Yên Bái: Chuyển biến đồng bộ từ nghị quyết “tam nông”

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 7:44:16 AM

YênBái - Năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đạt 5%, cao hơn trung bình của cả nước, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt trên 7.525 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2010. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5 lần so với 2008, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 7,04%.

Sản xuất, kinh doanh hoa hồng ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)
Sản xuất, kinh doanh hoa hồng ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện bài bản, đồng bộ các giải pháp, bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đổi thay mạnh mẽ. Nền sản xuất nông nghiệp chuyển mình cả về quy mô và trình độ sản xuất, chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. Quan trọng hơn là người nông dân đã nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, phát huy trách nhiệm đối với việc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn vững mạnh, ổn định, nhất là xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Không phải đến hôm nay mà trong bất kỳ giai đoạn nào Đảng, Nhà nước cũng luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thư gửi các điền chủ, nông gia ngày 14/4/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh… Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính…”. 

Lời chỉ dẫn của Bác đã và đang được hiện thực hóa trên khắp các thôn bản, làng quê Yên Bái. Đặc biệt là sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo nên một bước đột phá, bước chuyển mình trong "tam nông”. 

Đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Trong đó, khẳng định nông dân là chủ thể, XDNTM là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Để thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Yên Bái là tỉnh miền núi không có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, đời sống kinh tế cư dân nông nghiệp cơ bản còn nghèo, địa hình chia cắt, phân chia thành nhiều tiểu vùng khí hậu… 

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động để tổ chức, quán triệt, tuyên truyền và triển khai. Trong nghiên cứu, học tập triển khai không máy móc, dập khuôn mà tùy tình hình thực tiễn, gắn nhiệm vụ chính trị sát thực tế và cụ thể hóa bằng các giải pháp căn cơ, bài bản, chiến lược. 

Đồng thời, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 với mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nền sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, hiệu quả, bền vững, gắn với XDNTM, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 với mục tiêu: "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn với XDNTM trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đồng bộ; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa, chuyển từ phát triển bề rộng sang chiều sâu; duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng”. 

Đi liền với đó là tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, cụ thể hóa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm cụ thể. Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 với 10 đề án thành phần, hỗ trợ phát triển 10 nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với thu hút, liên kết với doanh nghiệp… Ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, thu hút doanh nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Hàng năm, tỉnh vẫn bố trí đầu tư trên 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho sản xuất nông lâm thủy sản. 

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Đối với hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, được rà soát, quy hoạch, phân bổ lại tư liệu sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhân dân đã có đất sản xuất lâu dài. 

Theo đó, đã cấp 79.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích trên 140.000 ha, san sẻ đất cho trên 400 hộ dân thiếu đất sản xuất. Đặc biệt, đã vận động nhân dân chuyển đổi được trên 3.000 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ trên đất dốc theo phương pháp canh tác bền vững làm hàng hóa; chuyển tư duy sản xuất từ 1 vụ sang 2 vụ chắc ăn. Từ thiếu đói triền miên thì nay không chỉ bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ mà còn có hàng ngàn héc-ta ngô, lúa, thảo quả, sơn tra… làm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. 

Đó là thành công nhất, hiệu quả nhất ở 2 huyện vùng cao. Đối với vùng thấp, đẩy mạnh phát triển, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, hàm lượng khoa học, kỹ thuật đưa vào sản xuất ngày một cao, nâng cao năng suất, chất lượng đi đôi với xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm…



Vùng chè nguyên liệu của Yên Bái cơ bản được thay thế giống chè trung du bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao.   (Ảnh: T.L)

Theo đó, xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao 2.500 ha, ngô 15.000 ha, chè 8.000 ha, tre măng Bát độ 3.500 ha, quế 50.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 100.000 ha. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Yên Bái tập trung duy trì và tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch từ chiều sâu sang phát triển theo thị trường về chất lượng, đảm bảo hài hòa hai mục đích là tăng thu nhập bền vững cho người dân và đảm bảo môi trường sinh thái. 

Tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực, chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ những chủ trương, định hướng cụ thể cho thấy, phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi rõ nét từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ nhu cầu thị trường, chất lượng, an toàn nông sản. Giá trị và hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi thủy sản tăng theo mỗi năm và nhiều diện tích đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Cụ thể, năm 2008, giá trị trồng trọt trên mỗi héc - ta mới đạt 33 triệu đồng thì năm 2020 đã đạt 65 triệu đồng. Đặc biệt, có 20.000 ha sản xuất sản phẩm chủ lực đã đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha; giá trị 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt 200 triệu đồng, tăng gấp 5 lần năm 2008. 

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5%, cao hơn trung bình của cả nước, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt trên 7.525 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2010. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5 lần so với 2008, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 7,04%. 

Yên Bái đã xây dựng và phát triển được 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển không ngừng với 520 cơ sở chế biến gỗ, 13 nhà máy và 120 cơ sở chế biến tinh dầu quế, 66 nhà máy chế biến chè, tinh bột sắn. Hệ thống dịch vụ với 121/157 xã có chợ; trong đó, có 93 xã có chợ đạt tiêu chí NTM. 

Chương trình XDNTM tạo bước đột phá mạnh mẽ, khi bước vào triển khai mới có 2 xã đạt 10 - 15 tiêu chí thì sau hơn 10 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã có 75 xã/150 xã đạt chuẩn NTM, đạt 300% mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Huyện Trấn Yên đạt huyện NTM, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nghĩa vụ XDNTM. Dự kiến hết năm 2021, sẽ có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM. Cái khó khăn nhất, vướng mắc nhất, hạn chế nhất chính là mạng lưới giao thông.

 Nhưng đến hết năm 2020, đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, toàn tỉnh đã có 7.608 km đường giao thông nông thôn, tăng 59% so với năm 2008; trong đó, kiên cố hóa gần 4.000 km, tăng gần 300%. Song song với phát triển nông nghiệp, NTM, hạ tầng nông thôn thì nguồn lao động cũng không ngừng được nâng lên. Trong 13 năm qua, đã đào tạo cho trên 95.000 lao động và đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt 63,2%, tăng gấp đôi so với 2008.

Cái được lớn nhất sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ cấu sản xuất có sự chuyển biến mạnh mẽ, xác định được các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc trưng có lợi thế phù hợp với thực tiễn địa phương. Nông dân có tư duy mới trong sản xuất hàng hóa, hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống cư dân nông nghiệp nâng lên… đó là nền tảng vững chắc cho "tam nông” phát triển trong thời gian tới.
Thanh Phúc

Tags Yên Bái tam nông nông nghiệp nông dân nông thôn thu nhập Nghị quyết 26

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục