Chiều 10/11, tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Phát biểu tại phiên họp tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về thể chế; đổi mới trong đường lối, chính sách; ứng dụng khoa học, công nghệ; đổi mới, sáng tạo và trọng dụng nhân tài là những yếu tố quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
"Mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nhưng mục tiêu này không đơn giản nếu ta không có ý chí, quyết tâm. Mục tiêu cao như vậy, tăng trưởng cao như vậy thì tính khả thi thế nào? Ta không còn những vùng rừng núi chưa khai thác; nhưng còn rất nhiều tiềm lực quan trọng về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ. Về các đột phá chiến lược, không thể tách rời vai trò của khoa học công nghệ, vì như thế ta sẽ lạc hậu", Thủ tướng phân tích.
Do đó, Thủ tướng cho rằng, những công nghệ về 5G, thương mại số, chính phủ số... nước ta phải làm nhanh, bởi nhiều nước đã phát triển xa. "Cho nên tôi kỳ vọng là những cách làm của chúng ta phải đổi mới hơn nữa, chứ không phải là làm việc kiểu cũ, thông tin, quyết sách lạc hậu, không kịp thời", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, nhiệm kỳ tới rất quan trọng và phức tạp, khó khăn với tình hình chính trị quốc tế, biến đổi khí hậu. Phải có chiến lược để giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu bởi Việt Nam là nước bị ảnh hưởng lớn. Về chính trị, Việt Nam phải "chèo lái con thuyền" trong quan hệ hợp tác, quan hệ quốc tế.
"Đại hội lần này hy vọng thổi luồng gió mới, có một niềm tin mới phát triển thịnh vượng, giàu có, để tất cả nhân dân được hưởng thụ. Đó chính là định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng để phát triển. Việt Nam tập trung giảm 3% người nghèo, đặc biệt ở những vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, những vùng có nhiều điều kiện phải làm tiền đề trong phát triển, tạo của cải vật chất, tạo ra những cực tăng trưởng rất quan trọng", Thủ tướng kỳ vọng.
Theo Thủ tướng, nước ta phát triển đồng đều trên các lĩnh vực, nhưng những tỉnh trọng điểm, những thành phố động lực cần có những đóng góp quan trọng. Đây là phương pháp tiếp cận vấn đề để nước ta phát triển hài hòa.
Cũng theo Thủ tướng, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ trong cách làm. Người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng.
"Thu hút nguồn lực, quan trọng nhất là nguồn lực con người. Khâu đôn đốc, kiểm tra, sự nghiêm túc trong thực hiện quan trọng không kém. Thái độ nghiêm túc thì đất nước mới phát triển, người dân mới có niềm tin được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đổi mới sáng tạo phải là đột phá
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn và định hướng lộ trình phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045.
Theo đại biểu Trần Thị Hiền: "So với dự thảo lấy ý kiến tại Đại hội các cấp thì mục tiêu lần này được chỉnh lý cô đọng và dứt khoát hơn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Điều này có ý nghĩa lịch sử rất lớn trong chặng đường 25 năm tới". Đại biểu Hiền cho rằng mục tiêu này càng khẳng định tầm quan trọng của định hướng chiến lược cho phát triển thời kỳ tiếp theo là phát triển nhanh và bền vững; tuy nhiên then chốt là phải đổi mới sáng tạo, coi đây là đặc trưng của giai đoạn tới; do đó cần đổi mới tư duy mạnh mẽ, có cách làm đột phá. Đổi mới sáng tạo cần nêu thành yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế. Vì thể chế bao trùm mọi lĩnh vực mà trước hết thể hiện năng lực quản trị quốc gia. Thể chế, pháp luật là bệ phóng cho các ý tưởng sản xuất kinh doanh.
Bày tỏ quan tâm về Báo cáo chính trị, nhất là về tầm nhìn và định hướng phát triển, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đồng tình với các dự báo tình hình; cho rằng cần xây dựng chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu với từng vùng miền, nhất là vùng kinh tế trọng điểm rõ hơn và nhấn mạnh nội dung khoa học công nghệ, nhất là trong nông nghiệp.
Liên quan đến mục tiêu và chỉ tiêu đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn 2045, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng việc đặt ra tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% là rất khó so với thực tiễn 5 năm qua và dự báo tình hình 5 năm tới. Thay vào đó, theo đại biểu, có thể bổ sung lao động qua đào tạo có việc làm ổn định từ 80% trở lên.
(Theo VTV)