Nông thôn mới Yên Bái với những miền quê đáng sống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2021 | 9:08:34 AM

YênBái - Trong tiết trời se lạnh, thong dong bước trên con đường ngập tràn sắc hoa, bà Nguyễn Thị Thịnh năm nay 83 tuổi ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cảm nhận sự thay đổi kỳ diệu trên quê hương mình.

Xã nông thôn mới kiểu mẫu Tuy Lộc, thành phố Yên Bái với những tuyến đường hoa rực rỡ.
Xã nông thôn mới kiểu mẫu Tuy Lộc, thành phố Yên Bái với những tuyến đường hoa rực rỡ.

Những con đường đất nắng thì bụi còn mưa thì lầy mấy chục năm trước giờ được thay vào là những con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Hai bên đường được điểm tô bởi các loại hoa và cây xanh làm khung cảnh làng quê thật yên bình. 

Bà Thịnh phấn khởi cho hay: "Chỗ kia lúc trước là đám ruộng trũng, cỏ dại cao quá đầu người mà giờ thành nơi rèn luyện sức khỏe của người dân và điểm vui chơi của trẻ nhỏ. Còn khu này mới ngày nào đường đi lối lại khó khăn, bây giờ nhà cao tầng đã mọc lên san sát. Làm nông thôn mới (NTM) thật là vui!". 

Tuy Lộc là xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn NTM năm 2014 và cũng là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2020. Đến nay, xã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh rau, diện tích đạt 153 ha với tổng sản lượng đạt 2.500 tấn/năm; thu nhập trung bình 240 triệu đồng/ha, cao gấp 3,7 lần so với trồng các cây hàng năm khác. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt gần 56 triệu đồng/năm; xã không còn hộ nghèo. Các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế tiếp tục được chỉnh trang, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế -xã hội. 

Rời Tuy Lộc, chúng tôi ngược lên vùng cao đến với xã Hát Lừu - xã đầu tiên của huyện Trạm Tấu là một trong những huyện nghèo của cả nước đã cán đích NTM. Cách đây 30 năm, Hát Lừu nói riêng và huyện Trạm Tấu nói chung gặp vô vàn khó khăn. Đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa thôn chưa có... cộng với tập tục lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 80%. 

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi trông thấy. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,37%. 

Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu chia sẻ: "Đây thực sự là cuộc cách mạng lớn trong chuyển đổi tư duy, nhận thức của người dân xã Hát Lừu bởi theo đó là sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tất cả mọi hoạt động, các phong trào thi đua, lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa”. 

Gần 11 năm qua, trong suốt quá trình xây dựng NTM, Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và toàn thể nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,6% tổng số xã toàn tỉnh. 

Trong đó, có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thực hiện hoàn thành xây dựng NTM và huyện Trấn Yên trở thành huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đối với thành phố Yên Bái. 

Mạng lưới giao thông nông thôn không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở mới với tổng chiều dài trên 7.470 km, trong đó, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa là 2.289 km, chiếm 30,6%; đường cấp phối và đường đất là 5.181 km, chiếm 69,4%, xây dựng 72 cầu dân sinh. 

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 là 32 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều) 7,04%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia năm 2020 là 91%...

Phát huy truyền thống, bồi đắp các giá trị văn hóa mới, hướng đến cuộc sống yên vui và hạnh phúc là "sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tiến trình xây dựng NTM ở Yên Bái trong thời gian qua. Giờ đây, NTM Yên Bái có nhiều đổi thay không chỉ đẹp về diện mà còn mới về chất, tạo nên một Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Nơi đó, nếp sống văn minh hiện hữu, xóm làng rộn ràng niềm vui, các giá trị văn hóa được bồi đắp trong từng gia đình, đời sống tinh thần của người dân chuyển biến rõ rệt. NTM Yên Bái đã xây dựng nên những miền quê đáng sống! 

Hồng Duyên

Tags Nông thôn mới Yên Bái đường bê tông nông thôn mới trường học trạm y tế Xanh hài hòa bản sắc hạnh phúc xã Tuy Lộc thành phố Yên Bái Trạm Tấu

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục