“Tổng rà soát” những nơi có thể xảy ra sạt lở trong đợt mưa lũ thứ 2

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/10/2020 | 9:12:30 AM

Đến tối 30-10, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương báo cáo, có ít nhất 73 người chết và mất tích (trong đó chủ yếu là do sạt lở đất, sạt lở núi). Trong khi mưa lũ đợt 2 đang tới, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu tất cả các tỉnh miền núi phải khẩn trương rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Hiện trường vụ sạt lở đất ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam sau bão số 9 làm hàng chục người chết và mất tích
Hiện trường vụ sạt lở đất ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam sau bão số 9 làm hàng chục người chết và mất tích

Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cảnh báo, từ đêm nay 30-10 đến ngày mai 31-10, ở Bắc Trung bộ - trọng tâm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình lại có mưa rất lớn, có nơi sẽ mưa trên 300mm. 

Nguyên nhân mưa lũ gia tăng trở lại (đợt 2) là do tác động trực tiếp của không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường xuống gặp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, tạo thành tổ hợp thời tiết nguy hiểm.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, từ đêm nay 30-10 đến ngày 31-10, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có mưa rất to với vũ lượng 150-300mm, có nơi trên 400mm. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi có mưa 100-200mm.

Trong khi đó, những ngày qua, mưa lớn đã gây hiện tượng sạt lở núi, sạt lở đất ở nhiều địa phương, gây những thiệt hại nặng nề, thương tâm về con người, chưa kể tài sản, cơ sở hạ tầng.

Cập nhật từ văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đến 18 giờ tối 30-10, có ít nhất 73 người chết và mất tích, 66 người bị thương do bão số 9, mưa lũ sau bão đợt này. Trong đó có 23 người đã xác định thiệt mạng, còn lại 50 người vẫn đang mất tích (23 người ở Bình Định do chìm tàu, còn lại là do sạt lở núi).

Nguy cơ từ sạt lở núi, mưa lũ còn rất lớn và ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong thời gian vừa qua, mưa lũ đã làm khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên chịu thiệt hại lớn, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại nhiều địa phương như tại Mường La - Sơn La làm 23 người chết; tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái làm 53 người chết; riêng trong tháng 9 và 10-2020 đã làm 138 người chết và mất tích, trong đó một số trận gây thiệt hại nặng như tại thủy điện Rào Trăng 3, trạm bảo vệ rừng tại Tiểu khu 67, Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 làm 52 người dân và cán bộ chiến sĩ hy sinh. 

Ngay sau đợt mưa bão số 9, sạt lở đất nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra, vùi lấp hàng chục người dân ở tỉnh Quảng Nam.

Trước tình hình này, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28-10 và công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29-10, chiều 30-10, văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công văn số 166 gửi ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tất cả các tỉnh miền núi đề nghị thực hiện ngay các nhiệm vụ quan trọng sau:

Khẩn trương rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng đề nghị các tỉnh chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin của địa phương tăng cường thông tin về mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất cùng các biện pháp phòng tránh đến từng người dân, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. 

Triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất và chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục