Văn Yên “đánh thức” tiềm năng du lịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/2/2017 | 8:15:53 AM

YBĐT - Cùng chung sự phát triển du lịch của tỉnh, du lịch Văn Yên đang ngày càng khởi sắc.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế tại Lễ hội Quế Văn Yên.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế tại Lễ hội Quế Văn Yên.

Văn Yên từ lâu được mệnh danh là vùng đất “cao sơn ngọc quế”, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp với núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối ngàn, thác nước, rừng nguyên sinh có hệ sinh thái đa dạng và lưu giữ nhiều sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ thế mạnh đó, huyện đã từng bước khơi dậy tiềm năng để phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Vùng đất Văn Yên lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, nơi đây còn giữ gìn, tôn tạo và phát huy tốt các di tích đã được Nhà nước công nhận, trong đó có 12 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia. Trong 14 di tích trên, có 11 di tích lịch sử văn hóa và 3 di tích lịch sử cách mạng. Nhiều lợi thế về sinh thái tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, phong tục tập quán là điều kiện lý tưởng để huyện phát triển các loại hình du lịch.

Đến với Văn Yên, du khách có thể tìm thấy sự bình yên, chút bỏ ưu phiền và ước nguyện những điều tốt đẹp ở ngôi đền cổ kính, linh thiêng nổi tiếng như đền Mẫu Đông Cuông. Tọa lạc tại tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông.

Theo sử sách, đền được xây dựng vào thời Lê, là nơi thờ tự tín ngưỡng đạo Mẫu và những người có công với đất nước, được các vị vua nhà Nguyễn trao 4 sắc phong. Năm 2009, đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đồng thời cho phép phục hồi, tôn tạo khang trang. Hàng năm, ngoài tuần rằm, mùng một, tứ thời, bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ hội chính vào ngày Mão tháng Giêng và ngày Mão tháng Chín.

Đặc biệt, đến với Đông Cuông, du khách còn được nghe, xem các làn điệu dân ca, dân vũ, thưởng thức các món ăn đặc sắc tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Cầu Có trong không gian thanh bình của một vùng quê nông nghiệp.

Cách đền Đông Cuông khoảng 20 km về phía thượng huyện là đền Nhược Sơn - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đền tọa lạc trên một thế đất khá bằng phẳng bên bờ sông Hồng ở thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ. Đền Nhược Sơn thờ danh tướng Hà Khắc Chương - một võ tướng thời nhà Trần đã có công đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía Bắc, chống quân xâm lược Nguyên Mông, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta vào cuối thế kỷ XIII. Đền Nhược Sơn một năm có hai lễ hội chính vào ngày 20 tháng Giêng và ngày 20 tháng Chín âm lịch. Ngày lễ diễn ra tại đền với các nghi lễ cổ truyền và các trò chơi dân gian đặc sắc là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng.

Cùng với các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Văn Yên còn có hệ thống các di tích được tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, như: đền Trạng (xã Yên Thái) thờ Trạng Lường - Lương Thế Vinh, đình Mường A, đền Phúc Linh, đình Yên Phú, đền Đại An, đền Gò Chùa, đền Thánh Mẫu. Đây là những điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc trong huyện, thể hiện mong ước của con người luôn khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ, tôn vinh người có công khai phá lập bản mường, đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.

Bên cạnh các điểm du lịch văn hóa tâm linh, đến với Văn Yên, du khách sẽ hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng phong cảnh hoang sơ của quần thể thác Khe Cam, thác Lâm An tại xã Ngòi A.  Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là một địa điểm thú vị cho những du khách yêu thích thiên nhiên, ưa sự mạo hiểm.

Với diện tích trên 16.000 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có hệ động, thực vật còn khá nguyên vẹn; nhiều động, thực vật quý hiếm được bảo tồn và phát triển, có khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, tại thôn 10, xã Phong Dụ Thượng còn có suối nước nóng nguyên sơ chưa được khai thác. Đây là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhiều du khách tìm đến để vui chơi giải trí với những trải nghiệm thú vị vào những ngày nghỉ cuối tuần, mang lại sự bình an, thư thái cho tâm hồn.

Trên cơ sở chủ trương phát triển du lịch huyện Văn Yên theo Đề án Phát triển du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Khai thác các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để xây dựng, phát triển, khai thác các dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện”, năm 2016, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển du lịch.

Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan khảo sát, xây dựng quy hoạch tổng thể các điểm phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng trên địa bàn; duy trì mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Tát, xã Nà Hẩu và thôn Cầu Có, xã Đông Cuông. Bước đầu, các mô hình trên đang hoạt động tốt và cho hiệu quả.

 Đồng thời, chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và chính quyền các địa phương có di tích lịch sử được xếp hạng phối hợp tổ chức tốt các lễ hội. Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thành công Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ Hai năm 2016.

Song song với đó, huyện đã tăng cường tuyên truyền kêu gọi các nguồn lực đầu từ các thành phần kinh tế để tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, trọng tâm là hạ tầng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và tiền thu công đức với số tiền trên 40 tỷ đồng để chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các di tích trên địa bàn huyện.

Các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng mới 5 nhà nghỉ, khách sạn, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện là 27 cơ sở. Đến nay, một số đơn vị, làng nghề đã có các sản phẩm phục vụ khách du lịch như: sản phẩm từ vỏ quế, thân cây quế, tinh dầu quế, thuốc nam, rau rừng, gà đen, lợn sạch... Các sản phẩm trên đã tiêu thụ với số lượng lớn, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Qua một năm thực hiện Đề án, du lịch Văn Yên đã có bước tiến rõ nét, từ việc chỉ mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ như trước đây, đến nay, du lịch từng bước phát triển theo quy hoạch. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về du lịch đã từng bước nâng cao. Hạ tầng du lịch đã được quan tâm đầu tư xây dựng, chỉnh trang. Công tác quản lý du lịch đã có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Năm 2016, lượng du khách đến với huyện ước đạt gần 600.000 lượt người. Chất lượng phục vụ du khách từng bước nâng cao, luôn bảo đảm sự thân thiện, mến khách, là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước. 

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên cho biết: “Để khai thác hơn nữa, tiềm năng du lịch, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đối với thị trường trong và ngoài tỉnh. Tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành trung ương để đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch đến những thị trường du lịch trọng điểm cả nước; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức quản lý nhà nước, đào tạo các hộ gia đình đủ năng lực tổ chức du lịch theo mô hình phát triển cộng đồng. Đồng thời, huyện tiếp tục đề xuất với tỉnh, trung ương trong việc hỗ trợ đầu tư; mời gọi đầu tư và huy động các nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch tại địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, đầu tư phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn”.

Cùng chung sự phát triển du lịch của tỉnh, du lịch Văn Yên đang ngày càng khởi sắc. Để có những “cú huých” tương xứng với tiềm năng sẵn có, Văn Yên đang rất cần được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư và khai thác, đưa du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Hồng Vân

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục