Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư (THĐT), tỉnh xác định phải đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn. Từ mục tiêu đó, tỉnh tập trung nghiên cứu, đánh giá môi trường, chính sách THĐT và xây dựng các đề án nhằm hoàn thiện thể chế.
Đặc biệt, tỉnh đã nghiên cứu, áp dụng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất, kinh doanh; ưu tiên đầu tư vào chế biến sâu tại chỗ tạo giá trị kinh tế.
Cùng đó, tỉnh xây dựng mạng lưới giao thông khép kín, có ưu thế quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy nhằm thúc đẩy giao thương trong và ngoài nước.
Tỉnh cũng đã và đang quy hoạch xây dựng đầu tư 5 khu công nghiệp do tỉnh quản lý với diện tích trên 1.000 ha và 19 cụm công nghiệp tại các huyện thị, thành phố.
Đặc biệt, có thể kể tới Khu Công nghiệp phía Nam với việc được phê duyệt là khu công nghiệp quốc gia và đã mở rộng giai đoạn 2 lên 207 ha, với hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh; từ đó, đã thu hút hàng chục dự án đầu tư vào khu công nghiệp này.
Ngoài các chính sách chung của Nhà nước về THĐT, tỉnh có thêm nhiều chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn đề các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến với Yên Bái để hợp tác sản xuất nông - lâm, ngư nghiệp gắn liền với phát triển du lịch, dịch vụ…; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo sự thuận tiện tối đa cho nhà đầu tư khi nghiên cứu đầu tư vào địa bàn.
Đến nay, các TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa và đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương, thời gian giải quyết TTHC trung bình giảm 40% so với quy định.
Hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch tham gia chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) quốc gia, rà soát, cập nhật bổ sung danh mục các dự án khuyến khích đầu tư; đẩy mạnh cải cách TTHC trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện vận động, thu hút, quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn theo đúng thẩm quyền được phân cấp.
Nhờ đó, hoạt động THĐT FDI của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng, quy mô các dự án FDI tăng lên đáng kể, góp phần làm thay đổi quan điểm, tư duy về định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) đạt được nhiều kết quả nổi bật và liên tục đổi mới về nội dung, hình thức để tiếp cận, cung cấp thông tin đầy đủ nhất đến nhà đầu tư; qua đó, số lượng nhà đầu tư đến với Yên Bái tăng nhanh, tạo bước chuyển biến mới về hợp tác và THĐT.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh luôn được chỉ đạo sát sao và tổ chức dưới nhiều hình thức như tham dự hội các hội nghị, diễn đàn hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tại Côn Minh (Trung Quốc); diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, hội thảo XTĐT trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm...
Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai rất quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh tới các sở, ban, ngành và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ THĐT.
Ngoài ra, tỉnh thành lập các tổ công tác nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư như: tổ THĐT, tổ tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp phát triển; tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư thông qua các diễn đàn kinh tế quốc tế; đa dạng các hoạt động nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)…, tiếp tục tạo được niềm tin của các nhà đầu tư khi đến với tỉnh, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Bằng sự sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các chính sách, triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm THĐT, Yên Bái đã và đang trở thành địa bàn có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Những thành tựu to lớn sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển; tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy.
Qua đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện 78 dự án ODA và NGO với tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI lên 27 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
THĐT đạt kết quả tích cực, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước đã lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư quan trọng như: Vingroup, TH, SunGroup, Eurowindow, Hoa Sen, APEC…
Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tăng nhanh, hoạt động khá hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có trên 2.500 doanh nghiệp (gấp gần 2 lần so với năm 2015), gần 500 hợp tác xã, 4.100 tổ hợp tác và gần 22.000 hộ kinh doanh; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân trên 60% thu cân đối ngân sách của tỉnh.
Các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động đều phát huy hiệu quả trong kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh và lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất giải quyết nhiều việc làm cho địa phương.
Nhờ đó, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm). Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Thanh Tân