■ Đồng chí Đỗ Cao Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; Phó thủ trưởng Thường trực cơ quan Kiểm tra, Thanh tra huyện Văn Yên:
Về cơ bản, tôi nhất trí với các nội dung nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tôi xin góp ý bằng một số đề xuất, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, du lịch Yên Bái đang từng bước khởi sắc, hình ảnh Yên Bái đã có trên bản đồ du lịch Việt Nam. Phát huy kết quả đã đạt được, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch; trong đó, trọng tâm xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch có tính cạnh tranh.
Đẩy nhanh triển khai các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư tại tỉnh: Dự án Công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế tại các xã, huyện Trấn Yên; dự án khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải; dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch Tú Lệ, huyện Văn Chấn… nhằm thu hút khách tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú.
Chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư phát triển vào khu du lịch hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; vùng miền Tây tỉnh Yên Bái; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (điện, nước, điểm vui chơi giải trí, mua sắm, Internet, mạng di động 4G, 5G...), hệ thống các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn tạo điều kiện thuận lợi phục vụ khách du lịch.
Mặt khác, cần lựa chọn các công ty lữ hành, xây dựng các chương trình tour trải nghiệm du lịch Yên Bái dành riêng cho khách du lịch nội địa.
Vận động các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan có sản phẩm mới nổi trội tham gia quảng bá, khuyến khích; đồng thời, tiến tới xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển loại hình du lịch Homestay... nhằm khai thác tối đa các giá trị văn hóa phi vật thể, giữ gìn bản sắc riêng có của mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh.
■ Đồng chí Nguyễn Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái:
Về cơ bản, tôi nhất trí với các nội dung nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tôi cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX được xây dựng công phu, chặt chẽ, nội dung có tính tổng kết thực tiễn, khái quát cao.
Ở phần thứ 2 - Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Dự thảo đưa ra các đột phá chiến lược và chương trình trọng điểm. Tôi kỳ vọng các các đột phá chiến lược và chương trình trọng điểm đề ra sẽ góp phần tạo những bước chuyển mạnh mẽ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong nhiệm kỳ mới.
Ngoài ra, đối với những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân đã đủ sức tạo bứt phá cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo tôi, cần có các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với từng địa phương để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và tạo động lực, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, nhất là nguồn lực ngoài Nhà nước; có các chính sách, giải pháp cụ thể để liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Bùi Lê Minh - Thu Hiền