Thu hút đầu tư - khai thác tiềm năng, lợi thế

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/12/2018 | 10:53:51 AM

YBĐT - Xác định rõ lợi thế, tiềm năng, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tinh thần cầu thị, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

365 ngày của năm 2018 khép lại, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,31%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,2%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,96%, dịch vụ tăng 5,86%... 31/31 chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. 

Thu ngân sách đạt trên 2.900 tỷ đồng, bằng 130,7% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 11.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 9.700 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 130 triệu USD... 

Những con số ấn tượng đó là kết tinh trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp phát triển theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, kết hợp với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư phát triển thương mại dịch vụ. 

Đặc biệt, Yên Bái đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại. Năm 2018 cũng là năm Yên Bái đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược (đẩy mạnh cải cách hành chính; huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Những hành động cụ thể, đã tạo nên một bức tranh kinh tế với gam màu sáng. 

Trong thu hút đầu tư, tỉnh Yên Bái không nói chung chung mà bằng hành động cụ thể như ngoài việc cam kết thực hiện tốt các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư còn tạo mọi điều kiện hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Yên Bái còn xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, nên ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, khi đến với Yên Bái các nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm các ưu đãi đầu tư như: về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ về san tạo mặt bằng, hỗ trợ xây dựng các công trình kết nối hạ tầng, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương... 

Nhờ vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước đến Yên Bái tìm hiểu và đầu tư tại Yên Bái ngày một nhiều. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018), Yên Bái đã thực hiện cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 128 dự án với tổng số vốn trên 31.262 tỷ đồng - một con số ấn tượng đối với một tỉnh nằm sâu trong nội địa như Yên Bái. 

Năm 2018 - một năm nhiều khó khăn nhưng vẫn có 46 dự án đầu tư vào tỉnh, với số vốn đăng ký hàng ngàn tỷ đồng. Trong năm, thành lập mới 220 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 2.300 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 1.930 doanh nghiệp. 

Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện sức hấp dẫn của Yên Bái trong mắt các giới đầu tư; đồng thời, Yên Bái luôn là tỉnh đứng tốp đầu của khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2016 xếp 47/63 tỉnh thành, năm 2017 xếp 46/63 tỉnh, thành phố với 60,72 điểm). 

Trong đó, nổi bật là việc Yên Bái đã cải thiện môi trường đầu tư như: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo trong giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và các thiết chế pháp lý, thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng hiệu quả... 

Trước đây, cả tỉnh có duy nhất Công ty liên doanh đá vôi Ban Pu thì nay số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng, quy mô mà cả chất lượng được nâng lên. Các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư phát triển như: Tập đoàn Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Công ty TNHH Daesung Hàn Quốc, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ... 

Một số dự án có vốn đầu tư khá lớn là dự án chăn nuôi chế biến thỏ công nghệ cao với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng; dự án đầu tư tổ hợp kinh tế miền núi Yên Bái tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại MCC có vốn đăng ký đầu tư 1.250 tỷ đồng; dự án đầu tư nhà máy chế xuất khí công nghiệp tại Khu Công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên của Công ty cổ phần Công nghệ khí Việt Nam có vốn đăng ký đầu tư 1.485 tỷ đồng; dự án đầu tư khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện tại tổ 48, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái của Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái có vốn đăng ký đầu tư 1.200 tỷ đồng. 

Mới đây nhất là dự án đầu tư Nhà máy chế biến gỗ Kim Gia; dự án xây dựng nhà máy ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc; dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Thiên đường Nam Cường của Công ty TNHH Xây dựng Thành Đại... Một số dự án đã được các nhà đầu tư quan tâm và triển khai như dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Tập đoàn Alphanam; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội của Tập đoàn TH...  

Ông Nguyễn Minh Toàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: với phương châm "Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái. Sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, Yên Bái đặc biệt chú trọng cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn từ khi đầu tư đến sản xuất. 

Yên Bái khẳng định sự kiên trì và quyết tâm cao trong thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu tăng trưởng  nhanh và bền vững gắn liền với việc bảo đảm an sinh xã hội. 

Do vậy, các ngành, các cấp luôn thể hiện rõ trách nhiệm và ý thức phục vụ; có biện pháp phù hợp, kịp thời để huy động, phát huy các nguồn lực cho phát triển. Không chỉ cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, Yên Bái còn đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông đã đáp ứng cho phát triển. Yên Bái còn xây dựng 4 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500 ha phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư... 

Yên Bái là tỉnh nằm ở của ngõ vùng trung du và miền núi phía Bắc; là cửa ngõ của vùng Tây Bắc; là điểm trung chuyển và là cửa ngõ kết nối giao thông, hợp tác, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Yên Bái còn là đầu mối quan trọng của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội đi Lào Cai. 

Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh đã rút ngắn thời gian đi lại thuận tiện cho việc giao lưu, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với các địa phương vùng lân cận... 

Cùng đó, với lợi thế của một tỉnh miền núi có đất đai rất lớn, giàu tài nguyên, khoáng sản; đặc biệt, có trên 586.000 ha đất nông, lâm nghiệp nằm trên nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, đã hình thành được các vùng hàng hóa tập trung: vùng quế trên 70.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè 8.000 ha, vùng cây ăn quả gần 7.800 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha... là những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.

Thanh Phúc

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục