Trong 5 năm gần đây (2016 - 2020), kinh tế liên tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm).
Quy mô kinh tế tăng nhanh và đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%); GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Tỉnh đã tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Quy hoạch, triển khai thực hiện và hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân như vùng lúa chất lượng cao, trồng dâu nuôi tằm, cây ăn quả có múi, quế, vùng tre măng Bát độ; sơn tra; trồng gỗ nguyên liệu...
Phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hiện đã, đang triển khai thực hiện 29 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, với tổng kinh phí trên 77.447 triệu đồng. Các dự án liên kết tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: lúa gạo, chè, rau an toàn, gỗ nhiên liệu, cá hồ Thác Bà...
Hiện, toàn tỉnh đã, đang thực hiện 57 dự án chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...
Ngành công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 13.000 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,6%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần giai đoạn trước, vượt 3,3% mục tiêu nghị quyết; trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Nhà nước giảm mạnh, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh, đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững, không để nợ đọng.
Trong 5 năm, đã thực hiện 78 dự án ODA và NGO với tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI toàn tỉnh lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Với tiềm năng, lợi thế và các cơ chế chính sách phù hợp đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước đã lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư quan trọng như: Vingroup, TH, Sungroup, Eurowindow, Hoa Sen, APEC… Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tăng nhanh, hoạt động khá hiệu quả, toàn tỉnh hiện có trên 2.500 doanh nghiệp…
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (cơ chế chính sách, đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực).
Hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, các quy hoạch ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh và ban hành 48 chính sách đồng bộ, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực, điểm nghẽn, tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, XDNTM, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá quan trọng về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thành, đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, NTM, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 2 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 21%.
Hoàn thành 11/18 dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc, nhất là các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra diện mạo mới, khang trang từ thành thị đến nông thôn…
Đây chính là nền tảng quan trọng để Yên Bái "cất cánh” phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Ngọc Trúc