Đất hiếm: Tiềm năng của Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/6/2019 | 8:10:35 AM

YênBái - Khoáng sản là một trong những lĩnh vực khá hấp dẫn nhờ sự đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Đất hiếm ở Yên Bái cũng là một trong những tài nguyên khoáng sản quý. Tại Yên Bái, các nhà địa chất đã tìm ra mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Một mỏ khai thác khoáng sản ở Yên Bái.
Một mỏ khai thác khoáng sản ở Yên Bái.

Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang đến Yên Bái cùng tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, khoáng sản là một trong những lĩnh vực khá hấp dẫn nhờ sự đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Đất hiếm ở Yên Bái cũng là một trong những tài nguyên khoáng sản quý.

Đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất, như Yttrium và Lanthanum. Chúng nằm ở giữa bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Nguyên tố đầu tiên trong đất hiếm được phát hiện vào năm 1787. Đa số chúng được dùng trong lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng. 

Người ta dùng 17 nguyên tố trong đất hiếm để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi dùng cả xăng và điện, nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ và cả các thiết bị trong vũ trụ.

Ngoài ra, đất hiếm còn là nguyên liệu quan trọng đối với việc phát triển các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường. Báo The Christian Science Monitor cho biết, trong những năm đầu thập niên 40 thế kỷ trước, đất hiếm là thứ mà rất ít người biết, nhưng sau khi Frank Spedding, một nhà hóa học người Mỹ, tìm ra cách phân tách và tinh chế từng nguyên tố thì giới khoa học mới chú ý tới nó. Những tác dụng của đất hiếm bắt đầu được khám phá trong thập niên 60. 

17 nguyên tố trong đất hiếm đặc biệt vì chúng có nhiều tính chất vật lý khó tin; chúng tạo ra nhiều công dụng kỳ diệu khi kết hợp với những nguyên liệu thông thường khác, chẳng hạn như Europium là nguyên tố giúp con người biến tivi đen trắng thành tivi màu, Erbium được đặt vào các sợi cáp quang truyền dữ liệu để ánh sáng trong cáp di chuyển xa hơn. 

Một số nguyên tố trong đất hiếm được dùng để sản xuất những nam châm nhỏ hơn song mạnh hơn dành cho ô tô, ổ đĩa máy tính, máy phát điện, động cơ và cả hệ thống dẫn đường cho tên lửa... nhiều nguyên tố khác làm tăng khả năng chịu nhiệt của các cánh quạt trong động cơ phản lực và làm tăng độ sáng của các ống nhòm hồng ngoại (dùng để quan sát trong đêm). 

Mặc dù được gọi là đất hiếm, song trên thực tế những nguyên tố trong đất hiếm khá sẵn trong tự nhiên. Mức độ phổ biến của chúng tương đương với mạ kền hay thiếc; thế nhưng chúng không phải là những thứ dễ khai thác và chiết tách.

Các mỏ đất hiếm tồn tại khắp nơi trên thế giới. Cục Địa chất Mỹ nhận định, tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu lên tới 99 triệu tấn, trong đó Trung Quốc có 36 triệu tấn và Mỹ có 13 triệu tấn. Đất hiếm ở Việt Nam được phát hiện từ những năm 1956 và được đầu tư tìm kiếm, đánh giá, thăm dò từ năm 1957 đến nay. 

Các kết quả điều tra, đánh giá đã chỉ ra Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về đất hiếm (đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ). Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan - ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc Việt Nam và khu vực Tây Nguyên, trong đó Lai Châu và Lào Cai là hai tỉnh có mỏ đất hiếm với trữ lượng lớn nhất.

Tại Yên Bái, các nhà địa chất đã tìm ra mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên từ những năm 60 của thế kỷ trước. Theo báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt tại Quyết định số 772, ngày 29 tháng 12 năm 2010 thì trữ lượng địa chất 2.219.427 tấn đất quặng (tương ứng 27.681 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3; 295.792 tấn tinh quặng sắt 60% Fe). 

Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6 năm 2013 với diện tích 6,24 ha, mức sâu khai thác đến mức + 35m, thời gian khai thác 8 năm 01 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác 1.894.617 tấn đất quặng (tương ứng 23.569 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3, 259.615 tấn tinh quặng sắt 60 %Fe).  

Sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Công ty Thái Dương đã thực hiện các thủ tục theo quy định. Đến nay, Công ty đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng cơ bản mỏ, xây dựng xong nhà máy chế biến khoáng sản tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên. 

Theo thiết kế, nhà máy có công suất từ 500 đến 600 tấn tinh quặng oxit đất hiếm TR2O3 với hàm lượng từ 18-20%. Công ty đang thực hiện chạy thử công nghệ và vi chỉnh lại các thiết bị máy móc để sớm đưa vào hoạt động tuyển quặng.

Lê Phiên

Tags Đất hiếm địa chất Yên Phú Văn Yên quặng oxit

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục