Nghĩa Lộ: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/2/2019 | 8:26:41 AM

YênBái - Thị xã Nghĩa Lộ đã xác định xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương như: du lịch tâm linh, du lịch bản sắc văn hóa và du lịch kết nối tour tuyến nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan trải nghiệm và khám phá của khách du lịch.

Du khách quốc tế thích thú được trải nghiệm tại các cơ sở lưu trú ở thị xã Nghĩa Lộ.
Du khách quốc tế thích thú được trải nghiệm tại các cơ sở lưu trú ở thị xã Nghĩa Lộ.

Thị xã Nghĩa Lộ hiện có các điểm du lịch tâm linh và truyền thống cách mạng như: Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đồi Pú Trạng, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền thờ anh hùng Cầm Hánh, Đền thờ Liệt sỹ và cụm cây đa di sản. 

Trong những năm qua, thị xã đã quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử với nhiều hạng mục được nâng cấp, sửa chữa, khôi phục nguyên hiện trạng. Nhờ đó, năm 2018, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã đón và phục vụ 18.000 lượt du khách, các điểm tâm linh ngày càng đông bà con nhân dân và du khách đến tham quan tìm hiểu. Các điểm tâm linh ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách thập phương. 

Anh Nguyễn Xuân Bình - khách du lịch cho biết: "Lần đầu được đến thăm khu di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ tôi thấy đây là một di tích được bảo tồn rất tốt, khuôn viên sạch sẽ, đặc biệt là việc hướng dẫn tham quan tìm hiểu về di tích rất được thị xã chú trọng nên những du khách như tôi đến đây không hề thấy lạ lẫm”. 

Có thể nói, du lịch cộng đồng nằm trong sản phẩm du lịch bản sắc của thị xã thời gian qua đã phát triển cả về quy mô cũng như chất lượng phục vụ khách. Hiện nay, thị xã có gần 20 hộ làm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu ở xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, phường Tân An, hàng năm các cơ sở du lịch cộng đồng đón trên 20.000 lượt du khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Các hộ đã biết phát huy thế mạnh về ẩm thực, các món ăn bản địa đậm hương vị thiên nhiên để hấp dẫn du khách. 

Bên cạnh đó là các tiết mục văn nghệ truyền thống cũng khiến du khách thích thú, khó quên. Cùng với đó, Nghĩa Lộ còn rất chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để làm hàng hóa du lịch, trở thành những món quà đặc trưng riêng có của thị xã mà du khách có thể mua làm quà tặng, kỷ niệm. 

Có thể kể đến như các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan, chiếu hạt, mặt hàng thổ cẩm, thịt sấy… gần đây đã phát triển cả về quy mô và chất lượng, đã được công nhận là những sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu trong toàn tỉnh và được du khách rất ưa chuộng. 

Bà B. Girit  - du khách người Pháp chia sẻ: "Lần đầu tiên đến đây chúng tôi được đón tiếp rất nồng nhiệt, cảnh quan thiên nhiên con người ở đây rất đẹp và thân thiện. Chúng tôi còn được thử dệt vải, đặc biệt là được thưởng thức những món ăn bản địa rất hấp dẫn và ngon miệng. Một ngày gần nhất tôi sẽ trở lại”. 

Một trong những giải pháp quảng bá phát triển tiềm năng du lịch của thị xã đó là việc mở rộng kết nối tour tuyến với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế để đưa du khách về với Nghĩa Lộ và từ thị xã đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Hiện nay, đã xây dựng thành công tour: Nghĩa Lộ - Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Nghĩa Lộ - đồi thông, suối nước nóng Trạm Tấu; Nghĩa Lộ - Suối Giàng Văn Chấn, suối nước nóng Bản Bon; Nghĩa Lộ - hồ Thác Bà; Nghĩa Lộ - Sa Pa - Sơn La - Điện Biên Phủ… 

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Quá trình phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của thị xã Nghĩa Lộ trong những năm qua đã được các cấp, các ngành quan tâm, có những định hướng chỉ đạo kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thị xã cũng xác định việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù sẽ là thế mạnh, là mũi nhọn trong phát triển du lịch và dịch vụ chung của thị xã, nhằm hướng đến xây dựng và quảng bá được những tiềm năng du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế”. 

Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, đặc biệt là những người làm công tác xúc tiến du lịch thì sản phẩm du lịch đặc thù của thị xã Nghĩa Lộ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục được giới thiệu và quảng bá tới du khách trong và ngoài nước. 

Các sản phẩm du lịch đặc thù của thị xã sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương, từng bước thay đổi diện mạo du lịch trong toàn tỉnh, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của Nghĩa Lộ - Yên Bái trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nguyễn Thư - Xuân Tỉnh (Trung tâm TT&VH thị xã Nghĩa Lộ)

Tags Nghĩa Lộ Suối Giàng Bản Bon

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục