Mù Cang Chải thu hút đầu tư

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/5/2017 | 10:49:56 AM

YBĐT - Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng sẵn có cùng chính sách ưu đãi, mời gọi, Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Bên cạnh các dự án phát triển thủy điện, việc thu hút các đầu tư vào chế biến nông, lâm sản, du lịch, nghỉ dưỡng đang tạo nên khởi sắc cho diện mạo vùng cao.

Khởi công xây dựng Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải do Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt làm chủ đầu tư.
Khởi công xây dựng Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải do Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt làm chủ đầu tư.

Mù Cang Chải không có sông lớn nhưng lại có hàng chục khe suối lớn bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên với chiều dài 360 km, trong đó, suối Nậm Kim chảy xuyên chiều dài của huyện với 75 km; suối Nang Khủ, xã Chế Tạo dài 35 km… Đây là lợi thế để huyện thu hút đầu tư, phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

Cùng đó, huyện có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông, có địa hình bay dù lượn “Bay trên mùa vàng”… thu hút mỗi năm hàng chục nghìn du khách. Ngoài ra, huyện có khoảng 2.000 ha “đặc sản sơn tra" có thể chế biến thành nhiều mặt hàng thực phẩm, dược phẩm... Tiềm năng, lợi thế này chính là điều kiện thuận lợi để huyện thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, chế biến nông, lâm sản.

Trên cơ sở đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của tỉnh, huyện đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư…

Nhờ cách làm đúng hướng, cởi mở, thời gian qua, Mù Cang Chải đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng nhà máy thủy điện. Qua đó, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp không nhỏ cho ngân sách huyện.

Tiêu biểu trong số này phải kể đến các thủy điện đã khởi công và đi vào hoạt đông như: Nhà máy Thủy điện Khao Mang, khởi công tháng 3/2013 với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng; công suất 30 MW, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 1/2017, doanh thu dự kiến 150 tỷ đồng/năm. Nhà máy Thủy điện Khao Mang thượng, công suất 24,5 MW, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/2015 với doanh thu 120 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Nhà máy Thủy điện Hồ Bốn, Nhà máy Thủy điện Mường Kim cũng lần lượt được đưa vào sử dụng tháng 3/2012 và tháng 9/2010 đã tạo diện mạo mới cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đang trong giai đoạn khảo sát và dự kiến phát điện trong vài năm tới như: Dự án Cụm thủy điện Chế Tạo gồm 6 nhà máy với tổng công suất thiết kế 55,1 MW và tổng vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng; Nhà máy Thủy điện Lìm Thái, công suất 12 MW, tổng vốn đầu tư trên 412 tỷ đồng; Nhà máy Thủy điện Trống Khua, công suất 9 MW, tổng vốn đầu tư trên 334 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư, nâng cao giá trị cây trồng, nhất là cây sơn tra, huyện đã triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng nhãn hiệu cho quả sơn tra; đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích sơn tra. Trên cơ sở đó, cuối năm 2016, Dự án Tổ hợp Kinh tế miền núi Yên Bái, do Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại MCC làm chủ đầu tư với số vốn 1.250 tỷ đồng đã khởi công tại xã Nậm Khắt.

Dự án gồm các hợp phần: phát triển cây dược liệu, phát triển du lịch sinh thái tại các xã: Nậm Khắt, Púng Luông; sản xuất than sinh học, công suất 500 tấn/năm; xưởng sản xuất phân hữu cơ sinh học, công suất 1.000 tấn/năm; xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất 3-4 tấn/giờ; xưởng sản xuất máy đốt rác thải sinh học, công suất 300 sản phẩm/năm; cơ sở chế biến quả sơn tra, công suất 500 tấn/năm.

Trong quá trình thực hiện Dự án, Công ty sẽ tận dụng diện tích trồng sơn tra tiến hành trồng xen canh dược liệu, cây công nghiệp, ứng dụng sản phẩm RRP của Đức làm đường, nhà trình tường bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe của du khách trong, ngoài nước.

Ngoài ra, Công ty sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật và chăm sóc cây nghệ cho người dân địa phương trồng xen canh với cây sơn tra và cam kết thu mua với giá 5.000 đồng/kg; phát triển vùng nguyên liệu cây hương nhu, cây màng tang chiết xuất tinh dầu xuất khẩu trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc.

Được biết, sau khi đi vào hoạt động, Công ty có thể tạo việc làm cho khoảng hơn 200 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong lĩnh vực du lịch, hiện nay Dự án Khu dịch vụ nghỉ dưỡng ngắm ruộng bậc thang do Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt làm chủ đầu tư đang được thi công tại xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha. Đây là Dự án có tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng, diện tích 6,3 ha, quy mô 36 căn biệt thự, dự kiến phục vụ trên 6.000 lượt khách/năm.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt triển khai trồng 500 ha cải dầu vừa phục vụ du lịch vừa tạo thêm thu nhập cho dân địa phương. Sắp tới, Công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy ép dầu cải đặt tại xã Púng Luông. Cùng với đó, Dự án Không gian Văn hóa - Du lịch Mù Cang Chải - bản sắc do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội làm chủ đầu tư sẽ khởi công tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải với tổng vốn đầu tư 154 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo mới cho du lịch ở huyện vùng cao này.

Từ chính sách ưu đãi, mời gọi đầu tư của tỉnh, huyện, nhiều doanh nghiệp đã, đang lựa chọn Mù Cang Chải để “gửi vàng”. Tuy nhiên, để các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ, các cấp chính quyền cần thường xuyên trao đổi, gặp gỡ, giải quyết các vướng mắc phát sinh với doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu và đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mặt bằng… đáp ứng nhu cầu phát triển và yêu cầu của nhà đầu tư.  

Hùng Cường

Các tin khác
Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Yên Bái vừa được khánh thành đưa vào sử dụng với vốn đầu tư trên 670 tỷ đồng.

YBĐT - Năm 2016, Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 38 dự án mới. Một số dự án được cấp quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư có quy mô, vốn đầu tư lớn của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp có tiềm năng như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Chân - Thiện - Mỹ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lộc Hương.

Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Yên Bái của Tập đoàn Vingroup vừa được khánh thành.

YBĐt - Dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch thực hiện trên địa bàn sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cùng rất nhiều hỗ trợ đầu tư.

YBĐT – Sáng 1/3, tại khu vực nút giao IC 12 thuộc xã Minh Quân, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Ống thép Hoa Sen Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Tập đoàn Hoa Sen tổ chức.

YBĐT - Chiều 16/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Hoa Sen và Công ty tổ chức sự kiện Newday Media, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan để nghe báo cáo kế hoạch triển khai tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy ống thép Hoa Sen Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục