Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái: Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được xây dựng công phu, đảm bảo khoa học, ngắn gọn, mang tính bao quát cao trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng.
Về mặt nội dung, Dự thảo Báo cáo đã đánh giá toàn diện và đầy đủ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; từ đó, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo chính sách của Đảng tiếp tục phát huy hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Về phần mục tiêu tổng quát đã xác định: xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc với 25 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực để Đảng bộ và toàn thể nhân dân phấn đấu. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, nhưng đồng thời cũng phải có các biện pháp đồng bộ để có thể đạt được.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra cho các lĩnh vực tương đối đầy đủ, tôi bổ sung thêm: tại phần 1.1, mục (1), khổ 1, trang 28: Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững: dòng 15, 16 từ trên xuống: "các sản phẩm đặc sản hữu cơ gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn sạch, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu".
Xem xét bỏ phần "bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn sạch, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu" (vì đã là sản phẩm OCOP thì phải đạt các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm như: chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế).
Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch UBND xã Hán Đà, huyện Yên Bình: Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng lao động
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi nhận thấy Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá đúng, đủ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội; đánh giá đầy đủ, sát thực các kết quả đạt được của Đảng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị. Đồng thời, làm rõ các khuyết điểm, hạn chế trong nhiệm kỳ; xác định được nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Tôi có một số ý kiến đóng góp để đạt chỉ tiêu: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp có văn bằng, chứng chỉ đạt 40% trong nhiệm kỳ tới.
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp gắn với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thứ hai, nâng cao vai trò và có các cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã tham gia đào tạo nghề nông nghiệp và sử dụng lao động nông thôn sau học nghề.
Thứ ba, cần xem xét bổ sung, thêm nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm để cho vay giải quyết việc làm lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa đối với người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh; mở rộng nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi từ dự án hỗ trợ lao động có trình độ nhưng điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn.
Thứ tư, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm; bổ sung thêm quy định về chính sách hỗ trợ việc làm đối với lao động tự làm, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao…; hỗ trợ chuyển dịch việc làm ở khu vực nông thôn.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp ở địa phương như đào tạo nghề kèm cặp tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh (truyền nghề) thông qua các nghệ nhân và người có tay nghề cao.
P.V (thực hiện)