Một căn nhà gỗ 3 gian khang trang, 1 ôtô chở hàng, 20 con trâu bò cùng nhiều vật dụng có giá trị cao phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Đây là thành quả sau nhiều năm lao động của gia đình anh Vàng A Rùa ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.
Như nhiều hộ dân trong xã, trước đây cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chăm chỉ lao động, kết hợp với các nguồn vay ưu đãi, cùng sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện, anh Rùa đã tập trung vào phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi kết hợp dịch vụ vận tải, hàng năm thu nhập trên 150 triệu đồng.
Cũng như anh Vàng A Rùa, nhiều hộ dân ở xã Hát Lừu đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi tổng hợp, kết hợp đưa các loại giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất nâng cao thu nhập.
Hát Lừu đã trở thành xã đầu tiên của huyện Trạm Tấu trong số 62 huyện nghèo cả nước cán đích nông thôn mới. Có được kết quả đó, trong thời gian qua, cùng với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Hát Lừu đã rất chú trọng phát triển sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung; lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Du lịch khám phá, nghỉ dưỡng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện Trạm Tấu. Ảnh: Khu du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trạm Tấu gặp không ít khó khăn và thách thức bởi đặc thù của một huyện vùng cao đang dựa rất nhiều vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Song, nhờ phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy được tiềm năng, lợi thế nên huyện đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nổi bật nhất trong chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV là Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích trồng lúa từ một vụ lên 2 vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng vào sản xuất, hình thành một số vùng sản xuất ngô, lúa hàng hóa ở các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu, Hát Lừu..., đưa sản xuất nông nghiệp của huyện tăng mạnh trên cả 3 tiêu chí: diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 6.980 ha, tăng 440 ha so với năm 2015.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện tập trung chú trọng. Theo đó, Trạm Tấu đã tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đến nay, sau sắp xếp toàn huyện đã giảm được 5 đầu mối cơ quan, giảm 46 biên chế so với năm 2015, giảm 12 thôn, tổ dân phố.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị giai đoạn 2016 - 2020
Điểm nhấn trong lĩnh vực này là công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, bài bản, tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, thử thách, phát huy năng lực, trách nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện toàn huyện có 8 cán bộ có trình độ thạc sỹ, 742 cán bộ có trình độ đại học, tăng 340 người so với năm 2015; 47 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, tăng 16 người so với năm 2015. Huyện thực hiện luân chuyển, điều động, tăng cường 246 lượt cán bộ đi cơ sở và ngược lại.
Những kết quả khả quan trong nhiệm kỳ 2015- 2020 sẽ là cơ sở, tiền đề để Đảng bộ huyện Trạm Tấu tiếp tục thực hiện thắng lợi 23 chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 cùng 3 khâu đột phá, 4 chương trình trọng điểm quyết tâm đưa huyện giảm nghèo nhanh, bền vững.
Văn Tuấn – Hoài Văn