Để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một trong những đề xuất quan trọng từ phía ngành chức năng là bổ sung đánh giá, dự báo những thách thức do vấn đề ô nhiễm môi trường mang lại khi tập trung cao độ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Bảo vệ môi trường là trung tâm của sự phát triển
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở trong nước nhận thức của xã hội về việc bảo vệ môi trường còn hạn chế, vẫn còn tồn tại tư tưởng coi trọng, ưu tiên phát triển, tăng trưởng nhanh về kinh tế mà coi nhẹ hoặc hy sinh lợi ích môi trường.
Bởi vậy, lãnh đạo cũng như người dân cần nhận thức rõ ràng về quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường đối với phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế-xã hội là các nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Những năm gần đây, theo quy mô của nền kinh tế, dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các vấn đề môi trường gia tăng rất nhanh cả về quy mô, tính chất, mức độ phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Xu hướng chung của các nước đã phát triển là đều phải trải qua giai đoạn rất dài để bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường, đó là khắc phục những mặt trái của sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu của các quốc gia đã phát triển đều hướng tới sự phát triển hài hòa và cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, không chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng đó. Vì vậy, dự thảo văn kiện cần được bổ sung nội dung "bảo vệ môi trường” cùng với "phát triển kinh tế-xã hội” là trung tâm.
Bên cạnh đó, cũng cần tính tới một số yếu tố có tính đột xuất, khó lường trước như dịch COVID-19 đang kéo lùi sự phát triển kinh tế của thế giới.
Trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) thì chỉ tiêu môi trường cần được xem xét lại từ góc độ "tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%."
Hiện tại, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý mới đạt 66,4% (tăng 18,3% so với năm 2015). Như vậy, việc đề ra chỉ tiêu xử lý được 100% các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là khó đạt và nước ta cần đầu tư rất nhiều nguồn lực để tập trung xử lý vấn đề này.
Các vấn đề môi trường gia tăng rất nhanh
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh, dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong 5 năm tới được nêu trong dự thảo văn kiện cơ bản đầy đủ.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần bổ sung, nhấn mạnh tới dự báo các vấn đề môi trường gia tăng rất nhanh cả về quy mô, tính chất, mức độ phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và trở thành vấn đề của toàn cầu.
Với 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, phương hướng và giải pháp tập trung nhiều vào quản lý đất đai mà chưa thấy những giải pháp để quản lý, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường cũng như ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Để các giải pháp đáp ứng được cho cả trung hạn và dài hạn thì ngoài việc đảm bảo hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, Việt Nam cần phải có mô hình tổ chức quản lý phù hợp, hiệu quả cũng như có sự đầu tư vật lực, tài chính… để đáp ứng được chức năng quản lý, bảo vệ môi trường trong bối cảnh ô nhiễm môi trường trong nước ngày một gia tăng và phức tạp.
Ban soạn thảo nên bổ sung các giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo như đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo để tiết kiệm, giảm mức phát thải khí nhà kính, giảm biến đổi khí hậu.
Dự thảo văn kiện nên được bổ sung giải pháp "Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn đô thị” nhằm góp phần giảm ngân sách nhà nước cho việc chi vào công tác xử lý, khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường...
Một số ý kiến đề nghị bổ sung phương hướng về bảo vệ môi trường như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược về quản lý môi trường; đồng thời có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất hoặc người dân áp dụng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.
Các giải pháp chung cần tập trung là tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên, môi trường; hoàn thiện chính sách, phát luật, xây dựng được các quy định và hướng dẫn cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường cũng như đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường, các vấn đề khác cần được quan tâm như bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt ở địa phương; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ tự sản xuất, chế tạo trong nước cũng như áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới; tăng cường, mở rộng đối tác chiến lược, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng trong 5 năm tới giải pháp thiết thực để chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai là bổ sung làm rõ hơn giải pháp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cụ thể là đầu tư, quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tập trung ở các đô thị lớn, sử dụng các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng và sản xuất điện; tăng cường đầu tư các dự án sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo; tăng cường kiểm soát ô nhiễm hiệu quả, đặc biệt các khí thải nhằm đạt chỉ tiêu quản lý, xử lý về rác thải đô thị và cắt giảm khí nhà kính.
Bên cạnh đó, chúng ta cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý các cấp về môi trường thành một hệ thống quản lý theo ngành dọc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
(Theo Vietnam+)