Phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc" trong môi trường giáo dục

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/8/2020 | 7:52:05 AM

YênBái - Đó là ý kiến tham gia góp ý của bà Nguyễn Thùy Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải vào Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX.

Đối với trẻ em, môi trường học tập rất quan trọng và cần thiết trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Một môi trường "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trong nhà trường sẽ giúp học sinh cảm thấy vui vẻ, hứng thú với việc đến trường, yêu thích các môn học, các bài giảng. Niềm đam mê, hứng thú học tập giúp học sinh có thêm động lực để tích cực tạo ra các giá trị mới, tiếp thu những bài học mới. Môi trường tốt cũng khích lệ thầy cô có khát vọng để sáng tạo, cống hiến, yêu nghề, mến trẻ. 

Phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trong môi trường giáo dục là mục tiêu quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển giáo dục và đào tạo mà còn là giải pháp mang tính lâu dài, bắt đầu từ con người để hướng đến con người. Để thực hiện mục tiêu đó, tôi đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất: Cần làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, nhà giáo, phụ huynh, học sinh để mọi người có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục. Cán bộ quản lý cần tạo nhiều cơ hội hơn cho giáo viên, học sinh được chủ động, sáng tạo và có những cảm xúc tích cực. Đối với phụ huynh, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc phối hợp chặt chẽ với nhà trường quản lý, giáo dục con em mình. Công khai và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc, xây dựng niềm tin với phụ huynh, tạo mối quan hệ hài hòa, gắn kết giữa nhà trường, thầy cô và gia đình học sinh. 

Thứ hai: Giáo dục học sinh cần phải biết yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sống có trách nhiệm với môi trường ngay trên chính quê hương mình. Huyện Mù Cang Chải vốn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nơi có cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh và hệ động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. 

Di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang được du khách trong, ngoài nước vô cùng yêu thích, khơi dậy niềm tự hào di sản của người dân bản địa. Các nhà trường cần tiếp tục phát huy kết quả Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với tiêu chí trường học xanh, trường học du lịch, trường học hạnh phúc. 

Quy hoạch tổng thể khuôn viên cây xanh, làm bồn hoa, thảm cỏ, xây dựng thư viện xanh đem lại môi trường giáo dục tốt. Phát huy mô hình "Vườn rau của em” ở các trường bán trú, nội trú nhằm tạo cơ hội cho các em tăng gia sản xuất, rèn kỹ năng tự phục vụ; đồng thời, giáo dục các em biết yêu lao động và trân trọng giá trị sức lao động của con người. 

Thứ ba: Xây dựng ngôi trường bản sắc gắn với giáo dục ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông, Thái ở Mù Cang Chải. Với trẻ mầm non, có thể tạo ra các góc trang trí cho trẻ trải nghiệm khám phá, trưng bày các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa địa phương. 

Đối với học sinh phổ thông cần trang bị vốn ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập, xây dựng mô hình "Trường học du lịch” ở những nơi có điều kiện. Cần phát huy tốt hoạt động của các câu lạc bộ trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc như khèn Mông, khèn lá, khèn môi, các câu lạc bộ thêu thổ cẩm. 

Đưa nội dung giáo dục bản sắc vào các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; thực hiện múa khèn, múa khăn trong các giờ ra chơi, tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào những dịp đặc biệt. Giáo dục học sinh biết giữ gìn giá trị truyền thống trong thế giới hội nhập ngay từ khi còn trên ghế nhà trường chính là nuôi dưỡng tình yêu với cái hay, cái đẹp, góp phần tạo nên một ngôi trường giàu bản sắc. 

Thứ tư: Chỉ số hạnh phúc, sự tiến bộ của mỗi học sinh cần được xem là thước đo chất lượng của mỗi nhà trường. Xây dựng môi trường giáo dục hài hòa, hạnh phúc cần tập trung vào 3 tiêu chí cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trường học hạnh phúc là nơi mà thầy cô tìm được niềm đam mê, nhiệt huyết giảng dạy của mình, thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gắn bó và chia sẻ với học sinh. Học sinh cảm thấy có hứng thú với những giờ học, không có áp lực, căng thẳng, được hòa đồng với bạn bè. Phụ huynh luôn tin tưởng vào sự chăm sóc, dạy dỗ của thầy cô. 

Bên cạnh đó, trường học phải đảm bảo yếu tố an toàn cho trẻ, không có bạo lực học đường, không có những tai nạn, thương tích. Học sinh được tôn trọng sự phát triển của cá nhân, được đối xử thân thiện, không nặng về thành tích. Các em được phát triển tối đa năng lực của mình, không ai bị bỏ rơi. 

Để hướng tới những điều đó, thầy cô phải tích cực tự học, tạo ra những bài giảng hay, có chất lượng, rèn luyện thường xuyên để thực sự là tấm gương sáng về đạo đức cho học sinh noi theo, luôn yêu thương, gần gũi với học trò. Làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, trang bị kỹ năng sống để học sinh biết yêu thương, chia sẻ, biết sống hòa hợp, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. 

Huyện Mù Cang Chải, với đặc thù học sinh đa số là đồng bào dân tộc Mông, thầy cô cần hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của các em để có phương pháp định hướng, chăm sóc, giáo dục phù hợp. Các nhà trường cần thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm. Khi thầy cô, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên trường học hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy không chỉ bó hẹp dưới mái trường mà còn lan tỏa, song hành cùng gia đình, xã hội.

Vũ Đồng (thực hiện)

Các tin khác

Đó là những góp ý của bà Đỗ Thị Lý, tổ 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái và bà Trương Hồng Vân - chuyên viên Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính tham gia vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX.

Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sau khi tổ chức thành công đại hội điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đại hội để làm cơ sở thống nhất triển khai, tổ chức đại hội đại trà đối với các đảng bộ cấp trên cơ sở còn lại. Đồng thời, ban hành Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Yên Bái khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025,  tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chiếm 27% (Trong ảnh: Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy chụp ảnh cùng các cán bộ nữ tham gia cấp ủy tại Đại hội - Ảnh: Thủy Thanh)

Đại hội 249 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2022 được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần và phương án nhân sự.

Bí thư Huyện ủy Đoàn Hữu Phung (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với cán bộ, đảng viên xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.

Những công trình, phần việc chào mừng đại hội Đảng các cấp đã và đang phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của người dân Yên Bình đối với Đảng, Nhà nước...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục