cho các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch. Qua đó, liên kết phát triển thị trường quế trong và ngoài nước cũng như liên kết phát triển du lịch trên địa bàn huyện được thuận lợi.

Năm 2015, huyện Văn Yên đã  tổ chức Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ Nhất rất thành công và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tổ chức, cá nhân, khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiệu ứng của Lễ hội Quế đã góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm quế, tác động tích cực đến triển kinh tế, xã hội của Văn Yên.

Qua sự thành công của Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ Nhất, UBND tỉnh đã quyết định đưa Lễ hội Quế Văn Yên vào tổ chức định kỳ thường niên. Năm 2016, với tinh thần kế thừa cách thức, kinh nghiệm của Lễ hội Quế năm 2015, cấp ủy, chính quyền huyện mong muốn, kỳ vọng sẽ nâng Lễ hội Quế của huyện lần thứ II - năm 2016 lên một tầm cao mới, nhằm tạo nên một hoạt động văn hóa truyền thống, mang sắc thái riêng của huyện, gắn kết phát triển sản xuất, tiêu thụ, quảng bá thương hiệu các sản phẩm quế; đồng thời, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của con người, quê hương Văn Yên.

Tin tưởng thành công của Lễ hội Quế sẽ là cơ hội để Văn Yên mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng xã trồng quế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, thúc đẩy ngành quế phát triển bền vững, từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người trồng quế; giải quyết tốt việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện và tăng thu ngân sách. Đồng thời, nâng cao giá trị thương hiệu quế Văn Yên trên thị trường trong nước, quốc tế; quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Văn Yên đến với du khách.

Trần Huy Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Bí thư Huyện ủy Văn Yên.

Một số hình ảnh về miền quế Văn Yên:

Giống quế bản địa, lá nhỏ Văn Yên được bảo tồn và phát triển.

Sản phẩm quế kẹp số 3 của Văn Yên được xuất khẩu đi nhiều nước.

Đóng gói sản phẩm quế vỏ tại Hợp tác xã Quế Sơn, xã An Thịnh.

Thiếu nữ vùng quế.

Đồng chí Vũ Quang Hải - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên (đứng giữa) trao đổi với học sinh Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế.

Quế gắn liền với bản sắc văn hóa của người Dao đỏ

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục